Phó Thủ tướng: Ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học công nghệ chưa hiệu quả

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm.

Cần đổi mới tư duy, cách thức quản lý

Chiều 7/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực khoa học công nghệ, giải trình làm rõ những vấn đề có liên quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng: Thời gian qua lĩnh vực khoa học công nghệ nước ta cũng đã có những đóng góp cụ thể, được các tổ chức quốc tế đánh giá, tốc độ đổi mới trong lĩnh vực này đạt mục tiêu đề ra. Nước ta cũng là nước đứng thứ 5 trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.

Thừa nhận về những tồn tại trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là lĩnh vực mang tính liên ngành, do vậy, để giải quyết những tồn tại ấy cần phải đổi mới tư duy, cách thức quản lý…

Quang cảnh phiên làm việc chiều 7/6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, ngân sách đầu tư cho nghiên cứu của lĩnh vực khoa học công nghệ chưa hiệu quả, nếu so với thế giới có thể chúng ta đang ở mức thấp nhất. Do vậy, chúng ta cần gia tăng áp lực đổi mới cho các doanh nghiệp trong thời gian tới theo hướng chuyển từ kinh tế dựa vào tài nguyên sang kinh tế dựa vào tri thức.

Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề quản lý các Quỹ trong lĩnh vực này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, phải đổi mới cách thức quản lý tài chính, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, đáp ứng cân bằng giữa cung và cầu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của Quỹ… Đồng thời, hoàn thiện các quy định và có chính sách đặc thù bảo vệ quyền sở hữu, quyền tác giả khi chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ…

"Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết các chính sách lớn trong lĩnh vực này. Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được tiếp thu, nghiên cứu để có những đề xuất chính sách tốt hơn để triển khai trong thời gian tới"- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nêu rõ.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định) tranh luận tại phiên chất vấn

Chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực khoa học công nghệ

Đối với phần chất vấn, tranh luận của các đại biểu Quốc hội về nguồn kinh phí phân bổ cho các địa phương phục vụ hoạt động khoa học công nghệ duy trì ở mức thấp; dàn trải, phân bổ nhiều lần. Các đại biểu đặt vấn đề về trách nhiệm thuộc về ai, khi nào vấn đề được xử lý?; Bộ trưởng Bộ KH&CN có định hướng, giải pháp gì để ưu tiên cân đối kinh phí đầu tư cho các địa phương-nhất là với nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn?.

Trả lời nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể thành công không thành công. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn

Làm rõ thêm về việc bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính và Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, Nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ

Cùng làm rõ thêm vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, trách nhiệm của Trung ương đã chi theo đúng quy định theo Nghị quyết của Quốc hội và Luật Đầu tư công; việc bố trí có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến năm 2023, tỷ lệ chi giảm dần, chỉ đạt 1,1-1,18%, riêng năm 2023 là 0,83%, trong khi đó Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm. Điều này cho thấy, các bộ, ngành địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này.

Chậm thành lập trung tâm khởi nghiệp

Ở nội dung chất vấn Bộ trường Bộ KH&CN, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến nguyên nhân chậm thành lập các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đặt vấn đề về trách nhiệm của tư lệnh ngành.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (Đoàn Thành phố Đà Nẵng) về thành lập trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu. Bộ trưởng mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Theo dự kiến, cuối tháng 6/2023 làm việc với thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hình thành các trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ KH&CN là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số nội dung liên quan

Tiếp tục tranh luận về nội dung liên quan đến thành lập trung tâm khởi nghiệp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định) đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết nhiệm vụ, giải pháp về cơ chế hành lang pháp lý nào để Bộ trường thực hiện mục tiêu đầu tư xây dựng một số khu đô thị khoa học, khu công nghệ cao, trường đại học trọng điểm… theo Nghị quyết 27/2008?.

Làm rõ hơn nội dung này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là một trong 3 đột phá chiến lược được nêu tại Đại hội Đảng lần thứ XIII. Xuất phát từ quan điểm này, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

cùng đó, Bộ KH&ĐT cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với các Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Vân Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/pho-thu-tuong-ngan-sach-danh-cho-nghien-cuu-khoa-hoc-cong-nghe-chua-hieu-qua.html