Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình: Xây dựng nền hành chính công công khai, minh bạch

Mặc dù các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND 63 tỉnh, thành trên cả nước đã có những nỗ lực trong thực hiện cải cách hành chính (CCHC) nhưng vẫn còn hiện tượng người dân phải đi lại trên... 7 lần mới giải quyết xong công việc, thậm chí bị 'gợi ý' nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí theo quy định...

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: L.S

Đây là kết quả được công bố tại Hội nghị công bố chỉ số CCHC năm 2017 do Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì ngày 2.5. Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính chủ trì hội nghị.

Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính cả nước là 80,90%

Năm nay, lần đầu tiên Bộ Nội vụ triển khai đo lường và tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính tại 63 tỉnh, thành (SIPAS 2017). Kết quả cho thấy chỉ số SIPAS 2017 của cả nước là 80,90%.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, 78,09% số người được hỏi khẳng định chỉ cần đi lại 1-2 lần trong quá trình giải quyết công việc; 16,94% đi lại 3-4 lần. Tuy nhiên, cũng vẫn còn người dân, tổ chức phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, với 2,42% số người được hỏi đi lại 5-6 lần và 2,47% đi lại 7 lần trở lên. Cao nhất, có tỉnh còn có 16,9% số người được hỏi phải đi lại 5-6 lần và có tỉnh có 7,3% số người đi lại 7 lần trở lên.

Đáng nói, có 3,35% số người được hỏi trong cả nước khẳng định, công chức gây phiền hà, sách nhiễu trong quá trình đi giải quyết công việc. Đặc biệt, có 1,85% số người được hỏi khẳng định có hiện tượng công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/ lệ phí theo quy định.

Kết quả SIPAS 2017 cũng cho thấy, 91,7% số người dân, tổ chức được hỏi trả lời đã nhận được kết quả cung ứng dịch vụ của cơ quan hành chính nhà nước đúng hẹn, chỉ 5,9% trễ hẹn. Tuy nhiên, trong số này, chỉ 32,7% nhận được thông báo của cơ quan về sự trễ hẹn, 11,09% nhận được xin lỗi của cơ quan về sự trễ hẹn.

Về sự mong đợi của người dân, tổ chức về việc cung ứng DVHCC nói chung trong cả nước tập trung ở 3 nội dung (được sắp xếp theo thứ tự từ mong đợi nhiều nhất): Tiếp tục đơn giản hóa TTHC (74,72% số người được hỏi); mở rộng các hình thức thông tin (56,22% người được hỏi); rút ngắn thời gian giải quyết TTHC (41,49% số người được hỏi).

Đẩy mạnh thủ tục công trực tuyến

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, không thể thỏa mãn với kết quả này mà tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, đặc biệt là đưa ý thức, đưa yếu tố phục vụ người dân, doanh nghiệp lên trên hết, chống tiêu cực, tham nhũng, chống lợi ích nhóm lên
trên hết.

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ như: Đề ra các giải pháp phù hợp để khắc phục các tồn tại hạn chế, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm túc, trọng tâm hiệu quả Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị 6 BCH T.Ư khóa XII; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, công tác tuyển dụng bổ nhiệm và sử dụng cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các phần mềm dùng chung, tăng cường việc sử dụng văn bản điện tử, từng bước xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử và nâng lên cấp độ Chính phủ thông minh, chính quyền thông minh...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ: Phải đảm bảo làm thế nào chúng ta xây dựng nền hành chính công có chất lượng cao, hiện đại, công khai, minh bạch, tạo mọi điều kiện thuận lợi, cơ hội cho người dân, DN.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-thuong-truc-truong-hoa-binh-xay-dung-nen-hanh-chinh-cong-cong-khai-minh-bach-604736.ldo