Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang: Việt Nam-Nhật Bản cần nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số

Diễn đàn trong chuỗi các sự kiện mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Sáng 15/2 tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) tổ chức “Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản 2023: cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”. Sự kiện được tổ chức nhân chuyến công tác Việt Nam của ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch, Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong, JCCI cùng đoàn doanh nghiệp đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, chế tạo...

Toàn cảnh diễn đàn “Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Nhật Bản: cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”. Ảnh: VCCI cung cấp

Toàn cảnh diễn đàn “Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam và Nhật Bản: cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững”. Ảnh: VCCI cung cấp

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao sáng kiến tổ chức diễn đàn; cũng như nỗ lực của 2 cơ quan là VCCI và JCCI cùng các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai quốc gia suốt thời gian qua.

Nhân kỷ niêm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (23/9/1973) và quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản, Phó Thủ tướng nhận định, diễn đàn sẽ là một trong chuỗi các sự kiện mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy thương mại, đầu tư, kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, qua 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, nhân dân 2 nước đã chứng kiến quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam- Nhật Bản với sự phát triển vượt bậc và toàn diện: Về đầu tư, Nhật Bản giữ vị trí nằm trong top 3 nhà đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.835 dự án vào Việt Nam với tổng vốn trên 64 tỷ USD.

Về thương mại, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Tuy nhiên, với tầm nhìn tương lai 30, 50 năm tới, hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản còn tiềm năng tăng trưởng rất lớn.

Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục 6-7% mỗi năm, đây chính là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam cùng phát triển.

Để góp phần phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng, đầu tiên cần tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác đầu tư giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn, đồng thời chú trọng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư ổn định, lâu dài tại Việt Nam.

Kế đó, cần tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước, trong đó triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định thương mại CPTPP, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) nhằm sớm đạt mục tiêu tiếp tục nâng cao kim ngạch thương mại song phương theo hướng cân bằng.

Cuối cùng, theo Phó Thủ tướng, hai nước cần nâng tầm đối tác chiến lược trên nền tảng số, qua đó mở ra cơ hội đầu tư và kết nối doanh nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về chuyển đổi số, quản trị doanh nghiệp cho doanh nghiệp Việt Nam; và xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam.

Với chủ để: "Cùng kiến tạo đổi mới nhằm xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững", Chủ tịch Phạm Tấn Công cho rằng, đây là một chủ đề ý nghĩa và là nội dung trọng tâm trong các phiên thảo luận là về hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh giảm rác thải carbon và phát triển khởi nghiệp. Phát triển khởi nghiệp là để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; còn phát triển năng lượng tái tạo, tăng trưởng xanh để xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. Đây cũng là những nội dung được VCCI tiên phong khởi xướng tại Việt nam hơn 20 năm qua thông qua các cơ chế như Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam.

Diễn đàn là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước lắng nghe, nắm bắt thông tin đối thoại với đại diện các cơ quan Chính phủ, cơ quan xúc tiến của hai nước trong các lĩnh vực đang được quan tâm; tạo cầu nối gặp gỡ, giao lưu trực tiếp, trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác hợp tác trong tương lai. Sự tham gia đông đảo của doanh nghiệp hai nước ngày hôm nay là minh chứng cho thấy niềm tin về quan hệ hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Cũng tại diễn đàn, ông Yoshihisa Suzuki, Chủ tịch Ủy banHợp tác Kinh doanh Nhật Bản-Mekong (JCCI) cho biết, có nhiều vấn đề quan trọng sec được bàn và thảo luận trong các kỳ họp của diễn đàn trong ngày hôm nay. Đặc biệt là vấn đề hậu COVID với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.

Diễn đàn không chỉ đơn giản là 1 dự án mà còn là cơ hội để xây dựng tầm nhìn đồng sáng tạo nên như những mô hình, những cách thức giúp tăng trưởng kinh tế làm sao cho bền vững và bắt nhịp với xu thế toàn cầu, ông Suzuki nhấn mạnh./.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/pho-thu-tuong-tran-luu-quang-viet-nam-nhat-ban-can-nang-tam-doi-tac-chien-luoc-tren-nen-tang-so/281035.html