Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là phòng, chống bão số 6

VH- Ngày 16.9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống bão số 6 (Mangkhut) tại tỉnh Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công tác phòng chống bão

Báo cáo về công tác phòng, chống bão bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long cho biết: Trước diễn biến của cơn bão, Quảng Ninh chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương chủ động các biện pháp phòng tránh; thông tin đến người dân và đặc biệt tổ chức kêu gọi thông tin cho tàu, thuyền biết để chủ động tìm nơi trú tránh an toàn; kiểm tra, xử lý các công trình hạ tầng, đê điều, hồ đập, các khu vực nuôi thủy sản, các khu vực nguy cơ sạt lở, vùng trũng thấp nguy cơ ngập lụt, nhà cửa xuống cấp nghiêm trọng, bến cảng, các khu vực đang thi công… Các đơn vị và địa phương, đặc biệt Quân sự, Biên phòng và các địa phương ven biển, hải đảo đã triển khai các biện pháp phòng, chống bão theo quy định; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, nhu yếu phẩm sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; chú trọng phòng, chống mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt; tổ chức theo dõi chặt chẽ bão và tổ chức trực ban theo dõi, cập nhật nghiêm túc.

Tỉnh Quảng Ninh thông tin, tuyên truyền bằng tất cả các phương tiện thông tin đến tận người dân nắm được diễn biến cơn bão số 6 để chủ động các biện pháp phòng, chống và trú tránh an toàn. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị quân đội huy động hàng nghìn cán bộ chiến sỹ, dân quân tự vệ cùng nhiều ô tô, tàu, xuồng các loại sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xảy ra. Lực lượng công an, cảnh sát phòng cháy, chữa cháy duy trì trực 24/24 giờ tại các địa bàn xung yếu. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: công tác phòng, chống bão được tập trung đặc biệt, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân, các công trình, hạn chế tối đa thiệt hại về người và của. Theo dự báo Quảng Ninh là tâm bão và sẽ có mưa lớn. Do vậy, tất cả các lực lượng phòng, chống thiên tai đều trực sẵn sàng. Tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành, đơn vị và lực lượng quân đội, công an tích cực, khẩn trương kiểm tra thực tế để gia cố các vị trí xung yếu, hỗ trợ chằng chống nhà cửa, di chuyển dân khu vực nuôi trồng hải sản, lồng bè, làng chài, vùng trũng thấp ngập lụt, khu vực nguy cơ bị sạt lở, lũ quét, khu vực khai trường... Các lực lượng và phương tiện thường trực sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

Chỉ đạo tại hiện trường, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương có phương án tiêu nước, tiêu úng, bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, hệ thống điện, nước, thông tin liên lạc trước, trong và sau bão; duy trì chế độ trực, thông tin thường xuyên; duy trì phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Theo dự báo, cơn bão suy yếu. Tuy nhiên, do đường đi của bão khá phức tạp, địa phương cần theo dõi diễn biến của bão, đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.

Trong trường hợp bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, thì vẫn có ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa lớn, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chuẩn bị kỹ càng, không được chủ quan, lơ là. Tỉnh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở; huy động tất cả tàu, tuyền về nơi tránh trú bão an toàn, không để tàu, thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn… Quảng Ninh là địa bàn phát triển về du lịch, dịch vụ, công nghiệp… Do vậy, tỉnh cần có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất. Đối với các mỏ, hầm lò trên địa bàn, cần có phương án hiệu quả để phòng chống mưa bão, ngập lụt.

Hải Đăng

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/pho-thu-tuong-trinh-dinh-dung-tuyet-doi-khong-duoc-chu-quan-lo-la-phong-chong-bao-so-6