Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. - Ảnh: VGP

Chuyến thăm Hàn Quốc trong năm hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao của Phó Thủ tướng Thường trực lần này mang ý nghĩa đặc biệt. Xin ngài Phó Thủ tướng cho biết nội dung trọng tâm nhất trong chuyến thăm lần này là gì? Theo Phó Thủ tướng, nhiệm vụ cốt lõi nhằm phát triển quan hệ hai nước trong thời gian tới là gì?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của tôi và đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam diễn ra trong bối cảnh 2 nước đang tích cực tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Chuyến thăm thể hiện chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam hết sức coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược với Hàn Quốc.

Chúng tôi vui mừng nhận thấy, sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển nhanh chóng, ngày càng hiệu quả với nhiều thành tựu quan trọng và có nhiều bước tiến trên mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, nông nghiệp, văn hóa, du lịch... Các cơ chế hợp tác song phương cơ bản đã được thiết lập đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện. Hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược (2009), giao lưu cấp cao và các cấp Bộ ngành giữa hai nước được duy trì thường xuyên, góp phần củng cố tin cậy chính trị; hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong tổng thể quan hệ hợp tác hai nước. Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt - Hàn được thông qua và phát huy hiệu lực từ 20/12/2015 đã tạo động lực và cơ hội hợp tác mới thúc đẩy làn sóng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam, gia tăng kim ngạch thương mại song phương.

Hai nước Việt Nam và Hàn Quốc gần gũi về địa lý, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa. Hai nước có tiềm năng hợp tác lớn, cùng chung lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, ổn định để tập trung cho phát triển. Việc tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc là phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.

Trên cơ sở các nền tảng vững chắc của những thành tựu đạt được trong 25 năm qua, trong thời gian tới hai nước cần tiếp tục đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc đi vào chiều sâu, thông qua duy trì trao đổi tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác ngoại giao, an ninh, quốc phòng, qua đó củng cố tin cậy chính trị và làm phong phú nội hàm chiến lược cho quan hệ hai nước; thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại phát triển ổn định, cân bằng, bền vững, gắn kết hơn nữa về lợi ích, củng cố cơ sở vật chất cho quan hệ hai nước; tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, lao động, giao lưu nhân dân; duy trì phối hợp trên các diễn đàn đa phương, tăng cường phối hợp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, tôi đã hội kiến với ngài Thủ tướng, ngài Chủ tịch Quốc hội và tiếp xúc, trao đổi với một số cơ quan của Hàn Quốc (Bộ Tư pháp, Tòa án Tối cao, Ủy ban chống tham nhũng và quyền công dân Hàn Quốc...), thăm Khu Kinh tế tự do Hoàng Hải. Dự kiến sẽ tập trung trao đổi về việc thực hiện các thỏa thuận và nhận thức chung cấp cao, xác định các biện pháp và phương phướng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về thương mại, đầu tư, ODA, du lịch, tư pháp, giao lưu nhân dân; trao đổi, tham khảo kinh nghiệm về phòng chống tham nhũng, tư pháp... Hy vọng thông qua chuyến thăm sẽ góp phần thắt chặt quan hệ mật thiết và tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ hợp tác cùng có lợi giữa các Bộ, ngành, địa phương hai bên trong thời gian tới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa có cuộc tiếp xúc cấp cao với Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhân dịp APEC gần đây. Hai bên đã nhất trí sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước hướng tới “mục tiêu đạt 100 tỷ USD trao đổi thương mại đến năm 2020”. Theo Phó Thủ tướng, nhằm đạt được mục tiêu này, hai bên cần có biện pháp tiếp theo gì? Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về lĩnh vực mà Việt Nam đang chú trọng như động lực phát triển cho tương lai, và cơ hội dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực này?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Sau 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế-thương mại-đầu tư, hai bên đã trở thành đối tác quan trọng của nhau. Hàn Quốc hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thứ nhất về đầu tư trực tiếp, thứ hai về ODA và du lịch, thứ ba về quy mô thương mại. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã tăng hơn 86 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao lên 43,4 tỷ USD vào năm 2016, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc (71,8 tỷ USD) và Hoa Kỳ (47,1 tỷ USD). Việt Nam hiện nhập nhiều mặt hàng của Hàn Quốc, trong đó có máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, điện tử, máy tính và linh kiện.

Thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí cùng phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD đến năm 2020. Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, và tiềm năng to lớn giữa hai nước, tôi tin tưởng với sự quan tâm và nỗ lực chung của hai bên, nhất định sẽ thực hiện được mục tiêu này. Hai bên cùng tích cực thúc đẩy triển khai hiệu quả FTA Việt Nam-Hàn Quốc. Trong quá trình đó, Việt Nam mong muốn Hàn Quốc tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Hàn Quốc, hỗ trợ Việt Nam tham gia các chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu của Hàn Quốc để góp phần mở rộng kim ngạch và từng bước cải thiện cán cân thương mại hai nước.

Bên cạnh đó có thể thấy, sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, đã trở thành thành viên tích cực của nhiều cơ chế hợp tác thương mại đa phương, được đánh giá là một trong những nước đang phát triển thành công về thu hút FDI đã ký kết, thực thi 10 FTA, kết thúc đàm phán 2 FTA và đang đàm phán 4 FTA song phương và đa phương. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam quyết tâm đi sâu cải cách đồng bộ, toàn diện, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Trong quá trình này, Chính phủ Việt Nam hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có Hàn Quốc tăng cường đầu tư, tham gia thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu các tổ chức ngân hàng, tín dụng; mong muốn Hàn Quốc tăng cường hơn hợp tác chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giao thông, y tế, môi trường, công nghệ cao.

Việt Nam đánh giá cao các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam thời gian qua đóng góp thiết thực vào sự phát triển của Việt Nam và Hàn Quốc. Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam.

Chúng tôi được biết Phó Thủ tướng đang phụ trách các lĩnh vực cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm. Xin Phó Thủ tướng cho biết chính sách mà Chính phủ Việt Nam đang tập trung triển khai nhằm cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng là gì?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Trước hết, phải khẳng định rằng, phòng chống tham nhũng là một trong những quan tâm hàng đầu của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam hiện nay. Chúng tôi xác định phải làm quyết liệt, bền bỉ và tới cùng. Việc phòng chống tham nhũng thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân ủng hộ, khích lệ. Nhiều vụ án tham nhũng lớn và cán bộ, công chức liên quan ở các cấp đều bị xử lý kỷ luật.

Để có một nền hành chính minh bạch, liêm chính, phục vụ người dân, cần phải tiến hành song song cải cách hành chính và chống tham nhũng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung: Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng; đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ; nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu; tổng kết, đánh giá hoàn thiện hệ thống pháp luật (Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức), kiện toàn các quy định về công tác cán bộ, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ giữa các khâu và liên thông giữa các cấp; tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng khắc phục tình trạng tuyên truyền hình thức kém hiệu quả; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn tham nhũng.

Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước, các tổ chức quốc tế, cũng như cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, cũng như triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng.

Trong số các khó khăn của doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn tại Việt Nam, vấn đề về các quy định liên quan đến đầu tư, thuế, lao động chưa rõ ràng và còn phức tạp vẫn hay được nhắc đến. Xin Phó Thủ tướng Thường trực cho biết các biện pháp cải thiện các vấn đề này là gì?

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ: Trên tinh thần coi “thành công của nhà đầu tư tại Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi”, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư. Cho tới nay, môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam ngày càng thông thoáng; thủ tục đầu tư, thuế, lao động không ngừng được cải thiện, đã được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận và đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua (theo Diễn đàn Kinh tế thế giới -WEF), đứng thứ 55/137 nước. Xếp hạng về môi trường kinh doanh (DB) năm 2018 của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng thứ 68/190, nằm trong nhóm ASEAN-5 (theo Ngân hàng thế giới). Các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế có uy tín như WB, WEF…, các Phòng Thương mại và các tập đoàn quốc tế hàng đầu đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh, ghi nhận Việt Nam là một trong những nền kinh tế cải cách và hội nhập thành công trong 3 thập kỷ qua (tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 ngày 7/11/2017).

Những thuận lợi đó đã tạo sự tăng trưởng mạnh mẽ các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đặc biệt là đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc. Riêng 10 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 28,24 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư.

Để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, thời gian tới Chính phủ Việt Nam quyết tâm triển khai thành công việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, cụ thể sẽ tập trung cải thiện chất lượng thể chế kinh tế, thúc đẩy pháp quyền, nâng cao năng lực quản trị; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh khởi nghiệp, sáng tạo; thực hiện cải cách thuế hướng đến các chuẩn mực cao của OECD, tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư cùng chung tay đồng hành, ủng hộ Chính phủ thực hiện tốt các mục tiêu này.

Trân trọng cảm ơn ngài Phó Thủ tướng!

Lê Sơn (ghi)

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/pho-thu-tuong-truong-hoa-binh-tra-loi-phong-van-bao-chi-han-quoc/322797.vgp