Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bật mí về đổi mới giáo dục thời Cách mạng 4.0

Sách giáo khoa mới cho trẻ từ lớp 1 được ban hành trong năm tới sẽ hướng đến tinh thần khuyến khích tư duy sáng tạo; đồng thời dạy cho trẻ biết tôn trọng văn hóa truyền thống nhưng cũng bỏ đi tư duy vâng lời và dám hỏi lại giáo viên.

Đây là chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN) diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng cho biết, 65% trẻ em đang học ở cấp bậc học tiểu học ở Việt Nam trong tương lai sẽ làm những công việc mà hiện nay không có. Đến năm 2020, khoảng 1/3 các kỹ năng cần có ở thời điểm hiện tại sẽ trở nên không cần thiết hoặc sẽ cần phải tăng cường.

Dù vậy, Phó Thủ tướng cho biết, giới trẻ Việt Nam hiện đang rất lạc quan vào tương lai của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 khi nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra với nguồn thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, về phía những nhà hoạch định chính sách, không chỉ có lạc quan, mà còn phải nghĩ nhiều hơn đến các thách thức.

Theo đó, cuộc Cách mạng 4.0 sẽ mang lại nhiều nghề mới và cũng thay thế nhiều nghề; đặc biệt là những nghề có tỷ lệ lao động lớn ở Việt Nam như dệt may, da giày, xây dựng hoặc các công việc cho phụ nữ như thư ký, công nhân lắp ráp trong nhà máy điện tử. Điều quan trọng là phải làm thế nào để đào tạo sao cho người lao động chuyển sang làm được những công việc mới hoặc vẫn duy trì công việc cũ nhưng có trình độ cao hơn để đáp ứng với yêu cầu của các phương thức mới.

Hiện nay, có khoảng 38% số lao động của Việt Nam nằm trong khu vực nông nghiệp; do đó, Việt Nam không chỉ phải tìm các phương án để chuyển đổi việc làm trong khu vực công nghiệp, dịch vụ mà còn phải chuyển đổi từ nông nghiệp sang ngành công nghiệp và dịch vụ.

Điều này đặt ra 2 vấn đề, thứ nhất là làm sao để những người trong khu vực nông nghiệp học được các kỹ năng không chỉ làm nghề mới, phụ thuộc vào các công ty cung cấp công ăn việc làm cho họ mà bản thân họ cũng phải tạo ra việc làm cho chính mình. Chẳng hạn như phải làm thế nào để vừa canh tác mà còn có thể tự bán hàng ra thế giới, và làm các dịch vụ thông qua công nghệ.

Phó Thủ tướng cho biết, phần lớn người Việt có hai nghề, kể cả công chức. Chính điều này đã giúp Việt Nam vẫn đứng vững trong cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997.

Thứ hai, khi đối phó với những thách thức mới trong vấn đề lao động, việc quan trọng là cần đẩy mạnh học tập suốt đời, học tập cho người lớn. Khi nói về học tập cho người lớn, suy nghĩ của nhiều người vẫn chỉ dừng lại ở con số 25 tuổi, 30 tuổi và thậm chí là 40 tuổi thôi nhưng ít ai nghĩ được đến độ tuổi từ 60 - 65.

"Cuộc cách mạng này phải đem lại cơ hội cho tất cả, cần chú ý giúp những người cao tuổi để nắm bắt cơ hội; cần đổi mới việc học từ trẻ nhỏ cho tới người già", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ tại WEF ASEAN

Với thế hệ trẻ, Phó Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục, mặc dù được đánh giá là có nhiều điểm tốt nhưng cũng cần phải định hướng cho trẻ nhận biết về thế giới tương lai là một điều khó đoán định.

Ngoài ra, phải giúp các em thay vì chỉ biết học tập một cách thụ động, một cách vâng lời thì phải biết nghĩ khác đi khi truyền thống từ xa xưa của Việt Nam là trẻ em phải biết vâng lời. Khác đi không có nghĩa là vứt bỏ truyền thống mà cần vừa tôn trọng văn hóa, vừa chủ động, dám hỏi lại, đối đáp với giáo viên.

Theo Phó Thủ tướng, có một điều may mắn là công nghệ đang phát triển và không cần có thầy, không cần đến lớp vẫn có thể tự học được. Để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam đã có những dự án để tạo các kho tri thức giúp mọi người học tập, nâng cao khả năng, thích ứng với các yêu cầu mới, kể cả là người lớn tuổi.

Trong đó, có các dự án liên quan đến bậc phổ thông, có các chương trình từ bậc phổ thông đến dạy nghề và đại học tương thích với khung trình độ của ASEAN cũng như quốc tế bởi lẽ Phó Thủ tướng cho rằng các nước cần hợp tác và công nhận bằng cấp, chia sẻ học liệu, chia sẻ kinh nghiệm.

Trong tương lai gần, công nghệ sẽ xóa giúp nhòa ranh giới về ngôn ngữ, về yếu tố địa lý trong việc làm nên ông Đam cho rằng câu chuyện dịch chuyển lao động trong ASEAN và toàn cầu cũng cần được xem xét; các nhà chính sách cần có tầm nhìn cầu.

Về giáo dục cho trẻ em, Phó Thủ tướng cho biết trong năm tới sẽ ban hành chương trình sách giáo khoa mới cho trẻ em từ lớp 1 trên tinh thần khuyến khích sáng tạo nhiều hơn. Quan trọng nhất, phải dạy cho các em, một mặt là tôn trọng văn hóa truyền thống, mặt khác phải dám nghĩ khác, dám đặt câu hỏi ngược lại với giáo viên.

Với người già, Việt Nam hiện đang xây dựng môi trường tri thức số hóa, cố gắng thu thập tất cả các kiến thức của Việt Nam và các nước để biên tập lại dưới dạng câu hỏi và câu trả lời. Các nhà khởi nghiệp trẻ cũng được khuyến khích đào kho dữ liệu này để làm ra nhiều ứng dụng thông minh cho mọi người học tập, ứng dụng mà vừa có thể phát triển sự nghiệp.

Việt Nam cũng đang có 12.000 trung tâm học tập cộng đồng ở các làng xã; có một tổ chức xã hội là hội khuyến học...với sự hỗ trợ chuyên biệt giữa các Bộ, ngành để mọi người nắm được kiến thức, nắm được thị trường từ đó tự tạo công ăn việc làm.

Phó Thủ Tướng nhấn mạnh, ngay trong đổi mới về giáo dục phải hướng đến tinh thần con người yêu thuương con người bởi lẽ trong tương lai, nhiều nghề mới sẽ liên quan đến cảm xúc của khách hàng.

Đặng Hoa

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-bat-mi-ve-doi-moi-giao-duc-thoi-cach-mang-40-1536812641137.htm