Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Ngoài mong muốn xã hội thông cảm, ngành giáo dục cần nhìn thẳng hơn vào những bất cập

Chia sẻ tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 12/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho hay, giáo dục luôn được xã hội quan tâm, đây là điều may mắn nhưng cũng vì thế chịu áp lực.

 Theo Phó Thủ tướng, có nhiều vấn đề mà ngành giáo dục-đào tạo phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mới có thể tìm ra câu trả lời. (Ảnh: Đinh Thị Mỹ Huệ)

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều vấn đề mà ngành giáo dục-đào tạo phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mới có thể tìm ra câu trả lời. (Ảnh: Đinh Thị Mỹ Huệ)

Phó Thủ tướng cho rằng, khi người người đều quan tâm đến giáo dục, mà ai cũng có thực tiễn giáo dục của bản thân, ai cũng tưởng chừng mình là “chuyên gia giáo dục”…, nên sẽ rất bức xúc nếu cảm thấy ý kiến của mình không được tiếp thu hoàn toàn.

Tuy nhiên, giáo dục hay bất kỳ ngành nghề nào đi chăng nữa, cũng đều phải gắn với điều kiện, trình độ phát triển kinh tế của đất nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở mức phát triển trung bình thấp nhưng nhiều người mong muốn, nguyện vọng gián tiếp dẫn đến đòi hỏi đối với ngành giáo dục là phải như các nước phát triển nhất.

Ngoài mong muốn xã hội thông cảm hơn thì ngành giáo dục cũng cần nhìn thẳng hơn vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, để có những sửa đổi".

Ví dụ, ngành giáo dục-đào tạo không tự chủ được về biên chế, trường lớp, nhưng hoàn toàn tự chủ được về chuyên môn như về chương trình, sách giáo khoa...

Hay tới đây, nếu thực hiện mô hình tự chủ trong trường phổ thông thì đương nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là đơn vị đề xuất và phải thuyết phục xã hội, cả hệ thống cùng làm.

Theo Phó Thủ tướng, có nhiều vấn đề mà ngành giáo dục-đào tạo phải nhìn thẳng vào yếu kém của mình mới có thể tìm ra câu trả lời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nêu lên một vấn đề mà theo ông “dù có đau cũng phải nói”, đó là: “Tại sao chúng ta cứ loay hoay câu chuyện thi cử. Không chỉ thi THPT mà thi cử nói chung, kiểm tra, rồi dạy thêm, học thêm; hay hệ lụy nữa là chuyện sách tham khảo... Bởi rất đơn giản vì chúng ta chưa thực sự trung thực ngay trong giáo dục.

Tại sao chúng ta cứ phải khổ sở trong câu chuyện tuyển sinh đại học, dù bây giờ đã nhẹ hơn rất nhiều so với trước?

Tại sao ở các nước phát triển, phần lớn các trường đại học đều cho sinh viên vào học tự do? Bởi họ trung thực, khách quan. Sinh viên có thể vào học thoải mái, nhưng học không được sẽ bị đánh giá, từ đó có thể bị lưu ban hoặc phải chuyển ra ngoài. Còn đất nước mình tại sao không được như vậy, bản chất vấn đề do chúng ta chưa trung thực.

Việc thực hiện làm sao để thực chất việc dạy và học để phát triển toàn diện cả về 'Đức - Trí - Thể - Mỹ' cho học sinh".

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu tiếp tục rà soát thực chất các quy định về dạy thêm, học thêm, kiểm tra - cho điểm, sách tham khảo... để đảm bảo việc không bằng cách này cách khác dẫn tới việc học sinh “phải tự nguyện”, xin để được học thêm, xin để được tổ chức lớp học, xin được đóng góp theo kiểu biến tướng.

“Phải kiên quyết làm. Tôi đề nghị các lãnh đạo các tỉnh kiên quyết rà soát trên địa bàn để thực hiện dứt khoát việc này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

(theo Vietnamnet)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-ngoai-mong-muon-xa-hoi-thong-cam-nganh-giao-duc-can-nhin-thang-hon-vao-nhung-bat-cap-194245.html