Phó Thủ tướng yêu cầu sớm có cơ chế, chính sách đặc thù với các cơ quan báo chí

Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí, vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG.

Dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sáng 29/12 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan trong công tác quản lý báo chí, có giải pháp chấm dứt chuyện "đánh đấm" trên báo chí.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ TT&TT phải ứng xử nhanh, can thiệp để loại bỏ sớm những thông tin xấu độc bởi nếu lan rộng thì tác hại là khôn lường.

Cùng với việc quản lý tốt báo chí, trước sức ép của mạng xã hội, Bộ cần có giải pháp nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của báo chí để anh em có thể sống và trụ lại với nghề; tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025; quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách và nhà xuất bản.

Chia sẻ khó khăn của các cơ quan báo chí, Phó Thủ tướng yêu cầu cần sớm có cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đối với các cơ quan báo chí vì nếu coi những cơ quan báo chí như VTV, VOV là doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng thì khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã triển khai được 4 năm. Đến nay, Việt Nam đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, đang chiếm 16,5% GDP và luôn có tốc độ tăng trưởng cao hơn tăng trưởng GDP khoảng 3 lần; giúp tăng năng suất lao động. Như vậy, kinh tế số là một mũi tên trúng 2 đích, vừa tăng trưởng GDP, vừa tăng năng suất lao động. Định hướng chuyển đổi số trong năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, số hóa các ngành, quản trị số và dữ liệu số.

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19.

Phóng viên tác nghiệp trong đại dịch Covidd-19.

Năm 2024 cũng là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và tăng năng suất lao động.

Năm 2024 cũng là năm lĩnh vực báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, nhiệm vụ này vừa bảo đảm chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh, xử lý thông tin xấu độc trên mạng, quản lý các nền tảng số xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam và phải tuân thủ pháp luật của Việt Nam.

N.Nguyệt

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//chuyen-dong/pho-thu-tuong-yeu-cau-som-co-co-che-chinh-sach-dac-thu-voi-cac-co-quan-bao-chi-c2a66186.html