Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam: Giá trị các thương vụ M&A năm 2018 có thể đạt 6,5 tỷ USD

Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 dự báo, giá trị các thương vụ M&A trong năm 2018 có thể đạt 6,5 tỷ USD, với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam đã chia sẻ về tiềm năng thị trường M&A Việt Nam và những mối quan tâm của nhà đầu tư ngoại.

Theo đánh giá của KPMG Việt Nam, thị trường M&A Việt Nam đang đứng trước cơ hội như thế nào để tạo sự bứt phá?

Như phát biểu của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại Diễn đàn M&A 2018, Việt Nam đang đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, bán bớt vốn nắm giữ tại các doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện là một trong các động lực thúc đẩy thị trường M&A phát triển hơn.

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam

Ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam

Phó thủ tướng cũng đề cập rất nhiều yếu tố liên quan đến “nguồn cung” từ thị trường có tiềm năng tăng trưởng mạnh nhất ASEAN. Nền kinh tế không chỉ dựa vào sức bật của các doanh nghiệp nhà nước, mà còn là sự vươn mình phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh cũng là nguồn hàng tốt cho thị trường M&A.

Cùng với đó, mối quan tâm, nhu cầu tham gia đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào một quốc gia hơn 93 triệu dân rất lớn, cộng với việc Việt Nam tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), mở rộng cơ hội làm ăn của doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài, có thể được coi là yếu tố cầu.

Khi cung gặp cầu thì chúng tôi tin tưởng vững chắc và lạc quan rằng, thị trường M&A Việt Nam trong năm nay cũng như thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

Dòng vốn thực hiện các thương vụ này sẽ đến từ đâu và những lĩnh vực nào sẽ thu hút sự quan tâm, thưa ông?

KPMG Việt Nam dự đoán, trong 3 năm tới, làn sóng đầu tư xuất phát từ các nước khu vực châu Á, đứng đầu là Nhật Bản, sau đó là Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan. Đây không chỉ là các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, mà còn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Mối quan tâm của họ đang hướng vào 3 lĩnh vực chính.

Thứ nhất là F&B (dịch vụ nhà hàng và quầy uống) khi nhóm dân số trẻ chiếm đa số, tầng lớp trung lưu tăng nhanh cũng như xu hướng khám phá, thưởng thức ẩm thực văn hóa các nước.

Thứ hai là dược phẩm.

Thứ ba là bất động sản, đặc biệt với bất động sản du lịch.

Ngoài ra, một số lĩnh vực mà Phó thủ tướng có đề cập như ngân hàng, năng lượng, hạ tầng… cũng hứa hẹn sẽ có nhiều thương vụ sôi động trên thị trường.

Một số ý kiến cho rằng, còn nhiều lực cản với thị trường như phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam, kể cả thuộc khối tư nhân hay nhà nước, có tâm lý không muốn hoặc sợ M&A. Ông nghĩ thế nào về điều này?

Tôi cho rằng, ý kiến trên là hơi phiến diện. Những đối tác chúng tôi đã tiếp xúc và làm việc cùng, họ rất sẵn sàng minh bạch thông tin và chia sẻ, hài hòa quyền lợi với các bên. Họ cũng thể hiện rất rõ thiện chí học hỏi kinh nghiệm từ nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi nhận thấy, tư duy của các chủ doanh nghiệp đang cởi mở hơn rất nhiều so với vài năm trước. Đó là những tín hiệu đáng mừng.

Ông vừa nhắc đến cụm từ minh bạch thông tin. Yếu tố này có vai trò như thế nào trong quá trình trước, trong và sau M&A?

Theo phân tích của chúng tôi, sau quá trình thẩm định đầu tư, dưới 40% thương vụ được thực hiện và chất lượng thông tin là lý do ảnh hưởng đến tỷ lệ này. Quá trình chuẩn bị tâm lý, có sẵn sàng tiến đến M&A hay không cũng là sự cởi mở trong tư duy. Nếu không muốn chia sẻ các báo cáo tài chính, thuế, nợ công,… thì cũng ảnh hưởng đến quá trình định giá hoặc mâu thuẫn lợi ích.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài còn chú tâm đến tiềm năng tăng trưởng của ngành, khả năng quản trị của những lãnh đạo cấp cao và thương hiệu doanh nghiệp.

Hồng Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/pho-tong-giam-doc-kpmg-viet-nam-gia-tri-cac-thuong-vu-ma-nam-2018-co-the-dat-65-ty-usd-d86116.html