Phó Tổng thống, Chủ tịch Thượng Viện Ấn Độ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak

Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu sẽ thăm chính thức Việt Nam và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc từ ngày 9-12/5.

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ khởi nguồn từ những mối giao lưu về văn hóa, lịch sử, tôn giáo, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền tảng, được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước gìn giữ, vun đắp trong giai đoạn thống nhất và phát triển kinh tế - xã hội của hai nước.

Phó Tổng thống Ấn Độ Venkaiah Naidu. (Nguồn: The Week)

47 năm qua (1972 - 2019), quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ đã phát triển hết sức tốt đẹp, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực quan trọng.

Ấn Độ và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 07/01/1972. Hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 1954, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Hà Nội. Năm 1956, Việt Nam lập Tổng lãnh sự quán tại New Delhi. Ngày 07/01/1972, hai nước nâng quan hệ lên cấp Đại sứ.

Ấn Độ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược” (9/2007) và nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (9/2016), phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ song phương.

Hai nước thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao. Phía Ấn Độ thăm ta có: Tổng thống Rajendra Prasad (1959), Thủ tướng R.Gandhi (1985 và 1988), Tổng thống R. Venkatraman (1991), Phó Tổng thống K.R. Narayanan (1993), Thủ tướng P.V. Narasimha Rao (1994), Thủ tướng A.B. Vajpayee (1/2001), Chủ tịch Quốc hội Somnath Chatterjee (3/2007), Tổng thống Pratibha Patil (2008), Chủ tịch Hạ viện Meira Kumar (5/2011), Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukhejee (9/2014), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Việt Nam (9/2016) và nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện”, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Covind (11/2018).

Phía Việt Nam thăm Ấn Độ có: Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1978 và 1980), Tổng Bí thư Lê Duẩn (1984), Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1989), Tổng Bí thư Đỗ Mười (1992), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (1994), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1997), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (1999), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (2003) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (2009), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (2/2010), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (10/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2014). Trong chuyến thăm của TBT Nông Đức Mạnh, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI” (2003). Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (7/2007), hai bên ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Ấn Độ (11-13/10/2011), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (4/2012), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2013), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (10/2014), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (12/2016), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh (7/2017), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ - 01/2018) và Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018).

Cơ chế Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về Kinh tế, Thương mại và khoa học, kỹ thuật, gọi tắt là UBHH (họp luân phiên 2 năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao) đã tiến hành họp được 15 kỳ họp, kỳ họp lần thứ 16 đã được tổ chức tại Hà Nội từ 27-28/8/2018. Hai bên đã tiến hành Tham khảo chính trị lần 10 và Đối thoại chiến lược lần 7 tại New Delhi từ 08-10/4/2018.

Hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt và hiệu quả, trở thành trụ cột quan trọng và chiến lược. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đã thăm Việt Nam (tháng 6/2018); tàu Hải quân Ấn Độ thăm ta (tháng 5, 9/2017 và 01& 5/2018), Chủ tịch Ủy ban Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Hải quân Ấn Độ thăm (tháng 10/2017). Cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng hàng năm đã tổ chức được 11 phiên họp. Hợp tác quốc phòng hai nước đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.

Hai bên đã tổ chức cơ chế Đối thoại An ninh lần thứ nhất cấp Thứ trưởng (7/2018). Hai nước tăng cường chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, chống khủng bố.

Về hợp tác kinh tế-thương mại, Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/ năm trong giai đoạn 2008-2013. Tính đến hết tháng 12/2018, kim ngạch đạt khoảng 10,68 tỷ USD (tăng gần 40% so với cùng kỳ); trước đó kim ngạch đạt 7,63 tỷ USD năm 2017, so với 5,4 tỷ USD (2016), 5,1 tỷ USD (2015) và 5,6 tỷ USD (2014); hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mốc 15 tỷ USD vào năm 2020.

Tính đến hết năm 2018, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 878,1 triệu USD, với 208 dự án đầu tư, đứng thứ 26/130 quốc gia/ vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 08 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký gần 6,16 triệu USD. Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN - Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Ấn Độ.

Về hợp tác trong lĩnh vực phát triển, giáo dục và đào tạo, Ấn Độ tiếp tục cung cấp cho ta các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh…thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất), 30 suất học bổng theo Chương trình CEP/GCSS và một số học bổng đào tạo tiếng Hindi và Văn hóa Ấn Độ (2-4 suất/năm). Ấn Độ đã thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng.

Về hợp tác văn hóa, du lịch, tháng 10/2014, hai bên ký Chương trình giao lưu văn hóa giai đoạn 2015 - 2017, tiến hành nhiều hoạt động giao lưu, hội chợ triển lãm quảng bá văn hóa du lịch. Hợp tác văn hóa – giáo dục có thêm cơ sở phát triển lâu dài với việc thành lập Trung tâm Văn hóa Ấn Độ và Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ tại Hà Nội (2016) và Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam tại New Delhi (3/2018). Ấn Độ cũng đẩy mạnh truyền bá “sức mạnh mềm” thông qua phim ảnh Bollywood, tâm linh, yoga.

Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng, trung bình 17% năm trong giai đoạn 2010 – 2016; năm 2017 tăng đến 30% (85.000 lượt). Trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (3/2018), Hãng hàng không VietjetAir đã công bố mở đường bay thẳng TP.HCM – Delhi và sẽ khai thác trong thời gian tới.

Hợp tác trong lĩnh vực khác như trong lĩnh vực Nông nghiệp: Hai bên đã ký gia hạn Kế hoạch Hành động về Hợp tác Nông nghiệp giai đoạn 2018-2020, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và thỏa thuận về hợp tác xây dựng trang trại cá tra; tiếp tục trao đổi thông tin liên quan tới vệ sinh kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp...

Trong lĩnh vực Năng lượng, hai bên có hợp tác rất hiệu quả. Tập đoàn ONGC và Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu (PVEP) đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong các dự án thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3. Trong lĩnh vực điện, Tập đoàn TATA Ấn Độ đang triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (trị giá 1,8 tỷ USD), dự kiến hoàn thành năm 2022. Ấn Độ cũng đang thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Về Khoa học công nghệ: Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ (3/2018), Thỏa thuận thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” (01/2018). Hiệp định về sử dụng Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có hiệu lực từ tháng 8/2017.

Hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế: Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương (ASEM, ARF, ADMM+…), nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau vào Hội đồng Bảo an LHQ (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021, Ấn Độ nhiệm kỳ 2021-2022), ECOSOC (Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2016, Ấn Độ nhiệm kỳ 2018-2020), Hội đồng Nhân quyền (Ấn Độ nhiệm kỳ 2015-2017); Việt Nam ủng hộ Ấn Độ là Ủy viên thường trực khi HĐBA mở rộng … Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng sông Mekong, Sông Hằng - Sông Mekong (MGC).

Về vấn đề Biển Đông, Ấn Độ có lập trường tích cực và nhất quán trong vấn đề Biển Đông, chia sẻ tầm nhìn về một trật tự tại Biển Đông dựa trên luật lệ, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/pho-tong-thong-chu-tich-thuong-vien-an-do-tham-chinh-thuc-viet-nam-va-du-dai-le-vesak-93634.html