Phố Trịnh ở Hà Nội

Trong vô số các kỳ nữ phố, chỉ duy nhất có một người biết lênh đênh nhớ Trịnh Công Sơn. Người đấy hình như tên là Giang Trang.

Bìa đĩa than của Giang Trang

Bìa đĩa than của Giang Trang

Rất nhiều người không cứ là gốc gác Tràng An, nhưng khi nhỡ xa Hà Nội, thường chênh vênh nhớ. Những nỗi nhớ mông lung đậm nhạt, đa phần không tên. Nếu thảng thốt có hình hài, thì đấy thường là một đoạn phố cũ. Nó không hẳn là chập chờn “sến” theo kiểu kể lể, những là mái ngói thơm nâu hay cây bàng lá đỏ, mà đôi khi chỉ là một gánh hàng rong hay một quán cà phê nho nhỏ trong một ngôi nhà lòng ống. Quán đó không có màn hình ti vi, không wifi và phảng phất như có nhạc. Nhạc thì lúc không lời, lúc có lời. Và chủ quán nếu là một chơi vơi thiếu phụ, trời chưa chuyển thu đã mặc áo len mỏng manh trắng, thì đương nhiên thiếu phụ vừa đoan trang vừa lẳng lơ ấy, rất có thể dịu dàng mở CD “lênh đênh nhớ phố”. Chao ôi nhạc Trịnh.

Thực ra, giai điệu lẫn ca từ của Trịnh Công Sơn không có nhiều “chất” Hà thành. Cái bảng lảng sương khói của phố cổ Hoàn Kiếm chỉ loanh quanh da diết ở Đặng Thế Phong hay Đoàn Chuẩn. Nhạc Trịnh có phố, nhưng cái phố buồn bã đấy nghèn nghẹn nằm đâu đó ở Huế ở Đà Lạt. Hoặc hoang vu mơ màng “…về trên phố cao nguyên ngồi. Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi…”. Hoặc nhưng nhức đau đớn, “đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe”. Phố Hà Nội khác lắm, nhất là khoảng vài mươi năm gần đây, tuyệt không nghe thấy tiếng gà hay tiếng đại bác nữa. Ở những đoạn phố lơ ngơ may mắn vẫn còn lãng mạn kiểu như Nguyến Gia Thiều hay Ngô Văn Sở chẳng hạn, thì nó chợt nhiên tự chầm chậm quay về hoài cổ cái phong khí thủa Hà Nội mới manh nha hình thành. Khi thưa người thì lãng đãng kiêu sa, lúc đông người thì rưng rưng ấm cúng. Chính vì thế mà nghe những người trẻ ngồi ở những phố ấy nao nao hát nhạc Trịnh, chợt nhiên sâu xa thấy rất lạ.

Nhưng nó lạ đến mức vô cùng độc đáo thì hãy thử nghe đĩa than “lênh đênh nhớ phố”. Lạ tới buốt ruột. Hòa âm phối khí bàn làm gì, toàn những tay đàn đã vượt thoát thành thạo bình thường để lừng lững thành danh khác thường. Chất lượng kỹ thật cũng bàn làm gì, bởi nội cái tên Đức “Hàng Bài” cũng đã là ấn chứng bảo đảm.Đã thế bìa đĩa lại tối giản tuyệt đẹp nhờ chính tay gã giai phố cổ Lê Thiết Cương “đì zdai”. Một mái phố trầm mặc nặng trĩu dưới một khoảng mênh mông mây nghẹn ngào gần như trắng. Bảo là bạch vân mời cũng được, bảo là lời thiên thu gọi cũng được.

Tất nhiên, để cái đĩa than thăng hoa trở nên vừa lạ vừa độc, là nhờ một giọng hát. Một kiểu thuần túy “Long thành cầm giả ca”.Nó đã làm được một việc tuyệt khó và tuyệt hiếm, đem phố Trịnh “tự nhiên nhi nhiên” đặt vừa vặn vào lòng Hà Nội. Nó là nỗi niềm “đoạn trường tân thanh” của một “gái phố”. (Nhân đây xin lan man, phố mà đáng để nhớ thì luôn đủ cả Âm lẫn Dương. Vậy mà không hiểu sao, người ta thường chỉ nhắc đến giai phố, ít khi nhắc gái phố). Cái nỗi niềm ấy không bị sầu không bị thảm là nhờ một âm hình mộc mạc chân thành, một phẩm chất chỉ riêng có từ một “yêu nữ”, một danh xưng mà người Ăng Lê xót xa dịch thành “woman in love” (!?). Chắc đấy phải là một thiếu phụ, bởi tuy vẫn ngập tràn thanh mảnh trong veo nước mắt của một thiếu nữ, nhưng đã vấn vương một sự bải hoải đằm đặm đắng giống như giọt lệ của một ca nương từng trải. Một giọng ca không thèm chuyên nghiệp, nó lưỡng lự tài hoa như phố Hà Nội lúc chuyển mùa. Nó khắc khoải rơm rớm bất trắc, giống hệt như khi vỉa hè phố cổ vào sâu trong đêm muộn, bỗng nồng nàn cô đơn một tiếng guốc lẻ. Một thứ “nữ tính Bắc”, mà theo rất nhiều tư liệu nửa tin nửa ngờ kể về Trịnh Công Sơn, thì ông nhạc sĩ đại tài này mê đắm. Hình như Khánh Ly sinh đâu đó ở Cửa Nam, chỗ rạp Kinh Đô ngày nay thành vũ trường. Hình như tuổi thơ Hồng Nhung triền miên dài ở Tràng Thi, chỗ khuôn viên một biệt thự lam nham rêu phong, giờ đây đã thành quán cơm tấm sườn nướng. Còn “yêu nữ” thì hình như…Có phải thế chăng mà những đoạn phố vốn mơ hồ thấp thoáng trong nhạc Trịnh, nhờ sự tri âm của các “kỳ nữ phố”, đã thành những mảnh phố tinh tế rất riêng ám ảnh Hà Nội.

Có điều, trong vô số các kỳ nữ phố, chỉ duy nhất có một người biết lênh đênh nhớ Trịnh Công Sơn. Người đấy hình như tên là Giang Trang.

Trần Anh Tú (violin) - Giang Trang (vocal) - Trần Anh Hoàng (guitar)

Nguyễn Việt Hà

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giai-tri/pho-trinh-o-ha-noi-1383717.tpo