Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan thảo luận về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự

BHG - Chiều 24.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiếp tục thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự (PTDS). Phát biểu thảo luận, đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn ĐBQH khóa XV của tỉnh nêu 3 vấn đề góp ý vào dự thảo Luật này. Báo Hà Giang điện tử đăng toàn văn bài phát biểu thảo luận của Phó trưởng đoàn Lý Thị Lan.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Lý Thị Lan phát biểu thảo luận

Kính thưa Chủ tọa phiên họp

Kính thưa Quốc hội

Tôi bày tỏ sự đồng tình với dự thảo Luật PTDS lần này đã tiếp thu đầy đủ các ý kiến của ĐBQH. Tôi xin phát biểu một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất: Về quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức trong hoạt động PTDS quy định tại Điều 38 dự thảo Luật: đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh tế đó là: “chủ động khắc phục hậu quả, bồi thường, chi trả chi phí nếu để xảy ra thảm họa, sự cố trong quá trình hoạt động, sản xuất”. Ngoài ra, cũng cần bổ sung nội dung nghiêm cấm hành vi che giấu khi chính các tổ chức kinh tế đó gây ra thảm họa, sự cố để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có nguy cơ gây xảy ra thảm họa, sự cố như đã từng xảy ra trước đây.

Thứ hai: Về Quỹ PTDS quy định tại Điều 41, dự thảo luật đưa ra 2 phương án, tôi cho rằng dự thảo Luật quy định Quỹ PTDS cố định theo phương án 1 là phù hợp, bảo đảm linh hoạt, đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, góp phần thể chế hóa Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 30/8/2022 của Bộ Chính trị: "PTDS phải chủ động từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh".

Hoạt động PTDS có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân; Quỹ PTDS thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc, sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn, cấp thiết và rất khẩn trương để góp phần hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của sự cố, thảm họa. Thực tiễn cho thấy nếu có Quỹ PTDS sẽ có ngay nguồn lực để thực hiện các hoạt động cứu trợ khẩn cấp làm giảm thiểu thiệt hại do sự cố thảm họa gây ra.

Nếu thành lập Quỹ PTDS theo phương án 2: "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng". Quy định như vậy, trường hợp khi xảy ra sự cố, thảm họa thì không có ngay nguồn lực mà phải chờ thời gian huy động, như vậy việc ứng phó, khắc phục hậu quả đối với sự cố, thảm họa xảy ra không kịp thời, hiệu quả không cao trong khi các sự cố, thảm họa, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh là khó dự báo.

Thứ ba: Về cơ quan chỉ đạo quốc gia, cơ quan chỉ huy PTDS. Tôi có ý kiến để làm rõ hơn cơ sở hợp nhất các ban chỉ đạo, ban chỉ huy trong hoạt động PTDS.

Để giúp cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân khi có sự cố, thảm họa, dịch bệnh, môi trường do thiên nhiên, con người hoặc chiến tranh. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập nhiều ban, Ủy ban phối hợp liên ngành làm nhiệm vụ này.

Hiện nay trong lĩnh vực PTDS ở Trung ương có 3 tổ chức gồm: (1) Ban chỉ đạo PTDS quốc gia. (2) BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai. (3) Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong khi đó ở cấp Bộ, ngành, địa phương chỉ có 1 tổ chức đó là Ban chỉ huy PTDS. Về chức năng nhiệm vụ thì các tổ chức này đều làm nhiệm vụ phòng, chống khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Tổng thể nhiệm vụ của BCĐ quốc gia về phòng, chống, thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thì vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trong lĩnh vực PTDS. Trong khi đó, Ban chỉ đạo PTDS quốc gia do Thủ tướng Chính Phủ thành lập, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc tổ chức, chỉ đạo, điều hành công tác PTDS trên phạm vi cả nước. Ban chỉ đạo PTDS quốc gia có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ để bảo đảm phòng chống, khắc phục hậu quả của chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.

Thành viên của 3 tổ chức trong lĩnh vực PTDS ở Trung ương đều là lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành trung ương, có đồng chí là thành viên của 2 tổ chức, thậm chí là thành viên của cả 3 tổ chức này. Ở bộ, ngành, địa phương thì 3 tổ chức này là 1, như vậy, 3 tổ chức của Trung ương đều cùng chỉ đạo 1 tổ chức ở Bộ, ngành, địa phương, do đó sẽ gây chồng chéo về công tác chỉ đạo, khó khăn trong tổ chức thực hiện ở bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, việc hợp nhất 3 tổ chức: Ban chỉ đạo PTDS quốc gia, BCĐ Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là hết sức cần thiết, bảo đảm tinh giản bộ máy chỉ đạo, chỉ huy hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tiễn theo tinh thần Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội.

Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội!

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202305/pho-truong-doan-dbqh-tinh-ly-thi-lan-thao-luan-ve-du-thao-luat-phong-thu-dan-su-5d43700/