Phó Viện trưởng đất Tổ 'bật mí' về vụ án đánh bạc ngàn tỷ chấn động dư luận

Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật may mắn vừa được trò chuyện với tân Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ Lê Xuân Lộc, người trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án đánh bạc nghìn tỉ qua mạng internet liên quan đến hàng loạt quan chức cao cấp, gây chấn động dư luận vừa qua, được nghe anh 'bật mí' về cuộc đấu trí với tội phạm và thách thức trước những cạm bẫy…

Cuộc đấu trí với tội phạm

Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kiểm sát khóa 5, anh Lê Xuân Lộc được tiếp nhận vào công tác tại VKSND tỉnh Quảng Trị. Dù tuổi đời còn trẻ và cuộc sống xa gia đình, gặp không ít khó khăn, vất vả nhưng anh xác định, được làm việc đúng chuyên môn đã học là điều may mắn. Vì thế, trong thời gian công tác, anh không ngừng cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm. Chính sự chân thành và cầu thị trong công việc, lối sống giản dị nên anh đã được các đồng nghiệp hết sức giúp đỡ, chỉ bảo...

Hai năm sau, anh được chuyển công tác về VKSND tỉnh Phú Thọ, trải qua nhiều vị trí khác nhau, dù ở bất cứ công việc nào, anh đều cố gắng hoàn thành tốt. Ghi nhận những nỗ lực phấn đấu trong quá trình công tác, năm 2012, anh được bổ nhiệm Trưởng phòng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế, án tham nhũng và chức vụ.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ Lê Xuân Lộc (trái) tại Lễ bổ nhiệm.

Anh Lê Xuân Lộc chia sẻ: “Nói về cái duyên gắn bó với công tác kiểm sát án hình sự, từ lúc học ở trường kiểm sát, tôi không nghĩ rằng mình sẽ người gắn bó với mảng kiểm sát án hình sự, nhất là kiểm sát án hình sự trong lĩnh vực kinh tế -một chuyên ngành đòi hỏi người cán bộ kiểm sát không những phải có bản lĩnh vững vàng mà cần tinh thông pháp luật. Đây là lĩnh vực không chỉ bó hẹp trong các quy định của Luật Hình sự mà còn có cả các văn bản pháp luật khác điều chỉnh”.

Nói về vụ án khiến anh và các đồng nghiệp ở VKSND tỉnh Phú Thọ trăn trở nhiều nhất, đó là vụ án gây chấn động dư luận xã hội, bởi vụ án này là vụ án lớn nhất được phát hiện từ trước đến nay về một đường dây đánh bạc xuyên quốc gia, diễn ra trong một thời gian dài. Trong vụ án này, các bị cáo là những người có trình độ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin thể hiện ở loại hình tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhóm tội phạm này còn được sự tiếp tay của một số cán bộ cấp cao tha hóa, biến chất trong ngành Công an.

Phó Viện trưởng Lê Xuân Lộc cho biết, qua 30 năm công tác trong Ngành, tham gia nhiều vụ án khác nhau. Song, có thể nói, vụ án “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là vụ án lớn nhất, khó nhất và mức độ nghiêm trọng nhất mà anh từng tham gia. Đó thực sự là cuộc đấu trí không khoan nhượng giữa những người từng một thời là đồng chí.

Do vậy, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, Điều tra viên, khi được phân công tham gia giải quyết vụ án này đều hiểu rằng, chỉ cần bất cứ một sơ suất nào trong quá trình thực thi nhiệm vụ đều có thể mang đến sự bất lợi trong việc đánh giá chứng cứ, cũng như việc tiến hành thu thập lời khai của các đối tượng liên quan đến đường dây đánh bạc nghìn tỉ này.

Phó Viện trưởng Lê Xuân Lộc nhớ lại, thời điểm đó, anh đang giữ cương vị là phụ trách Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trật tự xã hội, án kinh tế, án tham nhũng và chức vụ.

Ngay từ khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, anh đã trực tiếp nghiên cứu hồ sơ, cập nhật thông tin, báo cáo đồng chí Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ để chủ động phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra nắm bắt và hiểu sâu hơn về tội phạm thuộc lĩnh vực công nghệ cao, vì đây là loại tội phạm có rất nhiều đặc điểm mới. Kiểm sát viên đã phối hợp nghiên cứu, đánh giá hành vi đó có phải là đánh bạc trái phép không? thời điểm nào bị coi là đánh bạc trái phép? Hành vi này khác với đánh bạc truyền thống ở điểm nào?...

Cuối cùng đi đến điểm mấu chốt để khẳng định game bài đổi thưởng là game đánh bạc trái phép (đổi từ điểm ảo ra tiền mặt hoặc hiện vật). Trên cơ sở đó, chúng tôi đã tham mưu cho lãnh đạo hai ngành quyết định khởi tố bổ sung vụ án về tội Tổ chức đánh bạc và tội Đánh bạc để mở rộng điều tra vụ án.

Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Thọ - Lê Xuân Lộc.

Ngay khi bắt đầu khám xét phòng làm việc của Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CNC, là một trong những đối tượng cầm đầu của vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng đã gặp sự thách đố của đối tượng. Dương cho rằng: Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh lẻ mà dám động đến Công ty bình phong của Bộ Công an. Tuy nhiên, với tinh thần tấn công tội phạm, được sự ủng hộ của lãnh đạo VKSND tối cao, Bộ Công an, chúng tôi quyết tâm tiến hành và chấp nhận sẵn sàng đánh đổi cả sinh mạng chính trị của mình, nếu có biến cố bất lợi xảy ra.

Trong 6 ngày tạm giữ và đấu tranh (từ 31/8 đến 5/9/2017), Nguyễn Văn Dương vẫn tự tin và cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ sẽ không làm được gì và sẽ phải trả tự do cho Dương. Do vậy, Dương không thừa nhận bất cứ hành vi phạm tội nào mà cho rằng, đó là hoạt động thí điểm của C50 thuộc Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công an.

Có những lúc tưởng chừng như vụ án đi vào bế tắc, không những vậy, qua nghiên cứu tài liệu và thông tin từ các trinh sát của cơ quan an ninh cho thấy, đây là một vụ án rất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng do có nhiều đối tượng có nhân thân đặc biệt, có mối quan hệ rộng, kể cả trong khối cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực viễn thông, ngân hàng và cơ quan bảo vệ pháp luật. Nhiều đối tượng trong đường dây hoạt động có tính chất manh động, liều lĩnh, sử dụng “xã hội đen” để phục vụ quá trình vận hành đường dây “tổ chức đánh bạc”, “đánh bạc”.

Song, với bản lĩnh nghề nghiệp và quyết tâm phá án, chúng tôi đã tập trung đánh giá chứng cứ một cách khách quan hành vi của Nguyễn Văn Dương, hoàn toàn đủ yếu tố cấu thành tội Tổ chức đánh bạc trái phép. Vì vậy, ngày 5/9/2017, các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Dương về tội danh trên.

Vượt qua những cạm bẫy

Để bảo đảm thời gian quy định của pháp luật tố tụng, anh đã chủ động phân công các Kiểm sát viên nghiên cứu hồ sơ, thu thập các dữ liệu điện tử, khai thác thông tin trên điện thoại, máy tính, máy chủ… Trên cơ sở đó, đánh giá chứng cứ và đưa ra các quyết định về việc phê chuẩn khởi tố, bắt, khám xét đối với 105 bị can, bảo đảm đúng pháp luật, không oan sai và kịp thời phục vụ công tác điều tra vụ án. Trong khi số lượng Kiểm sát viên chỉ có 4 người nhưng số lượng điều tra trên 180 người nên để đáp ứng yêu cầu phục vụ tốt nhất, nhanh nhất cho chuyên án, các Kiểm sát viên đều phải căng sức làm ngày, làm đêm…

Là Kiểm sát viên chính trong vụ án, anh chủ động đề xuất với Lãnh đạo Viện Kiểm sát tỉnh thống nhất với Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh tổ chức họp Liên ngành Tư pháp Trung ương tại tỉnh Phú Thọ và thường xuyên họp Liên ngành tư pháp tỉnh Phú Thọ, xin chủ trương xử lý, ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ án.

Qua đó, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn tố tụng hình sự chưa có tiền lệ. Đặc biệt, đã thống nhất với Cơ quan An ninh điều tra thực hiện “Số hóa hồ sơ vụ án” nhằm phục vụ tốt nhất cho việc nghiên cứu án bất cứ lúc nào, không phụ thuộc vào việc phải có hồ sơ chính nhưng bảo đảm nguyên tắc bảo mật. Từ hoạt động số hóa tài liệu đã tiết kiệm cho ngân sách hàng trăm triệu đồng...

Kiểm sát viên Lê Xuân Lộc thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa vụ án đánh bạc nghìn tỉ.

Điểm đặc biệt góp phần thành công của chuyên án trong tranh tụng, đó là: Tại phiên tòa, Kiểm sát viên thực hiện trình chiếu các nguồn tài liệu, chứng cứ như: các trang quảng cáo của các đại lý cấp 1 trong tổ chức đánh bạc; trình chiếu các biên bản đối soát dữ liệu điện tử có sự tham gia của bị cáo, luật sư bào chữa; các văn bản chỉ đạo và có nội dung Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa “chống lưng”, “bảo kê” cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc… đã có sức thuyết phục cao.

Phó Viện trưởng Lê Xuân Lộc nhớ lại, tại phiên tòa, khi vừa dứt lời tranh luận của tôi thì bị cáo Phan Văn Vĩnh giơ tay xin phát biểu, thừa nhận hoàn toàn hành vi phạm tội của mình, không có lời bào chữa nào khác, không cần luật sư tiếp tục bào chữa về hành vi phạm tội của mình nữa vì bị cáo xác định “chính bị cáo là người trong cuộc mới hiểu hết và biết rõ...” và có lời xin lỗi HĐXX, đại diện Viện Kiểm sát, xin lỗi Đảng, Nhà nước, Bộ Công an...

Vụ án đã khép lại, với rất nhiều vất vả, khó khăn, mệt mỏi và thậm chí là nguy hiểm. Tuy nhiên, điều khiến nhiều người khâm phục các anh, là sau 17 tháng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm chuyên án, dù phải chịu nhiều sự tác động lôi kéo, mua chuộc, thậm chí đe dọa của các thế lực nhằm làm giảm ý chí tấn công của những người tiến hành tố tụng, nhưng càng đối mặt với nhiều đối tượng có nhân thân đặc biệt, bản thân anh và các đồng nghiệp càng luôn giữ vững bản lĩnh, ý chí tấn công tội phạm, không bị sa ngã trước mọi cám dỗ.

Những cống hiến, hi sinh của các anh đã góp phần xử lý nghiêm minh các đối tượng phạm tội trước pháp luật, đem lại sự bình yên, củng cố niềm tin của nhân dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có sự góp phần rất quan trọng của Viện Kiểm sát các cấp, quyết định sự thành công của chuyên án này.

Thanh Dịu

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/nhan-to-dien-hinh/pho-vien-truong-dat-to-bat-mi-ve-vu-an-danh-bac-ngan-ty-chan-dong-du-luan-72542.html