Phối hợp chặt chẽ hơn trong chuẩn bị nội dung trình kỳ họp

Rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế trong chuẩn bị nội dung cũng như triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan cần phối hợp chặt hơn để rà soát, xác định nội dung, thời hạn trình HĐND tỉnh quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền; đồng thời, sớm ban hành văn bản thực hiện nghị quyết, chú trọng theo dõi, hướng dẫn đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, kịp thời, đầy đủ. Đó là nhấn mạnh của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh vừa được tổ chức.

Công tác chuẩn bị còn bị động

Đánh giá về công tác chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 13 vừa qua, cả cơ quan tham mưu trình đề án, nghị quyết và cơ quan thẩm tra đều thống nhất nhận định là chưa khắc phục được các hạn chế trong rà soát, chuẩn bị nội dung. Theo đó, trước ngày khai mạc kỳ họp 1 ngày, UBND tỉnh vẫn có văn bản đề nghị bổ sung đến 6 nội dung. Điều này vừa chứng tỏ việc thiếu chủ động trong khâu rà soát, xác định nội dung trình kỳ họp, nhất là các vấn đề liên quan đến việc phân bổ kế hoạch vốn chịu sức ép về thời gian khá lớn. Mặt khác, cũng chưa bảo đảm quy định về thời hạn để các cơ quan thẩm tra, đại biểu HĐND nghiên cứu thấu đáo theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các yếu tố này đã ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, hiệu quả kỳ họp. Bên cạnh đó, có nội dung được đề nghị trình HĐND nhưng chưa có ý kiến cấp ủy theo quy định; nội dung về đề nghị kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 sang năm 2023 chịu sức ép về thời gian nên khâu tổng hợp, rà soát chưa bảo đảm yêu cầu phải chuyển sang kỳ họp sau...

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường phát biểu kết luận tại phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh. Ảnh: T. Nhân

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phối hợp chuẩn bị nội dung trình HĐND, khi kỳ họp trở thành hoạt động thường xuyên của HĐND và yêu cầu, nhiệm vụ phát sinh của các cơ quan nhà nước, của địa phương để thực hiện nhiệm vụ cấp thiết quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và tình hình thực tiễn khá nhiều, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường trách nhiệm trong rà soát, tham mưu các nội dung trình kỳ họp. Nhất là các dự thảo nghị quyết cụ thể hóa quy định Trung ương, chủ trương của cấp ủy.

Cho ý kiến về các nội dung UBND tỉnh đăng ký trình Kỳ họp thứ 14 (dự kiến tổ chức vào nửa cuối tháng 4), Thường trực HĐND tỉnh thống nhất các nội dung chuyển từ Kỳ thứ 13 sang (phương án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn các dự án sử dụng vốn ODA giai đoạn 2021 - 2025; kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 ngân sách địa phương sang năm 2023; xử lý Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND ngày 8.12.2021 của HĐND tỉnh; các vấn đề liên quan kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19)… Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục liên quan và gửi hồ sơ bảo đảm thời hạn.

Để chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh nhất

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam về tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết HĐND tỉnh, đến nay vẫn còn 5 nghị quyết chưa có văn bản triển khai. Đáng chú ý, trong số 5 nghị quyết này có Nghị quyết 28/2022/NQ-HĐND quy định về nội dung, mức chi và mức ngân sách tỉnh hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lễ đón nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng và lễ kỷ niệm ngày truyền thống, ngày thành lập, ngày giải phóng, ngày chiến thắng có ý nghĩa lịch sử trên địa bàn tỉnh được ban hành từ ngày 14.10.2022 nhưng đến nay, sau 5 tháng vẫn chưa có quyết định triển khai do quá trình xây dựng danh mục các ngày lễ lớn còn kéo dài.

Một nghị quyết khác cũng được các đại biểu đề cập tại phiên họp về tiến độ triển khai thực hiện, đưa chính sách đến đối tượng thụ hưởng là Nghị quyết 17/2022/NQ-HĐND ngày 22.7.2022 về chương trình sữa học đường. Mặc dù Nghị quyết đã được ban hành từ tháng 7.2022 và nêu rõ về thời gian thực hiện (bắt đầu từ đầu năm học 2022 - 2023). Thế nhưng đến nay, sau 9 tháng kể từ ngày ban hành, sau 7 tháng từ thời điểm đối tượng phải được thụ hưởng thì các cơ quan chuyên môn ở tỉnh vẫn chưa thực hiện xong thủ tục liên quan về đấu thầu, phân bổ dự toán thực hiện chính sách…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chuẩn bị chu đáo nội dung trình HĐND và đôn đốc việc triển khai các nghị quyết kịp thời, chất lượng, hiệu quả. Riêng vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 17 về chương trình sữa học đường, UBND tỉnh sẽ tổ chức làm việc với các Sở Tài chính, Giáo dục và Đào tạo để tháo gỡ. Bên cạnh đó, các vấn đề Kiểm toán nhà nước kiến nghị, UBND tỉnh sẽ tổng hợp trình HĐND tỉnh cho ý kiến giải quyết theo thẩm quyền tại các kỳ họp tiếp theo.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị khi tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, cần dự thảo ngay văn bản triển khai thực hiện; đối với các nội dung HĐND giao UBND tỉnh quy định cụ thể thì đẩy nhanh tiến độ, tránh trường hợp nghị quyết đã ban hành nhưng phải chờ văn bản triển khai. Quá trình tổ chức thực hiện, chú trọng theo dõi, hướng dẫn đưa các chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, kịp thời, đầy đủ.

THÀNH NHÂN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/phoi-hop-chat-che-hon-trong-chuan-bi-noi-dung-trinh-ky-hop-i323640/