Phối hợp hành động thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal

Trong khuôn khổ các hoạt động Hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), chiều 19/5, tại Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Phối hợp hành động thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan kết quả Hội nghị các Bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học (COP15), Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal và định hướng hành động của Việt Nam.

Đồng thời, hội thảo đưa ra các sáng kiến, công cụ kinh tế, kỹ thuật nhằm thúc đẩy thực hiện Khung đa dạng sinh học toàn cầu tại Việt Nam; các biện pháp huy động nguồn lực và sự tham gia của các bên liên quan để thực hiện các biện pháp phục hồi đa dạng sinh học ở nước ta hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, Võ Tuấn Nhân cho biết, Hội nghị COP15 được Liên hợp quốc tổ chức tháng 12/2022 tại thành phố Montreal (Canada) đã thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal, đặt ra các mục tiêu và biện pháp để khẩn trương đảo ngược lại quá trình suy giảm đa dạng sinh học đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong các thập kỷ vừa qua.

Trong đó, các mục tiêu của Khung đa dạng sinh học toàn cầu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi của các hệ sinh thái, dừng lại sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp, duy trì sự đa dạng của các nguồn gen.

Đặc biệt, Khung đa dạng sinh học toàn cầu đã đặt ra mục tiêu bảo tồn “30x30”, tức là 30% diện tích đất và biển của trái đất được bảo tồn thông qua việc thành lập các khu bảo tồn và các biện pháp bảo tồn khác ngoài khu bảo tồn; đồng thời phục hồi hiệu quả ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái bị suy thoái.

Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo.

Đáng chú ý, tại Hội nghị COP15, Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho Chính phủ Việt Nam đã thể hiện rõ cam kết đối với quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai một số nhiệm vụ như hoàn thiện khung chính sách, pháp luật, hướng dẫn kỹ thuật Luật Đa dạng sinh học; tăng cường vai trò năng lực quản lý và thực thi pháp luật; điều tra, quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học.

Bộ cũng triển khai tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn đa dạng sinh học; xây dựng các mô hình thí điểm bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững hệ sinh thái, loài; phối hợp các tổ chức quốc tế trong huy động các nguồn tài chính trong nước và quốc tế phục vụ công tác bảo tồn…

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ những thách thức mà Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh-Montreal đưa ra đối với các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu đưa ra một số khuyến nghị, giải pháp để Việt Nam thực hiện tốt các cam kết tại Hội nghị COP15 và công tác bảo tồn đa dạng sinh học.

Một số giải pháp như khuyến nghị Chính phủ Việt Nam sớm đưa ra các khung pháp lý cho các khoản tín dụng carbon nhằm thu hút đầu tư vào việc hấp thụ carbon trong các hệ thống trên cạn, đại dương, đất ngập nước và nước ngọt.

Ngoài ra, các đại biểu cũng khuyến nghị mở rộng chi trả dịch vụ hệ sinh thái cho các khu bảo tồn; quy định khung pháp lý đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tạo lập khung thể chế, pháp lý mới nhằm thu hút nguồn lực xã hội từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm giảm tải được sự phụ thuộc ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam hiện nay….

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phoi-hop-hanh-dong-thuc-hien-khung-da-dang-sinh-hoc-toan-cau-con-minh-montreal-post753677.html