Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ khi dịch bùng phát

Bệnh tay chân miệng năm nay bùng phát là do sự trở lại của EV71 - virus đã từng gây dịch năm 2011. Nguy hiểm là ở chỗ, virus này đã biến chủng nên rất khó kiểm soát.

Trong những ngày đầu tháng 10-2018, các bệnh viện phía Nam ồ ạt đón nhận trẻ nhập viện vì dịch tay, chân, miệng. Tại miền Bắc, số ca tay, chân, miệng cũng tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Rửa tay sạch sẽ là cách phòng bệnh tay chân miệng hiệu quả cho trẻ

54.000 ca mắc, 6 ca tử vong

Ước tính từ đầu năm đến nay, tính riêng ở Hà Nội, bệnh nhi mắc tay chân miệng là hơn 1.600 ca. Dù chưa tăng đột biến nhưng so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần gấp đôi. Tại TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, các bệnh viện đã ghi nhận hơn 18.000 ca mắc, hơn 3.500 ca nhập viện. Tính chung cả nước đã có gần 54.000 ca tay chân miệng, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại địa bàn phía Nam. Theo các chuyên gia, dịch tay chân miệng bùng phát mạnh, với nhiều ca bệnh nặng là do sự trở lại của chủng virus EV71. Đây là chủng virus đã từng gây ra dịch năm 2011. Năm đó, virus này đã khiến hơn 70.000 người trên cả nước mắc tay chân miệng và hơn 150 ca tử vong. Nguy hiểm ở chỗ, virus này đã biến chủng nên rất khó kiểm soát.

So với các chủng gây tay chân miệng khác, EV71 nguy hiểm hơn. Nó gây ra các biến chứng thần kinh nặng và có thể dẫn đến tử vong vì virus này gây nhiễm và tấn công tế bào. Các số liệu cho thấy, nhiễm virus EV71 gây biến chứng thần kinh cao gấp 5,1 lần so với nhiễm các virus đường ruột khác gây bệnh tay chân miệng.

Giữ vệ sinh ngoài da: “Chìa khóa” phòng, chữa bệnh

Tay chân miệng là bệnh lây qua đường hô hấp. Chỉ cần 1 trẻ trong lớp bị bệnh là có thể lây sang các trẻ khác. Trong khi đó, vaccine phòng bệnh lại không có nên càng phải đặc biệt chăm sóc trẻ trong gia đoạn này.

Để phòng bệnh, bạn phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật tốt, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy. Đồ chơi, nơi sinh hoạt của trẻ cần được lau dọn hàng ngày. Về dinh dưỡng, trẻ cần được ăn chín, uống sôi, không ăn những thức ăn đã để quá lâu (kể cả là trong tủ lạnh). Việc giữ gìn vệ sinh này sẽ giúp tiêu diệt đáng kể virus gây bệnh. Khi dịch bùng phát, bạn cũng nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người.

Và quan trọng hơn cả là cần phát hiện bệnh kịp thời để có thể không bỏ qua giai đoạn vàng trong điều trị cho trẻ. Việc này đòi hỏi bạn cần chú ý đến những biểu hiện bất thường trên cơ thể trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ bị tay chân miệng trên da sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ ở các vị trí quan trọng như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Ngoài ra, trẻ thường kèm theo sốt, quấy khóc, bỏ ăn. Khi diễn biến nặng, các nốt đỏ sẽ mọc nhiều hơn, sốt cao hơn, đặc biệt, trẻ có thể quấy khóc dai dẳng cả đêm. Nhiều người nghĩ rằng trẻ quấy khóc là do các nốt đỏ gây đau, tuy nhiên, nó lại là biểu hiện của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, chúng ta cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe mà diễn tiến của bệnh có thể nhanh hay chậm. Do đó, cách tốt nhất khi trẻ mắc bệnh là cần có chế độ chăm sóc đặc biệt. Theo bác sĩ Nguyễn Thu Hằng, khi trẻ mắc bệnh, chúng ta phải chú ý vệ sinh ngoài da, vệ sinh đường hô hấp cho trẻ bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là ở các hốc mũi. Khi các vết đỏ có dấu hiệu bị vỡ, cần sát trùng ngoài da bằng các dung dịch như: betadine, xanh methylene…

Tăng cường cho trẻ ăn rau xanh, hoa quả

Trẻ bị tay chân miệng cơ thể mệt mỏi, đặc biệt các vết đỏ trong miệng gây đau, khiến trẻ không muốn ăn, do đó, chúng ta nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ. Thức ăn nên là loại mềm, lỏng, ấm để dễ nuốt. Sau khi cho trẻ ăn xong, để các mụn đỏ không bị nhiễm trùng, trẻ cần được súc miệng sạch sẽ.

Một điều vô cùng quan trọng là giai đoạn này, trẻ vẫn cần ăn đa dạng các loại thực phẩm, chứ không hẳn chỉ là cháo thịt. Tôm, cua, cá… rất giàu dinh dưỡng và nếu trẻ thấy ngon miệng, chúng ta cũng không nên hạn chế. Tuy nhiên chúng ta cần kiêng là các thức ăn nhiều gia vị, vì nó có thể gây kích ứng cho trẻ.

Để tăng cường sức đề kháng cho trẻ, bạn có thể bổ sung các loại hoa quả, đặc biệt là nước cam, chanh… Các loại quả này giàu vitamin C, sẽ giúp trẻ tăng cường kháng thể. Hơn nữa, đó cũng là cách giúp trẻ bù lại lượng nước cơ thể bị mất khi sốt.

“Trẻ bị tay chân miệng trên da sẽ xuất hiện những mụn nước nhỏ ở các vị trí quan trọng như: họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối. Ngoài ra, trẻ thường kèm theo sốt, quấy khóc, bỏ ăn. Khi diễn biến nặng, các nốt đỏ sẽ mọc nhiều hơn, sốt cao hơn, đặc biệt, trẻ có thể quấy khóc dai dẳng cả đêm. Nhiều người nghĩ rằng trẻ quấy khóc là do các nốt đỏ gây đau, tuy nhiên, nó lại là biểu hiện của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, chúng ta cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế”.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hằng (Bệnh viện Nhi Trung ương)

Minh Trang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/phong-benh-tay-chan-mieng-cho-tre-khi-dich-bung-phat/786229.antd