Phong cách làm việc thẳng thắn, dân chủ của đồng chí Đỗ Mười

Vĩnh biệt đồng chí Đỗ Mười, toàn Đảng, toàn dân ta mãi mãi ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Tiễn đưa đồng chí về nơi vĩnh hằng, những người có dịp tiếp xúc, làm việc trực tiếp với đồng chí chắc đều nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên về tư tưởng, tính cách, tác phong của đồng chí trong công việc và trong cuộc sống.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN.

Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm trường PTTH dân tộc tỉnh Tuyên Quang, tháng 2/1992. Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN.

Cá nhân tôi chỉ được tiếp xúc trực tiếp với đồng chí vào khoảng những năm 70 thế kỷ trước, khi đồng chí đã là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Tuy nhiên, từ trước đó nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi đã từng nghe nhiều chuyện, đôi khi mang tính giai thoại, về bầu nhiệt huyết và sự bươn chải của đồng chí chăm lo cuộc sống của mọi người trên cương vị Bộ trưởng Nội thương vốn được coi là “người nội trợ của toàn xã hội” vào cuối những năm 50, đầu những năm 60.

Từ cuối thập kỷ 70, nhất là sau khi được cử làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ khóa VII, tôi được tiếp xúc và làm việc trực tiếp với đồng chí nhiều hơn khi đồng chí giữ các trọng trách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Tổng Bí thư và Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong tiềm thức của riêng tôi, đồng chí Đỗ Mười là hiện thân của một nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, một nhà tổ chức tài ba, một con người dám vượt lên chính mình, ham đọc, ham hiểu biết, chịu lắng nghe và hết sức bình dị.

Suốt cuộc đời hiến dâng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ giang sơn, dựng xây đất nước, dù ở đâu, trên cương vị nào đồng chí cũng thể hiện bầu nhiệt huyết cháy bỏng. Ngay trong những công việc cụ thể lúc nào đồng chí cũng như một bình nước sôi. Tôi cảm nhận rõ điều đó khi còn công tác tại Liên Xô trên cương vị Tham tán Công sứ Đại sứ quán nước ta (tức người thứ hai của Đại sứ quán) vào những năm 70 thế kỷ trước. Không phải chỉ một lần chúng tôi nhận được chỉ thị của đồng chí yêu cầu vận động bạn gửi gấp viện trợ, nhất là lương thực sang ta khi đó đang cực kỳ khó khăn, thậm chí thiếu đói. Hiểu rõ nhu cầu của đất nước và tính khí của đồng chí Đỗ Mười, bao giờ chúng tôi cũng lao ngay vào việc thực hiện. Tiếng vậy, nhưng không phải lúc nào cũng thu xếp được ngay với bạn. Có lần hôm trước vừa nhận được chỉ thị, hôm sau đã thấy đồng chí trực tiếp gọi điện hỏi han, thúc giục!

Khi về làm việc trong nước, rất nhiều lần, phần lớn là ngoài giờ làm việc, thậm chí giữa đêm tôi giật mình nghe tiếng chuông điện thoại réo và biết ngay là đồng chí Đỗ Mười gọi để trao đổi, kiểm tra, đôn đốc việc này, việc kia.

Có thể do biệt tài tổ chức và tính khí sục sôi nên đồng chí luôn được giao trọng trách làm “tư lệnh” những lĩnh vực mang tính đột phá và những công trình trọng điểm của đất nước trong thời chiến cũng như thời bình. Trong số những công việc đại sự đó có nhiệm vụ tiến hành cải tạo công - thương nghiệp ở miền bắc sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 và ở miền nam sau ngày thống nhất đất nước là những công việc còn có những đánh giá khác nhau. Thiết nghĩ, khi phán xét các sự kiện và trách nhiệm người này hay người khác thì không thể không tính đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể; trong trường hợp này là sự hình thành mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu - bao cấp mà Đại hội VI của Đảng năm 1986 đã phê phán.

May thay, những sai lầm, khuyết điểm ấy đã được phát hiện và kiên quyết sửa chữa trong suốt những năm Đổi mới, trong đó đồng chí Đỗ Mười là người đứng mũi chịu sào trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ba năm 47 ngày (từ 22-6-1988 tới 8-8-1991) và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng sáu năm 189 ngày (từ 26-6-1991 tới 26-12-1997). Nếu như Tổng Bí thư Trường Chinh là người nổ súng phát lệnh công cuộc đổi mới vào năm 1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên đưa đường lối Đổi mới vào cuộc sống thì Tổng Bí thư Đỗ Mười có công hoàn thiện dần đường lối đó, mở đầu là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991.

Bây giờ nói thì dễ chứ những năm tháng ấy quá trình chuyển đổi diễn ra hết sức cam go với bao trăn trở, một phần do tình huống quá mới mẻ, chưa có tiền lệ; tư duy của cán bộ, đảng viên các cấp, kể cả cấp cao nhất còn bị trói buộc bởi biết bao vòng kim cô; các nước bạn bè xã hội chủ nghĩa, nhất là Liên Xô tan rã, phong trào cộng sản, công nhân quốc tế thoái trào… Cá nhân tôi đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận nảy lửa ngay ở cấp cao, có khi phải điểm danh ý kiến từng người mới ra được quyết định. Một trong những người trăn trở nhiều nhất, tranh luận hăng say nhất là đồng chí Đỗ Mười; trong nhiều cuộc họp đồng chí mang theo cả một chồng sách kinh điển đã được đánh dấu mực đỏ, mực xanh dày đặc để minh chứng cho quan điểm này hay quan điểm kia của mình! Có điều hay là đồng chí là một người luôn đi sát thực tế cuộc sống, rất cầu thị, sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến, kể cả trái chiều. Chẳng thế mà cán bộ thuộc loại “tép riu” như chúng tôi, trong một số trường hợp vẫn dám “cãi lại” đồng chí!

Trong những năm tháng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng rồi Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười có nhiều đóng góp lớn lao về đường lối, chính sách mang tính chiến lược cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị và tiếp tục được thực hiện. Chính trong những năm tháng đó, đất nước chẳng những đã thoát hẳn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng mà còn phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong lịch sử, cỡ 8,2%/năm vào các năm 1991 - 1995 và 7,0%/năm trong 5 năm sau đó.

Tuy không phản đối cơ chế kinh tế thị trường với nhiều thành phần, kể cả kinh tế tư nhân cũng như chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp quốc doanh song đồng chí luôn trăn trở về trách nhiệm của Nhà nước, về tài sản của nhân dân bị thất thoát, rơi vào tay các “nhóm lợi ích” như cách nói ngày nay. Đối chiếu với nhiều hiện tượng đang diễn ra, xem ra những nỗi niềm ấy không phải là không có cơ sở.

Lúc nào đồng chí cũng nhấn mạnh yêu cầu phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường dân tộc. Không phải chỉ một lần tôi được nghe đồng chí trách anh em: “Sao cái gì các cậu cũng đi xin tài trợ, ỷ lại vào bên ngoài, trong khi trong nước hoàn toàn có thể làm được?”. Hồi họp Đại hội VIII, trong bối cảnh hàng loạt nước và vùng lãnh thổ châu Á trở thành những “con rồng”, “con hổ”, đã nảy sinh ý tưởng chọn chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu. Tuy nhiên, theo ý tưởng của đồng chí Đỗ Mười, Đại hội đã chốt lại chủ trương “Kiên trì chiến lược hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”. Ngày nay, trong khi vui mừng thấy kim ngạch xuất khẩu tăng cao chưa từng thấy, trong thâm tâm, tôi vẫn có phần mủi lòng vì hơn 70% con số đó đâu có phải là sản phẩm mang nhiều “gien Việt”, số tiền thu về đâu có rơi vào túi Việt Nam!

Nói như vậy không có nghĩa là đồng chí Đỗ Mười chủ trương “đóng cửa” mà chính sách đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập kinh tế quốc tế đã ra đời chính vào thời kỳ đồng chí đứng đầu Đảng. Cương lĩnh 1991, Văn kiện các Đại hội VII, VIII của Đảng cùng nhiều nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị cũng như những bước đi mang tầm chiến lược đầy tính đột phá về đối ngoại như đẩy lùi chính sách bao vây, cô lập Việt Nam, bình thường hóa và thiết lập quan hệ với nhiều quốc gia, trong đó có tất cả các nước lớn và các tổ chức quốc tế hàng đầu, gia nhập ASEAN, ASEM… là những minh chứng hùng hồn về tư duy của người đứng đầu Đảng.

Được cùng với đồng chí trong nhiều chuyến thăm nước ngoài hay tiếp khách nước ngoài vào thăm nước ta tôi thấy đồng chí không bao giờ quan tâm tới lễ nghi và những lời hoa mỹ mà luôn luôn cởi mở, thân tình với bạn bè, chú trọng trao đổi về những vấn đề thiết thực liên quan tới sự hợp tác với Việt Nam, đồng thời đi sâu tìm hiểu kinh nghiệm làm ăn của bạn.

Tuy đã cao tuổi và ở trên cương vị cao song đồng chí cực kỳ ham đọc; thỉnh thoảng đồng chí lại gọi điện hỏi tôi đã đọc cuốn sách này, cuốn sách kia chưa? Thật tình mà nói, tự nhận khuyết điểm thì ngượng nên tôi đành nại lại rằng, cỡ chúng tôi thì có ai cho sách đâu mà đọc! Thế là đồng chí gửi ngay cho tôi những cuốn sách đó; muốn hay không tôi vẫn phải đọc vì thế nào đồng chí cũng sẽ trao đổi về nội dung!

Cuộc sống đời thường của đồng chí rất giản dị, riêng về cách ăn mặc là điều dân ngoại giao chúng tôi thường quan tâm. Đồng chí có một đặc điểm là rất không ưa mặc com-lê, trong giao dịch đối ngoại, khi có thể đồng chí thường thích mặc áo kín cổ, không phải đeo cra-vát.

Thế là các nhà lãnh đạo thuộc “thế hệ vàng”, những người học trò gần gũi của Bác Hồ dần dần theo chân Bác, để lại trong lòng mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân niềm tiếc thương sâu sắc và những tấm gương sáng để noi theo.

VŨ KHOAN

Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/37831102-phong-cach-lam-viec-thang-than-dan-chu-cua-dong-chi-do-muoi.html