'Phòng chiến tranh' của Facebook có tác dụng gì?

Mới đây, phóng viên của CNET đã được thăm quan phòng làm việc của một bộ phận mới tại Facebook. Bộ phận này có tên là 'Phòng chiến tranh'.

Cánh cửa dẫn vào "Phòng chiến tranh" của Facebook.

Hồi đầu tháng 10, trong ngày đầu tiên của cuộc bầu cử Tổng thống tại Brazil, Facebook đã nhận ra một điều bất thường đang xảy ra trên hệ thống của họ. Đó là tin cuộc bầu cử bị hoãn được lan truyền với tốc độ chóng mặt.

Nhưng thực tế thì không có chuyện cuộc bầu cử bị hoãn. Các chuyên gia về dữ liệu của Facebook buộc phải làm việc nhiều hơn để thông tin này không bị lan truyền xa hơn.

Các chuyên gia này đều làm việc trong “Phòng chiến tranh”của Facebook. Bộ phận này mới được thành lập hồi tháng 9 với nhiệm vụ chính là xử lý tin giả được lan truyền trên mạng xã hội này.

Ngay sau bầu cử ở Brazil sẽ đến cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ. Nhiều người cho rằng mạng xã hội thì phải được tự do phát ngôn. Nhưng thực tế với những gì mà Facebook phải chịu trách nhiệm do người Nga, Iran và cả chính người Mỹ gây ra, mạng xã hội này phải trực tiếp hành động.

Nhân viên tại bộ phận này cần biết mọi thông tin đang diễn ra.

Với 2 tỷ người dùng, Facebook đang phải huy động cả người và các công cụ tự động, trí tuệ nhân tạo kiểm tra các nội dung được đăng tải không chỉ trên Facebook mà còn cả WhatsApp và Instagram.

Chỉ nghe kể như vậy có thể thấy Facebook đang nỗ lực thật sự để giữ cho môi trường của mình lành mạnh hơn.

Nhưng thực tế thì có vẻ những cố gắng này chưa thấm gì.

Tuần trước tòa án bầu cử của Brazil đã yêu cầu Facebook xóa 33 nội dung tin giả liên quan đến ứng cử viên phó tổng thống Manuela D’Avila.

Facebook có thể xóa ngay 33 nội dung này nhưng họ vẫn còn việc để làm, đó là làm sao để không xóa nhầm ý kiến của phe đối lập.

Theo giáo sư ngành chính trị và pháp luật Richard Hasen của đại học Irvine: “Facebook sẽ rất khó để phân biệt giữa tin giả và các bài phát biểu tự do”.

“Phòng chiến tranh” của Facebook trông không khác gì một phòng họp bình thường ở mọi công ty công nghệ. Nhưng bên trong lại có một không khí hoàn toàn khác.

Tất cả đều là màn hình, từ bàn làm việc đến tường. Có màn hình hiển thị tin tức được chia sẻ trên Facebook, màn hình khác hiển thị báo và cả màn hình tivi để mọi nhân viên có thể nắm được tin tức chính thống nhất.

Căn phòng với chức năng kiểm soát thông tin được bố trì màn hình ở khắp mọi nơi.

Có khoảng 20 nhân viên làm việc trong phòng này. Họ là thành viên của những nhóm nhiệm vụ khác nhau bao gồm chuyên gi dữ liệu, lập trình viên, luật sư, chuyên gia bảo mật. Nhiệm vụ chung của 20 người này là ngăn chặn các tin được chia sẻ trên Facebook có thể can thiệp vào cuộc bầu cử.

Ngoài 20 người này, toàn Facebook có khoảng 20.000 nhân viên khác làm việc về an toàn và an ninh thông tin.

Bộ phận này ngoài việc theo dõi Facebook, họ còn quan sát các mạng xã hội khác, kể cả Twitter và Reddit. Mọi thông tin sai có thể lây lan với tốc độ chóng mặt và trở nên mất kiểm soát.

Một thông tin nào đó bất thường bị phát hiện sẽ được đưa lên “bảng tình huống”. Khi đó các nhà khoa học dữ liệu sẽ tiến hành kiểm tra và tiếp tục chuyển sang các chuyên gia phân tích để kiểm tra xe có vi phạm quy tắc nào của Facebook không. Những nguyên tắc này có cả quy định về tin giả và tin rác.

Để “Phòng chiến tranh" này có thể hoạt động hiệu quả, việc bắt buộc là nhân viên của Facebook phải thu thập đủ mọi thông tin. Rất có thể trong số những gì họ thu thập có cả thông tin cá nhân của người dùng.

Và rất nhiều người không thích điều này. Chưa rõ “Phòng chiến tranh” có phải là bộ phận được Facebook duy trì lâu dài không. Các lãnh đạo của mạng xã hội vẫn đang đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận mới.

Nhưng kể cả khi văn phòng của nhóm này bị giải thể, CEO Facebook vẫn cho rằng công việc của họ sẽ không bao giờ kết thúc.

TÙNG LINH

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/noi-dung-so/phong-chien-tranh-cua-facebook-co-tac-dung-gi-3475943.html