Phòng chống bạo lực gia đình: Cần chú trọng hòa giải

Nhiều vụ án đau lòng xảy ra do mâu thuẫn gia đình âm ỉ trong thời gian dài nhưng không được giải quyết kịp thời, dứt điểm. Nếu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời hóa giải những xung đột tích tụ thì đã không để lại hậu quả đáng tiếc.

Qua phân tích số liệu của Công an tỉnh Bắc Giang cho thấy, năm 2022 có gần 500 vụ phạm tội về trật tự xã hội, trong đó số vụ giết người do nguyên nhân xã hội là 26 (tăng 9 vụ so với năm 2021). Riêng trọng án vì mâu thuẫn gia đình xảy ra 5 vụ, giữa vợ - chồng, bố mẹ - con.

Đại diện Tổ hòa giải thôn Trung Đồng và Công an xã Bảo Đài (Lục Nam) nắm bắt tình hình đời sống gia đình, giúp người dân giải quyết mâu thuẫn.

Đại diện Tổ hòa giải thôn Trung Đồng và Công an xã Bảo Đài (Lục Nam) nắm bắt tình hình đời sống gia đình, giúp người dân giải quyết mâu thuẫn.

Tối 27/2, tại thôn Biển Giữa, xã Biển Động (Lục Ngạn), người dân phát hiện bà Hoàng Thị Trường (SN 1965) và chồng là ông Trần Văn Quang (SN 1964) tử vong trong phòng ngủ của gia đình. Anh Thân Văn Kiên, cháu ruột bà Trường - một trong những người đầu tiên có mặt ở hiện trường kể: “Bà Trường là giáo viên về hưu. Thời gian qua bà làm hợp đồng tại một trường mầm non trên địa bàn xã. Bà có hai con trai nhưng đã chia tay người chồng đầu tiên cách đây nhiều năm. Khoảng chục năm trước, bà đi thêm bước nữa với ông Trần Văn Quang ở cùng thôn. Ông Quang có nghề lái máy kéo và vận tải nhỏ, được mọi người đánh giá là chăm chỉ làm ăn; có ba người con và cũng chia tay vợ trước. Ông bà về sống với nhau tại ngôi nhà của bà Trường. Từ cuối năm 2022, khi thấy bà Trường bị bầm tím tay, chân và mặt, anh và nhiều người khác gặng hỏi thì bà nói bị ông Quang đánh”.

Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn giữa bà Trường và ông Quang được người thân, họ hàng phỏng đoán có thể do khúc mắc về kinh tế và mảnh đất họ sinh sống. Xung đột âm thầm lâu ngày mà không được giải quyết đã dẫn đến hậu quả đau lòng. Từ những dấu vết tại hiện trường, những người có mặt nghi ngờ ông Quang đâm bà Trường sau đó tự sát. “Giá mà mọi người không chủ quan, không coi đó là mâu thuẫn nhỏ giữa hai vợ chồng, kịp thời hòa giải thì sự việc đã không xảy ra”- anh Kiên nói.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên. Nhìn chung các tổ hòa giải hoạt động khá hiệu quả, các thành viên có tinh thần trách nhiệm cao, hòa giải thành nhiều vụ việc ngay từ lúc mới phát sinh, giúp làng xóm thuận hòa, đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 2 nghìn tổ hòa giải với hơn 17 nghìn hòa giải viên. Nhìn chung các tổ hòa giải hoạt động khá hiệu quả, các thành viên có tinh thần trách nhiệm cao, hòa giải thành nhiều vụ việc ngay từ lúc mới phát sinh giúp làng xóm thuận hòa, đoàn kết, tình hình an ninh trật tự ổn định.

Kinh nghiệm ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải là nắm bắt kịp thời đời sống nhân dân, bất cứ biểu hiện bất thường nào đều được tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân và có biện pháp giải quyết.

Gia đình chị Đ.T.Đ và anh T.V.X ở thôn Trung Đồng, xã Bảo Đài (Lục Nam) là một ví dụ. Trong quá trình sinh sống, bình thường anh X là người chăm chỉ, làm nghề thợ xây có tay nghề cao. Thế nhưng cứ mỗi lần uống rượu là anh biến thành con người khác. Mâu thuẫn kéo dài nhiều năm, không ít lần anh chửi mắng, đánh đập vợ con khiến chị Đ và con trai vô cùng bức xúc. Cuối năm 2022, sự việc lên đến đỉnh điểm, nếu không có sự can ngăn của tổ hòa giải và hàng xóm thì có thể gây ra hậu quả khôn lường.

Ông Dương Văn Đài, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ hòa giải thôn Trung Đồng cho biết, ngay khi nhận được phản ánh của nhân dân về mâu thuẫn gia đình, tổ hòa giải vào cuộc, nhiều lần đến nhà chị Đ để trò chuyện, nắm bắt tình hình. Kiên trì khuyên giải, phân tích đúng sai để vợ chồng anh chị và con trai nhận ra được cách giải quyết mâu thuẫn.

Đến nay cuộc sống gia đình đang dần bình thường như xưa, nụ cười đã trở lại trên gương mặt chị Đ. Được biết toàn xã có 11 thôn thì tất cả đều có các tổ hòa giải, góp phần quan trọng giải quyết mâu thuẫn từ khi mới phát sinh. Thiếu tá Thân Văn Tuân, Trưởng Công an xã trao đổi: Mỗi tổ có từ 9-10 thành viên gồm bí thư, trưởng thôn, đại diện đoàn thể, những người uy tín ở địa phương. Từ đầu năm đến nay các tổ đã hòa giải thành 4 việc, không để mâu thuẫn nhỏ thành vụ việc lớn, giữ vững tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Từ thực tế nhiều vụ việc bạo lực gia đình thì hòa giải ở cơ sở là giải pháp góp phần phòng ngừa và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những hành vi bạo lực. Thông qua hòa giải ở cơ sở có thể ngăn chặn việc “cả giận mất khôn” của các thành viên gia đình. Tuy nhiên, ở một số nơi, thành viên tổ hòa giải chưa nắm rõ quy định pháp luật, trình tự hòa giải, kinh nghiệm sống, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Đặc biệt là thiếu sâu sát đối với những gia đình có hoàn cảnh phức tạp, mâu thuẫn giữa các thành viên, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột, xô xát. Ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, từ những kết quả đó, thời gian tới đơn vị tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng hòa giải các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình cho đội ngũ hòa giải viên.

Nghiên cứu kinh nghiệm hay, nhân rộng những mô hình có cách làm hiệu quả. Tăng cường tuyên tuyền, phổ biến pháp luật phòng, chống bạo lực gia đình để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngăn ngừa những vụ việc có nguyên nhân mâu thuẫn gia đình.

Bài, ảnh: Phương Hà

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/402205/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-can-chu-trong-hoa-giai.html