Phòng, chống bệnh dại: Tiêm miễn phí vaccine cho người nghèo

Theo Viện Dịch tễ Trung ương, thời gian qua bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ năm 2008 đến hết tháng 10.2018, cả nước đã có hơn 500 trường hợp tử vong do bệnh dại. Điều đó đặt ra yêu cầu phải tăng cường nhiều hơn các giải pháp ngăn chặn bệnh dại, nhất là tiêm phòng vaccine.

Tiêm dự phòng với người nguy cơ cao

Ông Đặng Quang Tấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, trong suốt 20 năm qua, số ca tử vong do bệnh dại chiếm đến 50% số ca tử vong của tất cả các bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam. 90% số ca tử vong vì bệnh dại do người dân không đi tiêm vaccine phòng dại…

Cán bộ y tế tuyên truyền cho người dân tại huyện Ea H’Leo (Đăk Lăk) về các biện pháp phòng chống bệnh dại. Ảnh: I.T

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý, các đơn vị tiêm chủng nên ký với các nhà phân phối khác nhau, không nên chỉ sử dụng một loại vaccine của một nhà máy cung ứng ngay cả khi nguồn cung vaccine đảm bảo để tránh bị phụ thuộc vào một nguồn cung.

Mặc dù bệnh dại diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, nhưng hiện nay công tác phòng, chống bệnh dại trên cả nước vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, tình trạng thiếu vaccine phòng dại cục bộ vẫn diễn ra ở khoảng 200 huyện và giá vaccine phòng dại khá cao. Các địa phương cũng chưa quản lý được đàn chó nuôi, tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó rất thấp.

Nhằm đạt mục tiêu khống chế bệnh dại trên đàn chó nuôi và trên người, Cục Thú y Việt Nam đề xuất bổ sung vaccine dại vào Chương trình 30a để hỗ trợ các huyện nghèo, dự phòng vaccine dại để hỗ trợ địa phương tiêm phòng bao vây ổ dịch; khuyến khích các địa phương du lịch phát triển xây dựng vùng an toàn bệnh dại. Ngoài ra, Cục cần xây dựng kế hoạch giám sát chủ động, bản đồ dịch tễ lưu hành mầm bệnh, ổ dịch, đánh giá hiệu lực vaccine để công khai trên các phương tiện truyền thông và thông tin cho các cơ quan liên quan, nghiên cứu phát triển sản xuất vaccine dại trong nước...

Cục Thú y đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ tiêm vaccine kháng huyết thanh miễn phí cho người nghèo ở khu vực có nguy cơ cao như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn hay tiêm vaccine miễn phí dự phòng trước phơi nhiễm cho người có nguy cơ cao như các cán bộ làm công việc lấy bệnh phẩm, xét nghiệm, tiêm vaccine dại cho chó... Đồng thời bổ sung bệnh dại vào bảo hiểm y tế, tổ chức bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với chủ nuôi chó đã chấp hành tiêm phòng cho chó trong trường hợp chó cắn người hoặc người bị chó cắn tử vong...

Nhiều phương án đảm bảo nguồn vaccine

Theo TS Kidong Park - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, phòng bệnh bằng vaccine dại cho người và động vật là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa tử vong do bệnh dại ở người; nhận thức và tham gia của cộng đồng là chìa khóa then chốt. Mặt khác, phòng, chống và loại trừ bệnh dại cần theo hướng Một Sức Khỏe, cụ thể là sự hợp tác hiệu quả giữa các ngành y tế và ngành thú y. FAO và WHO sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam loại trừ bệnh dại ở tất cả các tuyến.

Theo báo cáo của các cơ sở nhập khẩu vaccine phòng bệnh dại, trong các tháng cuối năm, các cơ sở cung ứng vaccine ước tính cần khoảng 1,2 triệu liều vaccine phòng bệnh dại. Cụ thể, vaccine Abhayrab, số lượng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 624.800 liều, kế hoạch cung ứng 6 tháng cuối năm 690.000 liều. Vaccine Indirab, số lượng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 25.000 liều, kế hoạch cung ứng 6 tháng cuối năm 200.000 liều. Vaccine speeda, số lượng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 17.400 liều, kế hoạch cung ứng 6 tháng cuối năm 10.000 liều. Vaccine Verorab, số lượng đã nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 197,825 liều, kế hoạch cung ứng 6 tháng cuối năm 300.000 liều.

Để công tác cung ứng vaccine được đảm bảo, Bộ Y tế đã yêu cầu hợp đồng giữa các cơ sở cung ứng với các đơn vị tiêm chủng cần thể hiện dưới dạng hợp đồng chi tiết, có số lượng, giá từng loại vaccine và thời gian giao hàng.

Hương Thu - Anh Thư

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/phong-chong-benh-dai-tiem-mien-phi-vaccine-cho-nguoi-ngheo-934807.html