Phòng, chống bệnh sốt rét: Giám sát chặt người đi rừng, ngủ rẫy

Hiện nay, số ca mắc bệnh sốt rét tại huyện Khánh Vĩnh chiếm gần 95% số ca mắc toàn tỉnh. Để kiểm soát được số ca mắc, ngành Y tế và huyện Khánh Vĩnh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp, trong đó có việc giám sát chặt các trường hợp đi rừng, ngủ rẫy.

Số ca mắc chủ yếu ở người đi rừng, ngủ rẫy

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh ghi nhận 153 ca mắc sốt rét, trong đó huyện Khánh Vĩnh chiếm tới 143 ca. Từ đầu năm trên địa bàn huyện đã ghi nhận có ca mắc sốt rét; thời điểm bùng phát số ca mắc cao từ đầu tháng 6 đến nay. Cụ thể, trong tháng 6, huyện ghi nhận 9 ca; đến tháng 7 tăng lên 50 ca; tháng 8 phát hiện thêm 40 ca; tháng 9 có 35 ca và nửa đầu tháng 10 ghi nhận 9 ca. Trong số các ca mắc, người đi rừng, ngủ rẫy chiếm gần 65%; trẻ em chiếm hơn 31%, trong đó nhiều trẻ theo cha mẹ đi rừng, ngủ rẫy. Toàn huyện có 11/14 xã, thị trấn ghi nhận ca mắc sốt rét; trong đó 2 xã Khánh Thượng và Sơn Thái có số ca mắc cao nhất, chiếm gần 2/3 số ca mắc toàn huyện.

Cán bộ Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn soi tìm ký sinh trùng trong mẫu máu lấy từ người dân.

Theo bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh, huyện đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, tuy nhiên công tác phòng, chống bệnh sốt rét ở huyện gặp một số khó khăn. Trong đó, ý thức chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh của một số người dân còn thấp. Người dân còn chủ quan, không tuân thủ ngủ màn, sử dụng màn, võng có tẩm hóa chất. Tỷ lệ người dân đi rừng, ngủ rẫy ở lại nhiều ngày khá cao, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhà cách nhà xa; do đó cán bộ y tế khó tiếp cận. Bên cạnh đó, sự hợp tác của những người khai thác lâm sản, khoáng sản trên địa bàn huyện trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét cũng rất hạn chế, nhất là khi được đề nghị lấy máu xét nghiệm tầm soát ký sinh trùng sốt rét.

Khống chế, không để gia tăng số ca mắc

Theo bà Ca Tông Thị Mến, từ khi dịch bệnh bùng phát, UBND huyện đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn về chuyên môn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn. Song song đó, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực phối hợp với ngành Y tế huyện triển khai các hoạt động can thiệp phòng, chống bệnh sốt rét, trọng tâm là đẩy mạnh việc giám sát những người đi rừng, ngủ rẫy; lấy máu xét nghiệm cho tất cả đối tượng này và những người có nguy cơ cao; vận động, tuyên truyền người dân hạn chế đi rừng, ngủ rẫy, ở lại qua đêm khi không cần thiết, nhất là việc đưa cả trẻ em vào ở cùng…

Nhân viên y tế thôn bản xã Khánh Thượng tuyên truyền về bệnh sốt rét cho người dân.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện, ngành Y tế huyện đã phối hợp chặt chẽ và bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt rét như: Triển khai các hoạt động giám sát véc tơ, giám sát ca bệnh; điều tra dịch tễ, điều tra ổ bệnh tại các xã có ca mắc sốt rét; cấp võng, màn cho người dân đi rừng, ngủ rẫy; thực hiện lấy máu xét nghiệm cho tất cả trường hợp có sốt, người đi từ rừng, rẫy về; phát và tẩm hóa chất màn, võng cho người dân… Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã cấp hơn 7.000 chiếc võng, màn tẩm hóa chất cho người dân đi rừng, ngủ rẫy; phun hóa chất tồn lưu cho hơn 1.200 hộ dân, nhà rẫy; lấy máu xét nghiệm cho hơn 7.000 lượt người…

Xã Khánh Thượng có số ca mắc chiếm gần 1/2 số ca mắc toàn huyện. Để hạn chế số ca mắc gia tăng, cùng với các biện pháp đã triển khai trước đó, cán bộ y tế cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các hướng dẫn của ngành Y tế trong phòng, chống bệnh sốt rét. Bà Pi Năng Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: “Qua giám sát, hiện nay, tại địa phương có 39 hộ chuyên đi rừng, ngủ rẫy. Chúng tôi đã phối hợp với ngành Y tế huyện đến từng hộ để lấy mẫu máu xét nghiệm; tuyên truyền, hướng dẫn tuân thủ việc ngủ mùng tẩm hóa chất; sau thời gian ở rẫy về phải đến Trạm Y tế xã để xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét; khi bị sốt, không tự ý mua thuốc tự điều trị mà đến Trạm Y tế xã hoặc Trung tâm Y tế huyện để khám và điều trị. Đầu tháng 10, trong số 65 ca mắc của xã, chỉ còn 1 ca đang điều trị; những ca khác đã điều trị khỏi, xét nghiệm lại không còn ký sinh trùng”.

Với những giải pháp quyết liệt đang triển khai, cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên ngành của Trung ương, ngành Y tế tỉnh đang nỗ lực phối hợp với huyện Khánh Vĩnh khống chế, không để gia tăng số ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện nói riêng, cả tỉnh nói chung.

Tại buổi làm việc với huyện Khánh Vĩnh về công tác phòng, chống bệnh sốt rét mới đây, ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo, UBND huyện Khánh Vĩnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông. Các địa phương phải quản lý tốt đối tượng đi rừng, ngủ rẫy, đối tượng nguy cơ cao. Riêng ngành Y tế tỉnh phải chuẩn bị đầy đủ hóa chất để phun diệt muỗi ở những khu vực nguy cơ; đẩy mạnh xét nghiệm để xác định bệnh. Các cơ sở y tế thực hiện tốt công tác điều trị, phải điều trị dứt điểm, không để xảy ra trường hợp tử vong. Đồng chí mong muốn Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn, Viện Pasteur Nha Trang có nghiên cứu khoa học về các đặc tính của loại muỗi gây bệnh sốt rét để tỉnh có giải pháp phòng bệnh hiệu quả…

C.ĐAN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202310/phong-chong-benh-sot-ret-giam-sat-chat-nguoi-di-rung-ngu-ray-5332788/