Phòng chống dịch bệnh động vật sau nước rút

Trước diễn biến bất thường, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng của thời tiết tại các tỉnh miền Trung, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm là rất cao

 Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại sau mưa lũ.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại sau mưa lũ.

Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa về việc tổng vệ sinh, sát trùng, phòng, chống dịch bệnh động vật sau mưa, lũ.

Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các Sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung các nguồn lực để chủ động phòng, chống dịch bệnh động vật, chuẩn bị khôi phục sản xuất.

Trong đó, chú trọng hướng dẫn người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chủ động kiểm tra, gia cố chuồng nuôi, cơ sở nuôi thủy sản bảo đảm chắc chắn để phòng, chống bão, lụt. Có giải pháp ứng phó trong các trường hợp xảy ra úng ngập, cần di dời đàn vật nuôi đến vị trí không bị úng ngập, giải pháp giữ ấm cho đàn vật nuôi trong điều kiện thời tiết mưa, lạnh kéo dài.

Hướng dẫn người chăn nuôi chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống phù hợp với từng đối tượng nuôi, đồng thời bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết cho đàn vật nuôi. Tổ chức thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định.

Một trại lợn ở Thừa Thiên Huế bị ngập lũ. Ảnh: Ngọc Văn.

Khi nước rút phải thực hiện vệ sinh, khử trùng bằng vôi bột, hóa chất và tiêu độc khu vực chăn nuôi trước khi đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn các cấp tổ chức tổng vệ sinh, thu gom xác động vật chết để xử lý, sát trùng, tiêu độc vùng chăn nuôi bị lũ, ngập để tổng tẩy uế môi trường, tiêu diệt các loại mầm bệnh.

Có phương án hỗ trợ con giống, hóa chất để xử lý môi trường, tiêu hủy thủy sản và vật nuôi chết do lũ, lụt và dịch bệnh. Báo cáo những khó khăn vướng mắc trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, lụt và trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Có văn bản báo cáo, đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, hỗ trợ khắc phục hậu quả theo quy định, trong đó có hỗ trợ hóa chất sát trùng, phòng, chống dịch bệnh.

Chủ động triển khai công tác giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý trường hợp gia súc, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh...

Tuyên truyền, hướng dẫn chủ vật nuôi báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn thú y để điều tra, xử lý ổ dịch theo đúng quy định, không giết mổ, mua bán động vật ốm, chết, không vứt xác động vật chết do mắc bệnh ra ngoài môi trường.

Bộ NN-PTNT yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Tổ chức giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới theo nội dung Công văn số 3991/BNN-TY ngày 13/6/2020 của Bộ NN-PTNT.

Tổ chức tổng kết, đánh giá, phổ biến và nhân rộng các mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh phù hợp với điều kiện và quy mô chăn nuôi. Có kế hoạch và chủ động lấy mẫu giám sát lưu hành mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi để phát hiện sớm, cảnh báo và kịp thời tổ chức triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

PV

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/phong-chong-dich-benh-dong-vat-sau-nuoc-rut-d276547.html