Phòng, chống dịch bệnh Marburg: Giám sát và điều tra dịch tễ người nhập cảnh

Dịch bệnh Marburg được phân loại thuộc nhóm A trong luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Trong bối cảnh dịch bùng phát tại số quốc gia châu Phi, các biện pháp phòng, chống dịch xâm nhập đã được Việt Nam tích cực triển khai.

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh để phòng dịch bệnh Marburg. Ảnh minh họa.

Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh để phòng dịch bệnh Marburg. Ảnh minh họa.

Chủ động phòng, chống dịch

Tại Việt Nam cho đến thời điểm này, mặc dù chưa ghi nhận ca nhiễm Marburg, nhưng theo đánh giá từ các chuyên gia, những biện pháp chủ động ứng phó trong trường hợp xuất hiện ca nhiễm do Bộ Y tế và các địa phương là cần thiết, hợp lý và kịp thời.

Trong văn bản mới nhất đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế cho hay đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (có thể lên tới 88%). Hiện bệnh được phân loại thuộc nhóm A trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Điều đáng nói là hiện chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị đặc hiệu đối với bệnh do virus Marburg.

Ngay sau chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều địa phương đã có những cảnh báo để người dân chủ động phòng, chống dịch bệnh này. Tại Bình Phước, Sở Y tế yêu cầu CDC tỉnh làm đầu mối phối hợp với các đơn vị tăng cường giám sát chặt người nhập cảnh; giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ; trong đó, lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày. Đồng thời, phối hợp với Viện Pasteur TPHCM lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

UBND TP Hà Nội cũng vừa ban hành Công văn về tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh Marburg. Trong đó, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để điều tra dịch tễ (lưu ý những người nhập cảnh từ các quốc gia có dịch khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày); phối hợp với các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur lấy mẫu để xét nghiệm chẩn đoán; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý, không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, không để lây nhiễm cho nhân viên y tế cũng như lây lan trong cộng đồng. Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, đặc biệt lưu ý về công tác phòng, chống nhiễm khuẩn. Chủ động xây dựng kế hoạch đáp ứng theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương.

Không nên quá hoang mang

PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế nhận định: Bệnh do virus Marburg lây truyền là bệnh lưu hành ở một số nước châu Phi. Căn bệnh này đã xuất hiện hàng chục năm nay ở châu Phi, không lưu hành ở châu Á hay châu Âu, cũng là căn bệnh chưa từng lưu hành tại nước ta. Do vậy, nguy cơ bùng phát virus Marburg tại Việt Nam không cao.

Tuy nhiên, ông Phu cho rằng, công tác kiểm dịch biên giới, đặc biệt các trường hợp từ châu Phi đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, phòng ngừa dịch bệnh xâm nhập. Bên cạnh đó, cũng cần tránh đánh giá nguy cơ sai hoặc đánh giá nguy cơ cao quá, thái quá ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Ở một góc nhìn khác, BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ học cho rằng: Mặc dù có tỷ lệ tử vong cao, nhưng là căn bệnh lây giữa người với người qua dịch tiết của người bệnh, cũng tương tự như đậu mùa khỉ, không phải là những căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Bởi vậy, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng bởi khó có nguy cơ căn bệnh này có thể bùng phát tại nước ta.

Bệnh Marburg có thời gian ủ bệnh dao động từ 2 đến 21 ngày, bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Khoảng ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện. Các triệu chứng ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể bao gồm vàng da, viêm tụy, sụt cân nghiêm trọng, mê sảng, sốc, suy gan, xuất huyết ồ ạt và rối loạn chức năng đa cơ quan. Chẩn đoán lâm sàng gặp khó khăn do bệnh này có triệu chứng tương tự như các bệnh truyền nhiễm khác (sốt rét, thương hàn, sốt xuất huyết do Ebola).

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/phong-chong-dich-benh-marburg-giam-sat-va-dieu-tra-dich-te-nguoi-nhap-canh-5713320.html