Phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân

Mặc dù năm 2019 Quảng Ninh không xảy ra dịch bệnh lớn, song ngành Y tế tỉnh vẫn khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh mùa đông xuân. Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Phun thuốc diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại TP Cẩm Phả.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2019 trên địa bàn tỉnh không xảy ra dịch bệnh lớn, tuy nhiên diễn biến các bệnh gây dịch trên địa bàn khá phức tạp. Trong năm, toàn tỉnh ghi nhận 321 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,9 lần so với năm 2018; trên 1.340 ca sởi và sốt phát ban dạng sởi; trên 360 ca mắc bệnh tay chân miệng; 1.000 ca mắc thủy đậu, 6.500 ca mắc cúm mùa...

Bác sĩ Ninh Văn Chủ, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Thời tiết mùa đông xuân ẩm ướt làm phát sinh, phát triển các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa, như bệnh tay chân miệng, sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, các bệnh cúm, tiêu chảy... Việc gia tăng giao lưu, đi lại trong dịp Tết, lễ hội là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát. Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm gia cầm tăng cao cũng dẫn đến nguy cơ xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm mới, nguy hiểm.

Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh hiện có đông trẻ em điều trị bệnh cúm.

Căn cứ tình hình dịch tễ các bệnh truyền nhiễm gây dịch trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm chủ động, kịp thời ngăn chặn các dịch bệnh, hạn chế tối đa những tác hại có thể xảy ra cho sức khỏe, tính mạng của người dân. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh. Theo đó, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các khoa, phòng chức năng; kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh và các đội chống dịch cơ động tại đơn vị. Trung tâm ban hành các công văn chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tuyến dưới tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh, các hoạt động giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng và kéo dài tại cộng đồng.

Ngành Y tế tỉnh chỉ đạo, đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; thường xuyên nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế có nguy cơ ảnh hưởng đến địa bàn. Các cơ sở điều trị tập trung các nguồn lực, nhân lực để điều trị, cấp cứu người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong; các địa phương, cơ sở y tế tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, tập huấn công tác điều trị người bệnh và kịp thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu...

Tiêm phòng vắc xin cho trẻ em tại Trung tâm Tiêm chủng VNVC Hạ Long.

Bác sĩ Trần Thị Diệp, Phó Khoa Kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khuyến cáo: Biện pháp quan trọng nhất để chủ động phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch, góp phần không để nguy cơ dịch bệnh bùng phát lan rộng ra cộng đồng. Bộ Y tế đã ban hành lịch tiêm chủng mở rộng, bao gồm các loại vắc xin phòng bại liệt, bệnh do Hib, viêm não Nhật Bản B, sởi, rubella... và các loại vắc-xin khác cũng được triển khai tại các điểm tiêm chủng dịch vụ theo lịch khuyến cáo của nhà sản xuất. Các bậc phụ huynh cần cho trẻ nhỏ đi tiêm đúng lịch, đủ mũi tiêm để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Người lớn cũng cần phải tiêm vắc xin phòng bệnh. Khi người lớn được tiêm chủng có thể kiềm chế sự lây lan của bệnh sang trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, những trường hợp còn quá nhỏ để có thể tiêm vắc xin hoặc chưa được bảo vệ đầy đủ.

Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân mà ngành y tế đưa ra, như: Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp...; hạn chế đến những chỗ đông người. Đồng thời, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng... Cần đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202001/phong-chong-dich-benh-mua-dong-xuan-2467228/