Phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm dịp Tết

* Bắc Kạn phát hiện ổ dịch cúm gia cầm Ngày 18-12, tại Phú Thọ, Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức hội nghị báo cáo viên tuyên truyền phòng, chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP).

Lực lượng chức năng huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn thu gom, tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch.Ảnh: THU TRANG

Lực lượng chức năng huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn thu gom, tiêu hủy gia cầm trong vùng dịch.Ảnh: THU TRANG

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe và cùng trao đổi các nội dung liên quan đến những quy định của Nhà nước về công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh; tìm hiểu phương pháp, cách thức phòng, chống dịch bệnh từ các mô hình liên kết chăn nuôi theo chuỗi gắn với an toàn sinh học; chia sẻ bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống DTLCP trên địa bàn...

Ngày 18-12, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Ðức Tiến dẫn đầu đoàn công tác của Bộ NN và PTNT kiểm tra công tác phòng, chống DTLCP, tình hình tái đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tại tỉnh Phú Thọ. Sau hơn sáu tháng quyết liệt phòng, chống dịch, toàn tỉnh chỉ có hai trang trại trong số hơn 200 trang trại lợn bị nhiễm dịch; số lợn tiêu hủy chỉ chiếm 2,6% tổng đàn. Hiện nay, số lợn của tỉnh vẫn còn khá cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 18-12, tại Hà Nội, Sở NN và PTNT Hà Nội tổ chức Hội nghị tái cơ cấu ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố. Theo báo cáo, hiện tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản của Hà Nội chiếm hơn 54% giá trị sản xuất nông nghiệp. Toàn thành phố có 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực, với hơn 3.800 trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư; 75 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung với diện tích gần 5.400 ha. Xây dựng được 52 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, hằng ngày cung cấp cho thị trường khoảng 60 tấn thịt các loại; 300 nghìn quả trứng và 78 tấn sữa.

Cuối năm 2019, tổng đàn lợn của tỉnh Quảng Bình là 297 nghìn con, giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, giá lợn hơi trên thị trường đang tăng mạnh, nhu cầu tái đàn lợn của người chăn nuôi rất cao. Sở NN và PTNT Quảng Bình khuyến cáo các địa phương tập trung tái đàn ở những vùng không có DTLCP; tại vùng có dịch chỉ tái đàn khi đã qua 30 ngày mà không phát dịch trở lại, bảo đảm đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học; tái đàn ở trang trại, gia trại an toàn dịch bệnh kết hợp sử dụng chế phẩm vi sinh trong chăn nuôi.

Ngày 18-12, Chi cục Thú y tỉnh Bắc Kạn thông tin, trên địa bàn vừa phát hiện một ổ dịch cúm A/H5N6 trên gia cầm. Trước đó, ngày 15-12, gia đình ông Bùi Văn Nhuận, phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông phát hiện đàn gà của gia đình bị ốm, chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương xác định, các mẫu bệnh phẩm của đàn gà bị chết dương tính với vi-rút cúm A/H5N6. Ngay sau khi có kết luận, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Bạch Thông đã phối hợp chính quyền thị trấn cùng gia đình ông Nhuận tổ chức tiêu hủy số gia cầm, trứng còn lại; hướng dẫn gia đình tạm dừng thời gian tái đàn, đồng thời tiến hành khử trùng, tiêu độc tại đường, ngõ xóm cũng như các hộ chăn nuôi chung quanh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Trà Vinh, đến nay nước mặn đã xâm nhập vào tất cả các tuyến sông, rạch và kênh đầu mối, với độ mặn từ 4 đến 5‰ thuộc khu vực sông Tiền và từ 2 đến 4‰ khu vực sông Hậu. Nhiều khu vực ở tuyến sông Cổ Chiên và sông Hậu, nước mặn lấn sâu từ cửa sông rạch vào bên trong với chiều dài từ 50 đến 55 km, đe dọa gây thiệt hại cho lúa thu đông đang trổ bông và vườn cây ăn trái thu hoạch bán vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo Ðài Khí tượng - Thủy văn tỉnh Kiên Giang, mùa mưa năm nay kết thúc tương đương cùng kỳ nhiều năm nhưng lượng mưa phổ biến ở mức thấp hơn từ 10% đến 30%. Khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm. Ðộ mặn 4‰ trên sông Cái Lớn xâm nhập sâu khoảng 40 km trong tháng 1 năm 2020 và tăng cao vào tháng kế tiếp. Ðộ mặn cao nhất sẽ xuất hiện trong tháng 4 đến đầu tháng 5 năm 2020. Những vùng sản xuất nông nghiệp dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn, mặn này là vùng ven biển từ TP Rạch Giá đến TP Hà Tiên, ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện vùng U Minh Thượng.

Chiều 16-12, tàu cá mang biển số NA 90942 TS cùng 14 thuyền viên đang khai thác hải sản trên biển, địa bàn giáp ranh giữa hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An thì bị hỏng máy, tàu thả trôi có nguy cơ bị chìm. Ngay sau đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp các cơ quan chức năng huy động tàu CN09 cứu nạn. Ðến 16 giờ ngày 18-12, tàu cứu hộ tiếp cận phương tiện bị nạn và lai kéo tàu về cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42630902-phong-chong-dich-benh-tren-vat-nuoi-chuan-bi-nguon-cung-thuc-pham-dip-tet.html