Phòng, chống dịch bệnh trong trường học: An toàn từ những bữa ăn

Với học sinh vùng khó, bữa ăn bán trú không chỉ giúp cải thiện thể chất mà còn là yếu tố giữ chân trò ở lại trường.

Bữa cơm bán trú của học sinh Trường THCS bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông.

Bữa cơm bán trú của học sinh Trường THCS bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông.

Do đó, nguồn gốc thực phẩm và quy trình nấu, phân phát thức ăn đến cho học sinh luôn được ban giám hiệu kiểm tra, giám sát. Với học sinh mang cơm đến trường, giáo viên thường xuyên nhắc nhở các em ăn chín, uống sôi và rửa tay trước khi ăn.

Kiểm tra thực phẩm trước khi đưa vào trường

Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THCS bán trú Dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) đặc biệt chú trọng đến công tác chăm lo sức khỏe học đường, dinh dưỡng trong bữa ăn bán trú cho học sinh.

Theo thầy Trần Mạnh Thùy, Hiệu trưởng nhà trường, năm học 2022 - 2023, trường có 543 em, trong đó 496 học sinh thuộc diện bán trú. Tuy nhiên, chỉ có 152 em ở lại từ thứ 2 đến thứ 7, còn 344 em ăn trưa tại trường đến chiều thì về với gia đình.

Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như dưỡng chất cho trò, trước khi bước vào năm học mới, nhà trường đã thông báo rộng rãi việc chào giá cung cấp thức ăn. Nhà trường yêu cầu đơn vị cung ứng phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, giá cả cạnh tranh, phù hợp và ổn định hàng tháng…

“Sau khi chọn được đơn vị cung ứng phù hợp, nhà trường cử một nhân viên y tế giám sát thực phẩm đầu vào. Nếu thực phẩm không đúng theo cam kết, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đơn vị cương quyết từ chối. Ngay cả việc lên thực đơn đến quy trình sơ chế, chế biến thức ăn… đều được ban giám hiệu, đại diện phụ huynh học sinh kiểm tra với tinh thần trách nhiệm cao nhất nhằm bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng, an toàn”, thầy Thùy nói.

Nhiều em được cha mẹ chuẩn bị cặp lồng inox mang cơm đến trường để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay chế độ bán trú của học sinh là 596.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, có những em ở lại 26 ngày/tháng nên nhà trường luôn cân đối để bảo đảm cho các em no bụng và đầy đủ dưỡng chất. Bên cạnh chế độ bán trú, nhà trường cũng kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ thêm thức ăn để bữa cơm của học sinh đủ đầy hơn.

“Học sinh đến từ nhiều xã trên địa bàn huyện. Do đó, những em nhà xa thường ở lại trường cả tháng mới về. Hoàn cảnh của học sinh đa số khó khăn, cha mẹ quanh năm làm nương rẫy nên chẳng dư giả. Chính vì vậy, nhà trường chỉ kêu gọi phụ huynh hỗ trợ thêm rau, củ. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị lớp cũng trồng và chăm sóc rau xanh tại trường để cải thiện bữa ăn. Từ đó, nhà trường sẽ cân đối, mua thêm thịt, cá, trứng… để bảo đảm dưỡng chất cho học sinh”, thầy Thùy tâm sự.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) có 671 học sinh với 25 lớp, trong đó có 392 em được hưởng chế độ bán trú. Nhằm bảo đảm bữa ăn an toàn, đầy đủ chất dinh dưỡng, nhà trường đã hợp đồng với 5 cấp dưỡng là phụ huynh học sinh để tổ chức nấu ăn. Qua đó, phụ huynh có thể giám sát nguồn thực phẩm và cân đối bữa ăn của con em mình.

Em Y Nguyệt Ánh, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học xã Đăk Hà là con thứ 4 trong gia đình có 7 anh chị em. Dù mỗi ngày cha mẹ làm quần quật từ sáng đến tối cũng chẳng đủ nuôi mấy miệng ăn. Bữa cơm hàng ngày của gia đình em chủ yếu là rau dại, hôm nào khá thì có thêm chút cá, hoặc trứng… còn lâu lắm mới có thịt. Chính vì vậy, mỗi khi đến trường, Nguyệt Ánh rất vui và hạnh phúc vì bữa ăn đều có thịt, cá.

Bảo đảm an toàn, vệ sinh khi học sinh mang cơm đến trường

Hơn 1 tháng nay, đều đặn 5 giờ sáng mỗi ngày chị Y Móc (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) lại thức dậy chuẩn bị cơm cho con học lớp 4 ăn rồi mang theo đến trường.

Cấp dưỡng của Trường Tiểu học xã Đăk Hà là phụ huynh học sinh nên có thể giám sát nguồn thực phẩm được đưa vào trường.

Chị Y Móc có 2 con, đứa nhỏ học lớp 1 tại điểm trường làng nên sáng đi học đến trưa về nhà. Còn con lớn học lớp 4 ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Tăng. Do không thuộc diện bán trú nên mỗi ngày em Nguyễn Nhật Kim Anh đều mang theo cơm trưa đến trường, chiều khi học xong mới về nhà. Bữa cơm trưa hôm nay mẹ chuẩn bị cho Kim Anh gồm ít thịt kho và rau xào được đựng trong cặp lồng inox.

“Mặc dù gia đình không khá giả gì, nhưng con đang tuổi ăn, tuổi học nên tôi cố gắng dậy sớm chuẩn bị bữa cơm tươm tất với đầy đủ chất dinh dưỡng. Tất cả đồ ăn tôi đều rửa sạch, nấu chín cho con mang đến trường. Gia đình còn mua thêm một chiếc cặp lồng inox để con đựng cơm vừa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, lại giữ đồ ăn được nóng lâu hơn”, chị Y Móc chia sẻ.

Năm học 2022 - 2023, thực hiện Chương trình GDPT 2018 nên 12 học sinh lớp 3 tại điểm trường Kon Du - Trường PTDT bán trú Tiểu học Măng Cành (huyện Kon Plông) sẽ ra trường chính học tập và được hỗ trợ bán trú từ Dự án Nuôi em của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chính Minh. Tuy nhiên, vẫn còn 25 em học tập tại điểm trường nên không có chế độ bán trú do xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Mỗi sáng đến trường các em đều được phụ huynh chuẩn bị cơm, nhưng thức ăn chủ yếu là thịt chuột, nhộng, cá suối hoặc chút đường…

Theo cô Trần Thị Dung, giáo viên điểm trường Kon Du, việc gia đình chuẩn bị cơm để các em mang đến trường cũng tiềm ẩn một số vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm. Do đó, giáo viên thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo người dân ăn chín, uống sôi. Bên cạnh đó, lựa chọn thực phẩm bảo đảm, rõ nguồn gốc… Đồng thời, hạn chế đựng thức ăn nóng vào túi nilon hoặc cặp lồng nhựa, tránh cho các em bị ngộ độc. Trước giờ ăn, thầy cô luôn nhắc trò rửa tay sạch sẽ.

“Đến trường được gặp thầy cô, bạn bè lại có thể học chữ và ăn ngon nên em rất thích. Đặc biệt người nấu ăn là cha mẹ của các bạn nên đồ ăn hợp khẩu vị. Những bữa ăn trưa mà chúng em ăn đều đầy đủ thịt hoặc cá, trứng và rau xanh. Nhằm bảo đảm an toàn, trước bữa cơm thầy cô đều nhắc chúng em vệ sinh sạch sẽ, không dùng tay cầm nắm thức ăn để tránh ngộ độc”, Y Nguyệt Ánh e thẹn nói.

Dung Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-chong-dich-benh-trong-truong-hoc-an-toan-tu-nhung-bua-an-post610740.html