Phòng chống dịch COVID-19: Chi viện cho Kiên Giang

Trong khi Kiên Giang đang huy động nguồn lực ngăn dịch COVID-19 xâm nhập vào từ đường biên giới Campuchia thì Phú Thọ lên các phương án để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch do tụ tập đông người dịp giỗ tổ Hùng Vương.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định: Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn.

Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy trước giờ chi viện cho Kiên Giang chống dịch COVID-19. Ảnh: BVCC

Đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy trước giờ chi viện cho Kiên Giang chống dịch COVID-19. Ảnh: BVCC

Thêm sáu ca mắc mới được cách ly sau khi nhập cảnh

Theo bản tin 18 giờ của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 19-4, Việt Nam ghi nhận sáu ca mắc mới (BN2786-2791) được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, gồm tại Yên Bái (một ca), Phú Yên (một ca), Tây Ninh (một ca), TP.HCM (ba ca).

Tính đến nay, Việt Nam có tổng cộng 1.570 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 910 ca.

Đội phản ứng nhanh BV Chợ Rẫy chi viện cho Kiên Giang

Ngày 19-4, Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) cho biết thực hiện theo chỉ đạo, vào lúc 10 giờ 30 ngày 19-4, đội phản ứng nhanh của BV Chợ Rẫy đã lên đường đến Kiên Giang hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại đây.

Trước giờ đội phản ứng nhanh lên đường, TS-BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy, đã tổ chức họp khẩn với các thành viên đội phản ứng nhanh để phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của đoàn.

Đội phản ứng nhanh chi viện cho Kiên Giang gồm 13 thành viên đến từ nhiều khoa, phòng như hồi sức cấp cứu, cấp cứu, kiểm soát nhiễm khuẩn, bệnh nhiệt đới, thận nhân tạo, sinh hóa, vi sinh… Đội sẽ thực hiện các nhiệm vụ như: Phối hợp cùng chính quyền, Bộ Chỉ huy biên phòng và Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 địa phương khảo sát, phân luồng, xây dựng khẩn cấp hai BV dã chiến ở TP Hà Tiên (quy mô khoảng 300-500 giường) và TP Rạch Giá (có thể trên 500 giường).

Bên cạnh đó, phối hợp xây dựng một Đơn vị hồi sức tích cực (ICU) có đủ các trang thiết bị hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng (bao gồm cả hệ máy ECMO (tim phổi nhân tạo), lọc máu, chạy thận nhân tạo) tại BV đa khoa Hà Tiên - nơi được xác định là đơn vị tuyến đầu tại địa phương trong tiếp nhận, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Trước đó, vào ngày 18-4, tại buổi làm việc kiểm tra công tác quản lý nhập cảnh, cách ly, giám sát y tế và triển khai việc tiêm vaccine phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhận định: Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập tại Kiên Giang, đặc biệt là khu vực biên giới tại thị xã Hà Tiên là rất lớn. Lý do là nước ta và Campuchia có hơn 56 km đường biên giới trên bộ và trên biển cùng hơn 145 hòn đảo lớn nhỏ nhưng có khoảng cách ngắn.

Để chủ động ứng phó với các tình huống, Bộ Y tế đã giao BV Chợ Rẫy phối hợp cùng địa phương xây dựng thành lập các khu vực điều trị có thể tiếp nhận các bệnh nhân nặng đến rất nặng. Tập huấn ngành y tế địa phương có thể làm chủ các kỹ thuật khó trong lĩnh vực hồi sức cấp cứu, thậm chí là kỹ thuật ECMO để thực hiện tốt phòng chống dịch tại chỗ.

Đảm bảo phòng chống dịch trong Lễ hội Đền Hùng

Dịp giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Tân Sửu 2021, lượng du khách về dự lễ hội tăng cao. Chỉ riêng trong hai ngày cuối tuần (ngày 17 và 18-4, tức ngày 6 và 7-3 âm lịch), dù chưa phải chính hội, đã có hơn 30.000 lượt khách đổ về đền Hùng.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cho biết để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19, Ban quản lý di tích Đền Hùng đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách về dâng hương.

Lực lượng cán bộ quản lý di tích, bảo vệ cùng các tình nguyện viên, đơn vị chức năng chú trọng tuyên truyền cho du khách thực hiện nghiêm Thông điệp 5K của Bộ Y tế để phòng dịch COVID-19.

Hệ thống loa truyền thanh được ban quản lý lắp dọc đường lên đền để đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời bổ sung biển chỉ dẫn, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; tổ chức các điểm phát khẩu trang miễn phí, bố trí đủ dung dịch sát khuẩn tại điểm đón tiếp, các khu vực đền, chùa trong di tích và các địa điểm tổ chức hoạt động văn hóa để người dân thuận tiện sử dụng.

Ban quản lý cũng yêu cầu cán bộ, viên chức, người lao động tại các đơn vị, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ; hướng dẫn du khách đeo khẩu trang ngay từ khi bước vào cổng và trong suốt quá trình hành lễ.

Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, vườn hoa, cây xanh, các khu vệ sinh thường xuyên được dọn dẹp, cắt tỉa, bảo đảm mỹ quan.

Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2021 được tỉnh Phú Thọ tổ chức, diễn ra trong hai ngày 17 và 21-4 (tức ngày 6 và 10-3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế với người về từ Campuchia

Tình hình dịch tại khu vực Tây Nam bộ đang nóng lên do dịch COVID-19 ở các nước biên giới như Thái Lan, Lào, Campuchia diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, Bộ Y tế khuyến cáo công dân từ nước ngoài trở về nên đi theo đường chính ngạch, khai báo y tế với cơ quan chức năng, địa phương, đồng thời tuân thủ cách ly theo đúng quy định (14 ngày tập trung) và cách ly tại nhà.

Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phát động toàn dân phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép từ nước ngoài trở về không cách ly phải báo cáo nhanh với địa phương để có hình thức xử lý. Mỗi gia đình có người thân ở nước ngoài cam kết với chính quyền địa phương không đón người nhà trở về nếu không qua cách ly.

HÀ PHƯỢNG

Nguồn PLO: https://beta.plo.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-covid19-chi-vien-cho-kien-giang-979844.html