Phòng, chống dịch nơi biên giới

Cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 suốt hơn một tháng qua ở Việt Nam bước đầu đã đem lại kết quả tích cực. Ðó là kết quả của nỗ lực chung toàn xã hội, các cấp ngành, chính quyền và người dân, trong đó, các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BÐBP), lực lượng tham gia chống dịch nơi tuyến đầu đã có những đóng góp lặng thầm nhưng không nhỏ...

 Cán bộ Ðồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) tặng khẩu trang miễn phí cho người dân.

Cán bộ Ðồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) tặng khẩu trang miễn phí cho người dân.

“Chống dịch như chống giặc”

Trải qua sáu giờ đồng hồ với quãng đường gần 300 km, chúng tôi mới đặt chân đến Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cao Bằng như đã hẹn với Chính ủy đơn vị, Ðại tá Bùi Văn Nhị. Ðể tiết kiệm thời gian vừa nghỉ ngơi chúng tôi vừa tranh thủ trò chuyện với đồng chí về những công việc mà BÐBP tỉnh Cao Bằng đã triển khai trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 hơn một tháng qua. Theo Ðại tá Bùi Văn Nhị, Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc dài nhất cả nước với: 333,125 km (trong đó biên giới trên đất liền là 298,119 km; còn biên giới trên sông, suối 35,006 km); với 634 cột mốc (469 mốc chính và 165 mốc phụ); từ cột mốc 520 đến cột mốc 962, cùng với 70 đường mòn, lối mở trên địa bàn 46 xã, thị trấn thuộc chín huyện biên giới. Xác định, tinh thần và nhiệm vụ “chống dịch như chống giặc”, ngay từ ngày đầu công bố dịch Covid-19, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh Cao Bằng đã xây dựng kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, tăng cường lực lượng, phương tiện cho các đồn biên phòng, triển khai các biện pháp cần thiết, cấp bách để phòng, chống dịch, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng và người dân ở khu vực biên giới tham gia.

Kể từ khi dịch bùng phát ngày 1-2, BÐBP tỉnh Cao Bằng đã triển khai trên toàn bộ biên giới duy trì 70 chốt kiểm soát lâm thời với 256 cán bộ thường trực suốt 24 giờ trải dọc các tuyến biên giới để tiếp đón người dân ở Trung Quốc trở về. Cao điểm đã có những ngày tiếp đón đến 200 người. Các đồn biên phòng tổ chức rà soát, thống kê số lượng người dân địa phương đi làm việc tại Trung Quốc (hợp pháp và bất hợp pháp) đã trở về địa phương hoặc đang ở Trung Quốc, số lao động Trung Quốc làm việc trên địa bàn để có biện pháp quản lý. Tính đến thời điểm hiện tại, các đơn vị thuộc BÐBP tỉnh Cao Bằng đã tổ chức tiếp nhận và bàn giao cho cơ quan chức năng 1.454 người (nhập cảnh 48 người, Trung Quốc trao trả 387 người qua đường mòn, 1.028 người từ Trung Quốc về Việt Nam) để thực hiện kiểm tra y tế và các biện pháp cách ly phòng dịch theo đúng quy định. Hiện số người cần cách ly trên địa bàn khá lớn, dự báo số lượng còn tăng trong thời gian tới. Do vậy Cao Bằng hiện không còn khả năng tiếp nhận, quản lý, phục vụ, cho nên hơn một tuần nay, tỉnh phải chuyển 321 công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc đến Bắc Kạn và chuyển 181 công dân Việt Nam đến Thái Nguyên.

Ðầu năm là dịp người dân Cao Bằng thường xuyên qua biên giới sang Trung Quốc lao động và thăm người thân tại các cửa khẩu chính là Trà Lĩnh, Sóc Giang, Tà Lùng và Lý Vạn, do đó BÐBP tỉnh đã tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch đang diễn ra và không qua lại biên giới Trung Quốc trong thời điểm này. Ðồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động thông thương tại các khu vực cửa khẩu. Với đường biên giới trên bộ dài, lưu lượng qua lại và giao thương lớn, Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh đã tăng cường lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại các cửa khẩu ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát. Phối hợp các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt đối với mọi người liên quan vùng có dịch. Tại cửa khẩu, công tác kiểm dịch y tế được thực hiện đầy đủ theo đúng quy trình. Bộ Chỉ huy BÐBP tỉnh yêu cầu các đồng chí đồn trưởng, trạm trưởng biên phòng sang trao đổi tình hình với các đồng chí trạm trưởng trạm kiểm soát xuất nhập cảnh bên phía Trung Quốc, thông báo và thống nhất về việc dừng xuất nhập cảnh người Trung Quốc vào Việt Nam. Ðồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh cho người dân biên giới; tăng cường lực lượng, kịp thời phát hiện người xuất nhập cảnh trái phép trong thời gian diễn ra dịch.

Khó khăn nơi tuyến đầu

Chúng tôi đến thăm Ðồn Biên phòng Tổng Cọt, nằm ở vùng núi đá Lục Khu, huyện Hà Quảng, một trong những đồn biên phòng xa xôi và khó khăn nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh. Mặc dù đã được nghe kể về sự khó khăn nhưng có đi mới thấy khác với hình dung rất nhiều. Sau gần hai giờ đồng hồ di chuyển cho quãng đường chỉ dài 15 km, con đường độc đạo dẫn lên Ðồn Biên phòng Tổng Cọt hết lên dốc lại xuống dốc, mịt mù bụi, lầy lội, với vô số “ổ gà, ổ voi”, ngồi trên xe mà có những đoạn cua tay áo, vào cua xong chiếc xe ô-tô của chúng tôi còn không nhìn thấy cả đường ở phía trước, một bên là núi một bên là vực. Chỉ kịp nghỉ chân chừng 10 phút, cả đoàn lại chuyển sang chiếc xe u-oát mà Trung tá Lục Sơn Thủy, Ðồn trưởng biên phòng Tổng Cọt đã chờ từ lâu để cùng đoàn đi kiểm tra hai trong ba chốt chặn biên giới (lán trại dã chiến) của đơn vị đặt trên địa bàn ba xã Tổng Cọt, Nội Thôn, Cải Viên. Trên đường đi, Trung tá Lục Sơn Thủy chia sẻ: Ðồn Biên phòng Tổng Cọt phụ trách 21 km đường biên giới với 21 mốc chính, không có mốc phụ. Ðơn vị đã triển khai ba lán trại kiểm soát dọc tuyến biên giới mà đơn vị quản lý với quân số gần 20 người, trong đó có ba cán bộ chiến sĩ BÐBP kết hợp với lực lượng dân quân tự vệ và công an viên địa bàn đóng chốt; túc trực cả ngày lẫn đêm, thay phiên nhau canh gác, tuần tra kiểm soát chặt chẽ, chốt chặn tại các lối mòn, lối mở, lối tắt, kiểm soát chặt chẽ người, hàng hóa qua lại biên giới tránh nguy cơ dịch Covid-19 lây lan. Ngoài ra còn có các tổ công tác biên phòng cơ động làm nhiệm vụ nắm thông tin và kết hợp tổ chức tuyên truyền thường xuyên liên tục đến từng bản làng giáp biên giới để thông tin cách phòng, chống dịch cho người dân. Hướng dẫn cách sử dụng và cấp phát khẩu trang y tế miễn phí, nước sát khuẩn, phun độc khử trùng, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, vật tư phòng các tình huống dịch có thể xảy ra.

Lán dã chiến của lực lượng BÐBP bám dọc các tuyến biên giới để chốt chặn cho nên có cái nằm ở lưng chừng núi, cái nằm giữa đại ngàn, cái kề ngay thôn bản. Ba đến năm cán bộ, chiến sĩ sinh hoạt trong một lán, nơi rừng thiêng nước độc, núi cao thiếu thốn trăm bề, thời tiết khắc nghiệt, rét cắt da cắt thịt, có những đêm mưa gió mặc hết cả quần áo, đắp chăn bông mà vẫn rét không thể ngủ nổi. Họ chỉ có thể chống cái lạnh bằng việc nhóm lửa sưởi ấm. Thời tiết Cao Bằng những tháng trước và sau Tết không rét đậm thì sương mù dày đặc, đứng cách nhau có vài mét mà không nhìn rõ người, quần áo phơi cả tuần cũng không khô nổi. Hiếm lắm mới có được ngày trời quang mây tạnh và có chút nắng. Những lúc như vậy, cán bộ chiến sĩ tại các lán trại lại tranh thủ đem quần áo ra phơi trước giờ đi tuần tra. Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong quá trình tuần tra kiểm soát, hầu hết các chiến sĩ đều cho rằng: Ðã là người lính thì nhiệm vụ nào cũng phải hoàn thành, khó khăn nào cũng phải vượt qua. Thiếu tá Chu Văn Huấn, cán bộ Ðồn Biên phòng Tổng Cọt cho biết, anh đã trực xuyên từ trước Tết, và từ khi có dịch đến nay, tiếp tục trực ở chốt mà chưa có một ngày nghỉ bù, nghỉ phép. Mỗi chiến sĩ đã ra chốt trực được đơn vị trang bị đầy đủ từ quần áo bảo hộ đến các thiết bị y tế, cho nên họ sẽ ở đây cắm chốt đến khi có lệnh nhổ trại thu quân, hạn chế tối đa việc đi lại. Ðại úy Vương Văn Hiền, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Tổng Cọt cũng là một trường hợp đặc biệt. Gia đình ở xa đơn vị, sau khi hoàn thành đợt trực Tết Nguyên đán Canh Tý anh được cắt phép về thăm vợ con 15 ngày; nhưng khi mới về quê được dăm ngày thì anh Hiền nhận lệnh của đơn vị cắt phép lên tăng cường cho lán trại phòng, chống dịch Covid-19. Ðến hôm nay đã gần 20 ngày, anh ngày đêm lặng lẽ tuần tra kiểm soát quanh khu mốc biên giới 709 mà chưa một lần về lại đồn. Còn rất nhiều những câu chuyện xúc động khác về những người chiến sĩ đang âm thầm chống dịch mà chúng tôi không thể kể hết ở đây.

Từ biệt Trung tá Lục Sơn Thủy và các chiến sĩ tại chốt xã Cải Viên, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến thăm các tổ chốt kiểm tra biên giới của Ðồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh. Ðây là đơn vị đang quản lý địa bàn bốn xã, thị trấn với 27,8 km đường biên giới. Thượng tá Bùi Tiến Dũng, Ðồn trưởng Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh cho biết: Với 10 tổ chốt biên giới và cửa khẩu chính Trà Lĩnh, lực lượng BÐBP của đồn chủ động phối hợp, thường xuyên trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới phía Trung Quốc, để phòng, chống hạn chế thấp nhất khi dịch diễn ra, qua đó cùng nhau có phương án giải quyết. Nhất là trong tình trạng mặt hàng thiết bị y tế thị trường phía bắc đang khan hiếm, BÐBP đã trao tặng hàng nghìn khẩu trang y tế cho lực lượng bảo vệ biên giới và nhân dân phía bạn Trung Quốc để cùng chia sẻ khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra phức tạp.

Cũng theo Thượng tá Bùi Tiến Dũng: Một trong những khó khăn trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 này là vận động và tuyên truyền cho những người từ Trung Quốc trở về qua các đường mòn, lối mở. Hầu hết họ đều rất lo lắng về tình trạng dịch ở Trung Quốc chính vì thế một số người tìm cách tự về, một số khác cùng nhau góp tiền để thuê người địa phương giáp biên giới dẫn qua đường mòn, lối mở. Tuy nhiên khi về đến Việt Nam biết những quy định phòng, chống dịch của chính quyền thì một số người nằng nặc không chịu phối hợp kiểm tra y tế và ở lại cách ly, theo dõi theo quy định. Lúc này các chiến sĩ lại phải thuyết phục tuyên truyền, vừa mềm dẻo nhưng kiên quyết để họ hiểu sự nguy hiểm của dịch đang diễn ra. Chấp hành kiểm tra y tế, ở lại cách ly là vừa bảo vệ an toàn cho bản thân, còn bảo đảm an toàn cho người thân, gia đình và cộng đồng. Chính vì vậy sau đó tất cả đã hiểu ra và chấp hành nghiêm túc.

Trong số các tổ chốt biên giới không phải tổ nào cũng có đầy đủ điều kiện tối thiểu để sinh hoạt hằng ngày. Lán trại nào gần thôn bản điều kiện của chiến sĩ còn đỡ vất vả khi có thể nhờ nhà dân kéo điện dùng cho sinh hoạt. Có những lán nằm ở vùng núi cao nơi ba không: không sóng điện thoại, không điện, không nước thì khó khăn vô cùng. Lán trại nằm ở khu vực mốc biên giới 728, xã Cô Mười, huyện Trà Lĩnh là một thí dụ điển hình. Hằng ngày người dân trong xã thay phiên nhau nấu cơm và tiếp tế cho cán bộ chiến sĩ. Nước sinh hoạt các chiến sĩ cũng phải thay nhau gánh lên dùng một cách tiết kiệm nhất có thể. Ðây là nơi địa hình hiểm trở, khó khăn, phức tạp khi đi lại chính vì thế nhiều người dân xuất cảnh trái phép, thường chọn để nhập cảnh trái phép về Việt Nam. Cho đến thời điểm chúng tôi đến thăm theo thống kê của Ðồn Biên phòng cửa khẩu Trà Lĩnh, trong số 422 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về đã có đến gần 300 người trốn về qua lán này. Những lúc như vậy một mặt cán bộ chiến sĩ thay nhau tuyên truyền vận động người dân, một mặt phải thay phiên nhau chạy bộ xuống gần 1 km tính từ lán trại mới có sóng điện thoại báo cáo về để đơn vị đưa phương tiện lên đón người về nơi tập trung, bàn giao cho cơ quan y tế địa phương xử lý cách ly và kiểm tra đúng với quy định.

Ðợt phòng, chống dịch Covid-19 này, lần đầu các đơn vị quân đội ra quân trên quy mô toàn quốc để ứng phó dịch bệnh. Hoạt động này không chỉ góp phần bảo đảm hiệu quả phòng, chống dịch bệnh mà còn là dịp để rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong tổ chức phòng, chống dịch bệnh và ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống trong tương lai. Dịch Covid-19 dự kiến vẫn còn diễn biến phức tạp. Chính vì vậy mỗi cán bộ chiến sĩ BÐBP luôn xác định không lơ là, nắm chắc diễn biến của dịch bệnh, bám sát chỉ đạo của cấp trên và không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống.

BÀI VÀ ẢNH: ÐẶNG TUẤN, PHONG CHƯƠNG, TUẤN DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/dang-va-cuoc-song/item/43443602-phong-chong-dich-noi-bien-gioi.html