Phòng, chống dịch viêm phổi do virus nCoV

Việt Nam phát hiện ca thứ 14 nhiễm nCoV: Ngày 9-2, Bộ Y tế thông tin thêm về 1 trường hợp viêm đường hô hấp cấp có kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV.

Bệnh nhân N. T. Y, nữ, 55 tuổi, lao động tự do, ở huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Bệnh nhân Y là hàng xóm của ca bệnh N. T. D là ca bệnh đã được xác định dương tính với nCoV (đã được báo cáo trước đây). Ngày 28-1, bệnh nhân đến nhà ca bệnh N. T. D chơi chúc Tết, có ngồi tại nhà bệnh nhân D khoảng 1 tiếng đồng hồ rồi về. Bệnh nhân Y nằm trong danh sách người tiếp xúc gần đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc giám sát chặt chẽ. Như vậy tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có 14 người bị nhiễm nCoV (trong đó đã chữa khỏi 3, dự kiến sang tuần thêm 2 trường hợp nữa được xuất viện).

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, tính đến 18 giờ ngày 9-2, thế giới đã ghi nhận 37.589 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 813 trường hợp tử vong (Trung Quốc: 811, Philippin: 1, Hồng Công (Trung Quốc): 1. Tại Trung Quốc đã ghi nhận 37.221 trường hợp tại 31/31 tỉnh, thành phố. Tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ khác ngoài Trung Quốc đã ghi nhận 368 trường hợp trường hợp mắc. (CÙ HƯƠNG)

2 bệnh nhân nước ngoài nhiễm nCoV ở TP Hồ Chí Minh tiến triển tốt: Chiều 9-2, bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay: Ông Li Zing, bệnh nhân người Trung Quốc, 66 tuổi, đang được bệnh viện điều trị nCoV, có tiến triển tốt. Ông mới được lấy mẫu xét nghiệm và đang chờ kết quả từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Vợ ông, bà Hu Xiao Lan có kết quả âm tính với nCoV hiện đang sống cùng con trai (đã xuất viện sau khi được điều trị khỏi) tại Bệnh viện Chợ Rẫy. 28 người tiếp xúc với cha con ông Li Zing đều đã trải qua 14 ngày cách ly và hiện đều trong tình trạng khỏe mạnh. Riêng nữ điều dưỡng, người đã tiếp xúc với cha con ông Li Zing một phút rưỡi, phát hiện ra họ từ Vũ Hán đã kịp thời kích hoạt hệ thống điều trị dịch nCoV, cũng trải qua 14 ngày cách ly. Cô đã quay trở lại làm việc trong tình trạng khỏe mạnh. Bệnh nhân người Mỹ gốc Việt T.H.K, 73 tuổi, đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM cũng có tiến triển tốt. Bệnh nhân đã tự thở hai hôm nay. Chiều 9-2, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã điện đàm với ông và tin rằng sức khỏe của bệnh nhân này sẽ sớm ổn định. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng trực tiếp điều trị cho bệnh nhân T.H.K đều khỏe mạnh, không có các triệu chứng bệnh hô hấp. (THU HƯƠNG)

Vĩnh Phúc ban hành khuyến cáo người dân cách phòng dịch nCoV: Hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang có số ca mắc nCoV nhiều nhất trên cả nước, nên Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành khuyến cáo tới người dân trong tỉnh để phòng bệnh. Mọi thông tin, thắc mắc, người dân liên hệ số điện thoại đường dây nóng của sở: 0965071010. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 9 người được xác định dương tính với nCoV trong tổng số 14 người mắc bệnh tại Việt Nam. 6 trường hợp đều là những công nhân của Công ty TNHH Nihon Plast, Nhật Bản được cử sang Trung Quốc tập huấn tại TP Vũ Hán, khi trở về Việt Nam thì phát bệnh. Ba người còn lại 1 người là mẹ ruột, 1 người là em ruột và 1 người là hàng xóm của bệnh nhân dương tính với nCoV trước đó. (DIỆP CHÂU)

Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam luyện tập phương án tiếp nhận người Việt Nam từ vùng có dịch về nước:Sáng 9-2, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam tổ chức luyện tập phương án tiếp nhận người Việt Nam từ Trung Quốc và các nước khác trong vùng có dịch nCoV trở về nước. Theo kế hoạch, sẽ có 250 công dân Việt Nam từ Trung Quốc và các quốc gia có dịch nCoV về nước. Trung tâm Huấn luyện và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh thuộc Trung đoàn 885, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam được chọn làm điểm tiếp nhận, bố trí cách ly. Bộ CHQS tỉnh đã tổ chức cho các bộ phận tiến hành luyện tập cách tiếp nhận, hướng dẫn công dân thực hiện nghiêm các thủ tục kiểm tra sức khỏe như: Khám sàng lọc, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang y tế, bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt trong thời gian theo dõi và cách ly. Bộ CHQS tỉnh đã tiến hành tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng Cloramin B toàn trung tâm, chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ y tế, dụng cụ cấp dưỡng và nhu yếu phẩm khác đảm bảo phục vụ nhu cầu ăn uống, sinh hoạt cho 250 công dân Việt Nam từ vùng có dịch nCoV về nước. (TUẤN ANH)

5 nhóm mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch nCoV: Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch nCoV. Theo đó, các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu bao gồm: Khẩu trang y tế; nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng); nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế gồm: Vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế, màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế, dây thun để sản xuất khẩu trang y tế, thanh nẹp mũi để sản xuất khẩu trang y tế (dạng thanh/cuộn); nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch); bộ trang phục phòng, chống dịch (quần, áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày). (ANH VIỆT)

Hỗ trợ tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế: Để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang y tế, Bộ Công Thương đã yêu cầu thương vụ Việt Nam tại các nước khẩn trương tìm kiếm nguồn nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế cũng như các trang thiết bị cần thiết cho công tác phòng, chống dịch. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổng hợp danh sách các đầu mối có thể cung cấp nguyên liệu sản xuất khẩu trang, khẩu trang và một số trang thiết bị khác phòng, chống dịch để các doanh nghiệp tham khảo và liên hệ như bản đính kèm. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần hỗ trợ thì liên hệ với Phòng Xuất nhập khẩu hàng công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu tại địa chỉ 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: (024) 2220 5445; email: xnk-cn@moit.gov.vn (VŨ DUNG)

Phát hiện tình trạng làm giả nước sát trùng, nước rửa tay khô: Ngày 9-2, lực lượng QLTT TP Hà Nội đã phát hiện một cơ sở làm giả nước rửa tay khô, nước sát khuẩn. Cụ thể, cơ sở này pha cồn 90 độ cùng với dung dịch glycerin, nước tinh khiết và đóng vào các chai, lọ bán ra thị trường. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở chưa xuất trình được công bố chất lượng và đăng ký kinh doanh nên đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. Tính từ ngày 31-1 tới ngày 9-2, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra, giám sát, xử lý 3.594 vụ vi phạm tại các nhà thuốc, cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế. (MINH ĐỨC)

Hà Giang sẵn sàng đối phó với nCoV: Ngày 9-2, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh nCoV tại Hà Giang. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Trạm Y tế xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên), Bệnh viện dã chiến tại Trường Quân sự tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Giám đốc Sở Y tế Hà Giang Lương Viết Thuần cho biết, tại 7 huyện biên giới của tỉnh Hà Giang đã thiết lập các chốt trên các đường mòn, lối mở qua lại biên giới, thành lập các đội điều trị cơ động, bố trí khu cách ly, xây dựng bệnh viện dã chiến với đầy đủ trang thiết bị phòng, chống dịch bệnh, chủ động xử lý khi có người bị nghi ngờ nhiễm bệnh. (HỒ THẠCH)

* NCoV có thể lây qua khí dung trong bệnh viện, không phải bụi khí: Trước thông tin gây hoang mang dư luận về việc nCoV lây qua đường bụi khí, ngày 9-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định thông tin này không chính xác.

Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8-2, một nguồn thông tin cho biết, các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định nCoV có thể lây qua aerosol. Một số thông tin cho rằng aerosol là "bụi khí" nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là “khí dung”.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia sẻ: Đối với nhân viên y tế, nhiều con đường có thể lây nhiễm virus nói chung và nCoV nói riêng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo với các nhân viên y tế khi sử dụng thủ thuật điều trị khí dung trong thời điểm dịch bệnh hiện tại có thể làm tăng nguy cơ nhiễm virus. Khí dung là phương pháp sử dụng máy khuếch tán thuốc theo dạng sương mù, tác động vào hệ thống niêm mạc đường hô hấp trên hoặc dưới. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ cho các bệnh lý thuộc niêm mạc đường hô hấp như: Viêm thanh quản, viêm mũi họng, viêm khí, phế quản, viêm mũi xoang… Khi sử dụng phương pháp điều trị khí dung, bệnh nhân được úp mặt nạ lên vùng mũi, miệng. Các dung dịch bốc hơi được đưa trực tiếp vào đường hô hấp của bệnh nhân thông qua một ống dẫn khí nối với máy phát khí dung. Như vậy, khi bơm khí vào mặt nạ sẽ tác động thẳng đến vùng trong họng bệnh nhân. Tuy nhiên, do áp lực bơm khí dung, các giọt bắn có thể văng ra hai bên của mặt nạ nên có thể mang nguy cơ nhiễm các bệnh đường hô hấp. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, chủng mới virus Corona không lây qua đường không khí mà chỉ lây nhiễm đối với trường hợp bị những giọt bắn trong quá trình tiếp xúc, nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi của người nhiễm bệnh trong khoảng cách 2 mét. Giữ khoảng cách trên 2 mét là an toàn. Trong thời điểm dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp, đối với các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, việc sử dụng khí dung cần hết sức thận trọng để không làm phân tán virus ra môi trường bên ngoài...

Đến thời điểm hiện tại, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là chỉ có 3 con đường cơ bản lây nhiễm của nCoV. Cụ thể là lây truyền qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp (khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh) và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn. Cách lây qua đường phân (trong trường hợp chăm sóc người nhiễm bệnh) thường không xảy ra vì bệnh nhân được chăm sóc cách ly trong cơ sở y tế. Cách lây theo đường "bụi khí" như thông tin đang gây xôn xao dư luận trên một vài kênh thông tin là hoàn toàn không chính xác. (AN AN)

* Bệnh viện Dã chiến (BVDC) tại TP Hồ Chí Minh đi vào hoạt động: Hôm nay (10-2), BVDC quy mô 300 giường tại xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh phục vụ công tác phòng, chống dịch nCoV sẽ đi vào hoạt động. Bệnh viện do Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Y tế thành phố triển khai, thống nhất phương án khu cách ly tập trung của thành phố tại BVDC. Về nguồn nhân lực tham gia vận hành BVDC, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch điều động nhân viên y tế luân phiên đến công tác. Bên cạnh BVDC tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai thêm một BVDC tại huyện Nhà Bè. Ngày 9-2, Sở Y tế thành phố cũng công bố 47 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn (chưa tính bệnh viện khối LLVT, bộ, ngành) đã sẵn sàng tiếp nhận, khám sàng lọc và thu dung, điều trị tại khu cách ly của bệnh viện đối với bệnh nhân do nCoV gây ra. (HỒNG GIANG)

* Phun thuốc sát trùng tại nhà ga, phương tiện công cộng tại TP Hồ Chí Minh: Ngày 9-2, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ tổ chức phun thuốc sát trùng khu vực tiếp công dân, nơi tập trung đông người, nhà ga, bến xe, cảng, bến thủy nội địa đưa rước hành khách, phương tiện... Các đơn vị quản lý nhà ga, bến cảng, bến xe, bến thủy nội địa và các đơn vị quản lý phương tiện tổ chức phun thuốc sát trùng hằng ngày trong hai tuần liên tục, tập trung tại các khu vực đông người và trên các phương tiện vận tải hành khách. Đặc biệt, với lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (taxi, xe buýt...), tăng cường tuyên truyền đến hành khách khi sử dụng dịch vụ, thường xuyên bảo đảm và giữ gìn vệ sinh phương tiện sạch sẽ. Lái xe vệ sinh phương tiện giao thông hằng ngày, bố trí dung dịch rửa tay và khẩu trang dự phòng trên phương tiện. (ANH DŨNG)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov/phong-chong-dich-viem-phoi-do-virus-ncov-609668