Phòng Chống lãng phí - Nóng trên lạnh dưới: Dự án 'khủng', lãng phí lớn

Tại Tây Nguyên hiện có hàng loạt dự án quy mô bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Có nơi trở thành 'khu nhà ma', hoặc chỗ trú ngụ của chim, chuột…, khiến dư luận bức xúc nhưng nhiều năm chưa được xử lý dứt điểm.

Siêu dự án bị bỏ hoang, cán bộ vướng vòng lao lý

Dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt do Cty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn - Đại Ninh làm chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010 với tổng vốn khoảng 25.000 tỷ đồng. Dự án có diện tích gần 3.600ha, tọa lạc trên 4 xã thuộc huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2018, nhưng đến nay mới thi công được khoảng hơn 20km đường nội bộ và một số hạng mục khác như 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng của chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, trồng hơn 10ha rừng. Đây đều là hạng mục phụ, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng. Mặt khác, dự án để mất 257ha rừng và 111ha đất rừng bị lấn chiếm. Tháng 3/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) mời đại diện chủ đầu tư làm việc, yêu cầu cam kết tiến độ triển khai dự án theo quy định. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn “án binh bất động”.

Liên quan đến dự án này, từ tháng 3/2023 đến nay, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ của tỉnh Lâm Đồng và Trung ương để điều tra. Cụ thể, ông Trần Văn Hiệp (Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) và ông Nguyễn Ngọc Ánh (Chánh Thanh tra tỉnh) bị bắt về hành vi “Nhận hối lộ”; bà Trần Bích Ngọc (Vụ trưởng Vụ I thuộc Văn phòng Chính phủ) và ông Trần Đức Quận (Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) bị bắt về hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Mới đây, đến lượt ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ bị bắt tạm giam.

Hàng chục biệt thự thành “khu nhà ma”

Khu du lịch (KDL) hồ Tuyền Lâm bắt đầu hoạt động từ năm 2004; đến năm 2017, được công nhận là KDL quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Hồ Tuyền Lâm còn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa - thắng cảnh quốc gia với nhiều cảnh đẹp, thu hút du khách hàng đầu ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng).

Vào cuối năm 2022, Thanh tra Chính phủ kết luận, chỉ ra loạt sai phạm, bất cập ở KDL hồ Tuyền Lâm. Theo đó, mặc dù được triển khai từ năm 2004, có tổng diện tích gần 3.000ha nhưng sau hàng chục năm, các hạng mục đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng được một phần của phát triển hạ tầng trong KDL.

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng nhưng chỉ vài sinh viên ở. Ảnh: Huỳnh Thủy

Ký túc xá hơn 35 tỷ đồng nhưng chỉ vài sinh viên ở. Ảnh: Huỳnh Thủy

Hiện KDL này có 39 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư (đang còn hiệu lực) với tổng số vốn đăng ký 9.600 tỷ đồng. Sau 20 năm, mới có 15 dự án đi vào khai thác kinh doanh, trong đó có 6 dự án khai thác kinh doanh toàn bộ và 9 dự án kinh doanh một phần. Hàng chục dự án khác đang triển khai đầu tư, chưa đưa vào hoạt động. Tiến độ thực hiện các dự án ở hồ Tuyền Lâm quá chậm, có nhà đầu tư không quản lý được quỹ đất đã giải phóng mặt bằng dẫn đến bị lấn chiếm, tái lấn chiếm.

Một trong những dự án triển khai chậm, khiến dư luận bức xúc, báo chí tốn nhiều giấy mực nhất là dự án khu biệt thự của Cty CP HaCo (Hà Nội). Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2007, với gần 20 biệt thự có kiến trúc đẹp mắt nhưng lại để dở dang nhiều năm qua. Xung quanh khu biệt thự cỏ dại mọc um tùm, mái nhà rêu mốc, sụp từng mảng, tường nhà bị phun sơn, kẻ chữ, vẽ hình nham nhở. Nhiều người dân địa phương và du khách gọi là “khu nhà ma”.

Mới đây, trao đổi PV Tiền Phong, một lãnh đạo của Ban quản lý KDL quốc gia hồ Tuyền Lâm cho biết, dự án khu biệt thự của Cty CP HaCo có nhiều vướng mắc. Ban quản lý KDL đã báo cáo UBND tỉnh, đề xuất thu hồi dự án.

Người dân Kon Tum quay về làng cũ sinh sống. Ảnh: Thái Lâm

Người dân Kon Tum quay về làng cũ sinh sống. Ảnh: Thái Lâm

Khu tái định cư thành nơi trú ngụ của dơi, chuột

Tỉnh Kon Tum có 81 vị trí thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt quy hoạch. Trong đó có 5 dự án thủy điện gây ảnh hưởng đến các khu dân cư, phải thực hiện di dân, tái định cư (TĐC), gồm Ya Ly, Plei Krông, Đăk Đrinh, Thượng Kon Tum và Đăk Mi 1. Theo đó, tỉnh đã xây dựng các khu TĐC để chuyển toàn bộ 3.060 hộ dân bị ảnh hưởng, giao hơn 3.300ha đất cho gần 3.000 hộ.

Thế nhưng, do yếu tố khách quan lẫn chủ quan, nhiều khu TĐC vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả, gây lãng phí ngân sách. Đơn cử, khu TĐC dự án Thủy điện Đăk Đrinh (huyện Kon Plông) được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư. Sau 4 năm thi công, đến năm 2013, tỉnh đã hoàn thành việc di dân 192 hộ, 843 nhân khẩu đến sống ở khu TĐC Vương - Xô Luông nằm trên đỉnh đồi làng Tu Rét, cách làng cũ hơn 10km. Theo tìm hiểu, khi đến khu TĐC này, mỗi hộ dân nhận một căn nhà (có các công trình phụ); được bố trí 800-1.000m2 đất ở và đất vườn; 0,4ha đất trồng lúa nước và 1ha đất sản xuất nương rẫy.

Nhiều căn nhà ở khu TĐC không có người ở, cỏ mọc kín. Ảnh: Thái Lâm

Nhiều căn nhà ở khu TĐC không có người ở, cỏ mọc kín. Ảnh: Thái Lâm

Tuy nhiên, khi đến nơi ở mới, người dân đi lại khó khăn, đất sản xuất khô cằn. Bên cạnh đó, đất sản xuất chậm được đền bù so với cam kết, diện tích đất được đền bù ít hơn so với diện tích đất sản xuất trước kia… Điều đáng nói, diện tích đất rẫy được cấp lại liên tục xảy ra tranh chấp với chủ cũ. Bởi, trước đây, để có đất hỗ trợ người dân tại 2 làng Vương và Xô Luông, chủ đầu tư thủy điện Đăk Đrinh đã thu hồi đất của người dân làng Tu Rét, hứa hẹn trong 5 năm sẽ trả tiền đền bù hết nhưng hơn 10 năm vẫn chưa thực hiện. Ngoài ra, nhiều hộ khác cho rằng, việc di dời các cộng đồng dân cư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Sau hơn 10 năm, khu TĐC thủy điện Đăk Đrinh bị người dân chối bỏ, cỏ mọc kín, thành nơi trú ngụ của dơi, chuột, bò.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Nên (huyện Kon Plông), năm 2013 có 72/83 hộ dân đồng ý nhận nhà TĐC. Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ quay về làng cũ, hoặc lập lán ở gần khu sản xuất. Vì chủ đầu tư chưa chi trả tiền đền bù cho người dân tại làng Tu Rét nên xảy ra mâu thuẫn. Tổng số tiền bồi thường khoảng 33 tỷ đồng. Xã đã nhiều lần đòi quyền lợi cho người dân, ý kiến tại nhiều cuộc họp nhưng chưa có phản hồi.

Ký túc xá hơn 35 tỷ nhưng chỉ vài sinh viên thuê

Tại trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có khu ký túc xá Khoa Y - Trường Đại học Tây Nguyên, được đầu tư hơn 35 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, do Trường Đại học Tây Nguyên làm chủ đầu tư. Công trình này được xây dựng trên diện tích hơn 3.800m2, gồm 5 tầng với 120 phòng, nhằm phục vụ nhu cầu cho 900-1.000 sinh viên y khoa Trường Đại học Tây Nguyên. Năm 2013, công trình được đưa vào sử dụng nhưng số lượng sinh viên đến ở giảm dần, đến nay chỉ có vài sinh viên thuê. Năm 2022, dự án này bị Quốc hội xác định sử dụng vốn đầu tư công và vốn nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.

Ông Nguyễn Thanh Trúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, thời điểm xây dựng, dự án nằm gần BVĐK tỉnh Đắk Lắk, thuận lợi cho sinh viên ngành y đi thực tập, thường xuyên phải trực đêm ở bệnh viện. Về sau, bệnh viện được dời đi nơi khác, số lượng sinh viên theo học ngành y của trường cũng giảm dần. Đặc biệt hệ thống nhà trọ bên ngoài cũng phát triển nên số lượng sinh viên ở ký túc xá thưa dần. Đến nay có 7 sinh viên của trường đang ở. Để tránh lãng phí, chủ đầu tư đã báo cáo cơ quan chủ quản (Bộ Giáo dục và Đào tạo), UBND tỉnh Đắk Lắk, để xin mở rộng đối tượng cho thuê gồm sinh viên, cán bộ, viên chức, người lao động có thu nhập thấp…, nhưng đến nay chưa được hồi âm.

Huỳnh Thủy

QUẾ NHƯ - THÁI LÂM

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/phong-chong-lang-phi-nong-tren-lanh-duoi-du-an-khung-lang-phi-lon-post1637507.tpo