Phòng chống rét cho đàn vật nuôi

Tại khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, người dân chủ động che chắn chuồng trại, dự trữ nguồn thức ăn, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi trước thời tiết lạnh.

Những ngày gần đây, nhiệt độ xuống thấp, đặc biệt khu vực miền núi, khiến gia đình bà Hoàng Thị Huê, ở xã Điền Trung, huyện Bá Thước gặp khó khăn trong chăm sóc đàn gia súc. Nhận thức được sự nguy hiểm của giá rét, gia đình bà Huê không thả rông trên rừng như thường lệ mà chủ động nuôi nhốt đàn trâu tại nhà, dùng bạt quây kín chuồng trại để hạn chế gió rét, giữ ấm cho trâu.

Theo bà Huê, 15 con trâu của gia đình đang được chăm sóc tốt nhất để có thể xuất bán đúng vào dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.

“Mùa đông gió đến, rét thì phải che bạt, vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng; mùa đông lạnh nên phải dự trữ thức ăn, cỏ cho gia súc nên cũng không lo lắm”, bà Huê nói.

Theo Ông Bùi Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Điền Trung, huyện Bá Thước, để đàn vật nuôi sinh trưởng khỏe mạnh trong những ngày giá rét, địa phương đã chỉ đạo cán bộ xuống từng thôn hướng dẫn bà con cách nuôi nhốt, dùng bạt hoặc ni lông che chắn chuồng trại, tăng khẩu phần ăn cho đàn vật nuôi, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại và quanh khu vực chăn nuôi.

Đặc biệt, những ngày tới, dự báo thời tiết rét đậm, rét hại tiếp tục diễn ra, nên người chăn nuôi cần tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống rét, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.

“Điền Trung là xã miền núi, trước đây tập quán nuôi chăn thả trên rừng, mấy năm gần đây bà con có ý thức làm chuồng, chủ động chống rét, dự trữ thức ăn và chống rét tốt nên tỷ lệ trâu bò chết rét không còn”, ông Bùi Văn Tuấn cho hay.

Người dân chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Người dân chủ động phòng, chống rét cho đàn vật nuôi.

Ngoài nguồn cỏ trồng được, người dân tận dụng thêm thức ăn như rơm, rạ để dự trữ. Đặc biệt là giữ ấm cho đàn gia súc, gia cầm, không chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp. Người dân bổ sung bóng điện, đảm bảo giữ ấm cho đàn gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.

Ông Lê Văn Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã Điền Lư, huyện Bá Thước cho biết: "UBND xã có văn bản hướng dẫn bà con về phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là khuyến cáo dự trữ thức ăn, đảm bảo những ngày rét đậm rét hại không thể chăn thả được và cung ứng ra thị trường, đảm bảo phòng, chống dịch”.

Các huyện miền núi như, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn có tổng đàn gia súc lớn, đặc biệt là hàng chục nghìn con trâu, bò. Những năm gần đây, chăn nuôi trâu, bò đã đem về cho bà con nguồn thu nhập khá, nhất là dịp cuối năm. Do đó, công tác phòng bệnh, chăm sóc con vật nuôi luôn được bà con và chính quyền địa phương chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Quan Sơn cho biết: “Địa phương thực hiện tốt viêc chống rét cho gia súc, gia cầm. Vẫn còn một số bản vùng sâu, vùng xa thả rông, nhưng chúng tôi thực hiện tuyên truyền và cùng với bà con đưa gia súc về nuôi nhốt. Việc áp dụng khoa học chống rét được thực hiện tốt như nước muối, giữ ấm”.

Ông Trương Công Tuyến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bá Thước cho hay, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi chuẩn bị thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, gia cầm đảm bảo no, ấm, tránh tình trạng chết vì đói rét.

“Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, chúng tôi đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp về phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm, chuồng trại được gia cố và tích trữ thức ăn, đẩy mạnh tiêu độc, khử trùng, xử lý những vật nuôi có dấu hiệu bất thường do đói rét, dịch bệnh”, ông Trương Công Tuyến cho biết.

Những ngày qua, thời tiết trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tục xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại. Với sự vào cuộc tuyên truyền kịp thời của lực lượng chức năng, ý thức người dân khu vực miền núi về nuôi nhốt gia súc đã ngăn chặn tình trạng gia súc chết do rét./.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-chong-ret-cho-dan-vat-nuoi-post994422.vov