Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển: Cà Mau kiến nghị hỗ trợ 9.185 tỷ đồng

Tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) 2023 tổ chức mới đây, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, xem xét tiếp tục hỗ trợ vốn để tỉnh tiếp tục thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển… với tổng kinh phí dự kiến thực hiện các công trình khoảng 9.185 tỷ đồng.

Sạt lở làm mất nhiều diện tích rừng đê biển; ảnh hưởng tài sản, tính mạng nhân dân.

Theo số liệu thống kê, Cà Mau có tổng chiều dài bờ biển 254km, với hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc, địa hình bờ biển phức tạp... Trong giai đoạn 2011 - 2021, sạt lở làm mất rừng ven biển khoảng 5.250ha (tương đương diện tích bình quân 1 xã của tỉnh). Do sự vận động tự nhiên của địa chất, địa mạo ven sông, ven biển đã gây ra tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở khoảng 188/254km, sạt lở bờ sông khoảng 365/8.118km, nhiều công trình hạ tầng bị phá hủy.

Riêng trong năm 2022, tình hình gió mạnh, mưa trái mùa, triều cường, sạt lở đất tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tính mạng tài sản người dân; ước tổng thiệt hại về tài sản khoảng 38 tỷ đồng.

Được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, Cà Mau đã đầu tư xây dựng hoàn thành được 56,7km kè bảo vệ, tổng kinh phí 1.848 tỷ đồng. Những công trình được bố trí đủ vốn và đầu tư hoàn thiện đã phát huy hiệu quả rõ rệt, làm giảm sóng, chống sạt lở và bước đầu đã gây bồi, tạo bãi, khôi phục gần 1.000ha rừng phòng hộ.

Ông Bùi Văn Đông, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều tỉnh, chia sẻ, để bảo đảm an toàn các tuyến đê biển Tây, đơn vị cử cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát các đoạn đê nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, bảo đảm an toàn trên tuyến. Đồng thời, đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết hợp lựa chọn áp dụng nhiều giải pháp để xử lý khắc phục sạt lở. Từ những giải pháp xử lý tạm thời như sử dụng cừ tràm và cây dừa kết hợp đá hộc, rọ đá, cừ bản nhựa, bê tông tự chèn; đến các giải pháp xử lý cơ bản bằng kè ly tâm tạo bãi, kè đá khan.

Ngoài ra, hàng năm đơn vị còn chủ động xây dựng, cập nhật, triển khai thực hiện phương án ứng phó sạt lở, sụt lún đất, tổ chức rà soát và cắm biển cảnh báo sạt lở.

Do tốc độ sạt lở diễn ra nhanh và phức tạp, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng rà soát, cập nhật tình hình sạt lở để bổ sung, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển trên địa bàn tỉnh đến 2030. Kết quả cho thấy, tổng chiều dài bờ biển Cà Mau đang tiếp tục bị sạt lở khoảng 100km (gồm 35km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 65km sạt lở nguy hiểm), sạt lở bờ sông khoảng 365km (gồm 114km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, 251km sạt lở nguy hiểm).

Trước tình hình trên, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành quan tâm, xem xét tiếp tục hỗ trợ vốn để Cà Mau thực hiện đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, tổng chiều dài bờ biển bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm và nguy hiểm, khoảng 100km, dự kiến kinh phí thực hiện 3.956 tỷ đồng; các công trình phòng, chống sạt lở bờ sông ưu tiên tại các khu dân cư tập trung, tổng chiều dài khoảng 60km, dự kiến kinh phí 4.791 tỷ đồng; đồng thời bố trí 8 khu tái định cư, kinh phí thực hiện 438 tỷ đồng.

Nghĩa - Diễm

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/phong-chong-sat-lo-bo-song-bo-bien-ca-mau-kien-nghi-ho-tro-9185-ty-dong-post477349.html