Phòng, chống sâu, bệnh trên cây trồng, không để 'dịch chồng dịch'

Để bảo vệ tốt diện tích lúa và các loại cây trồng khác; đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phía Nam (trong đó có Long An) tập trung phòng, chống một số sinh vật gây hại quan trọng, không để xảy ra tình trạng 'dịch chồng dịch'.

Xuất hiện một số loại sâu, bệnh trên cây trồng

Hiện nay, toàn tỉnh gieo sạ 220.470ha lúa Hè Thu (HT) 2021, trong đó đã thu hoạch gần 118.000ha, năng suất khô ước đạt 51 tạ/ha, sản lượng trên 600.000 tấn; trên 35.000ha lúa Thu Đông (TĐ), đạt 77,9% kế hoạch, trong đó tập trung nhiều ở huyện Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Tân Hưng và Mộc Hóa. Theo ngành Nông nghiệp tỉnh, vụ lúa HT và TĐ năm 2021 không bị ảnh hưởng nhiều bởi các loại sâu, bệnh gây hại.

Cụ thể, trên lúa HT có 2.440ha nhiễm bệnh cháy bìa lá, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 5-10%; 1.450ha nhiễm bệnh lem lép hạt, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 3-5%; 1.220ha nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông, tỷ lệ nhiễm phổ biến từ 2,5-5%; 545ha bị rầy nâu. Hầu hết các loại sâu, bệnh này đều tập trung trên các trà lúa giai đoạn đòng trổ - trổ chín ở các huyện, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An. Với diện tích lúa TĐ, xuất hiện một số bệnh: Đạo ôn lá, rầy nâu, bệnh lem lép hạt với mật độ thấp.

Ngoài ra, một số đối tượng gây hại khác như chuột, bệnh vàng lá chín sớm, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn cổ bông,… cũng xuất hiện và gây hại trên các trà lúa đẻ nhánh - đòng trổ và trổ chín ở hầu hết địa phương.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện khảo sát tình hình sản xuất thanh long tại huyện Châu Thành

Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ các diện tích cây trồng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân. Do đó, Sở yêu cầu các địa phương thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng, chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra “dịch chồng dịch””.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện

Nhìn chung, diện tích nhiễm bệnh trên lúa HT và TĐ năm 2021 giảm so cùng kỳ năm 2020; trong đó, các đối tượng như rầy cánh phấn, bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá, rầy nâu giảm do người dân chủ động phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Mặt khác, thời gian qua, có mưa lớn ở nhiều nơi làm giảm sự phát triển của rầy cánh phấn. Dự báo tình hình sâu, bệnh thời gian tới, rầy nâu, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh cháy bìa lá,... tiếp tục phát sinh và gia tăng diện tích nhiễm trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ. Bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh lem lép hạt, bệnh vàng lá chín sớm, chuột,... phát sinh trên lúa giai đoạn trổ chín,...

Bà Đỗ Thị Lan, ngụ xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, cho biết: “Vụ lúa TĐ này, gia đình tôi làm hơn 3ha. Hiện lúa sinh trưởng tốt nhưng có hiện tượng xuất hiện bọ trĩ và ốc bươu vàng. Ngay sau khi có thông báo của địa phương, tôi thường xuyên thăm đồng và làm theo hướng dẫn để phòng trừ sâu, bệnh, không để sâu, bệnh lây lan ra diện rộng”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phạm Thanh Hùng, vụ lúa HT và TĐ năm 2021, một số diện tích trên địa bàn huyện xuất hiện bệnh và dịch hại như chuột, ốc bươu vàng, rầy nâu, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bệnh cháy bìa lá, bệnh đạo ôn cổ bông nhưng tỷ lệ nhiễm nhẹ, không đáng kể. Trước khi xuống giống vụ mới, ngành Nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng để diệt tất cả mầm bệnh trên đất, gieo sạ đúng lịch thời vụ để né rầy, phòng trừ sâu, bệnh. Ngoài ra, Phòng NN&PTNT còn yêu cầu Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thường xuyên thăm đồng, dự báo tình hình sâu, bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân biết cách phòng trừ sâu, bệnh, tránh cho sâu, bệnh lây lan ra diện rộng.

Nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh trên lúa (Ảnh tư liệu)

Thông tin từ Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, toàn tỉnh có hơn 26.000ha cây ăn trái. Thời điểm hiện tại, trên cây ăn trái xuất hiện một số loại sâu, bệnh như sâu đục cành, sâu đục bông, bệnh thán thư, nứt da xì mủ,... gây hại ở mức độ nhẹ, chủ yếu xảy ra ở một số địa phương có diện tích cây ăn trái lớn: Châu Thành, Thủ Thừa, Bến Lức và Thạnh Hóa.

Đến tháng 7/2021, huyện Châu Thành có 9.100ha thanh long, trong đó thanh long đang cho trái trên 8.500ha. Theo khảo sát của ngành Nông nghiệp huyện, thời gian qua, xuất hiện một số loại bệnh trên thanh long như thối cành, thán thư, rệp sáp,... với mật độ nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến năng suất. Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, bón cân đối phân NPK, không nên bón thừa đạm; sử dụng các loại phân có hàm lượng lân, canxi, magie cao để bón định kỳ. Đồng thời, những cành thanh long bị bệnh nặng cần được tỉa bỏ, tiêu hủy và phun thuốc trừ bệnh để ngăn ngừa sự lây lan.

Huyện Thạnh Hóa là một trong những địa phương có diện tích trồng cây ăn trái lớn của tỉnh với các loại cây: Chanh, mít Thái, sầu riêng,... Ông Nguyễn Văn Hột (ấp Gãy, xã Thuận Bình) cho biết: “Tôi đang canh tác khoảng 5ha chanh không hạt. Thời gian gần đây, trên cây chanh xuất hiện sâu đục bông, làm bông không đậu trái và đang lây lan với tốc độ khá nhanh. Chúng tôi đã báo cáo tình hình với Phòng NN&PTNT huyện để được hướng dẫn phòng trừ nhằm tránh ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha, sau khi nhận được thông báo từ nông dân trồng chanh về sự xuất hiện của sâu đục bông, Phòng đã cùng Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện xuống vườn để xem tình hình và hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống. Đến nay, loại sâu, bệnh này cơ bản đã được kiểm soát, không gây ảnh hưởng đến năng suất.

Không để “dịch chồng dịch”

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng nông sản tỉnh - Nguyễn Văn Cường, Chi cục đã yêu cầu các địa phương và nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phân loại và xác định những diện tích lúa có mật độ trứng và sâu non cao, tổ chức phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ; đồng thời, khuyến cáo người dân chỉ phun thuốc trên ruộng có mật độ sâu cuốn lá từ 20 con/m2 trở lên. Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng trừ hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh, không để bùng phát thành dịch.

Bảo vệ cây trồng, không để xảy ra “dịch chồng dịch”

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Chí Thiện thông tin, để bảo vệ cây trồng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân, Sở đã chỉ đạo các địa phương tập trung phòng, chống các loại sâu, bệnh gây hại trên lúa HT, Mùa và TĐ năm 2021; đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại trên cây trồng khác để chủ động các biện pháp phòng, chống. Bên cạnh đó, tăng cường khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt, bón phân cân đối, tập trung và thực hiện các biện pháp quản lý sinh vật gây hại tổng hợp (theo IPM) trên các loại cây trồng để bảo đảm năng suất, chất lượng.

“Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là bảo vệ các diện tích cây trồng, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho nông dân, do đó, Sở yêu cầu các địa phương thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật theo dõi, bám sát đồng ruộng, điều tra, phát hiện sớm sinh vật gây hại để kịp thời chỉ đạo phòng, chống hiệu quả; duy trì hệ thống thông tin, báo cáo theo quy định để phối hợp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra “dịch chồng dịch”. Ngoài ra, Sở sẽ phối hợp các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra việc buôn bán vật tư nông nghiệp, không để tình trạng lợi dụng chống dịch Covid-19 để tăng giá hoặc bán hàng không bảo đảm chất lượng” - ông Thiện thông tin thêm./.

Lê Ngọc - Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-sau-benh-tren-cay-trong-khong-de-dich-chong-dich--a119755.html