Phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em miền núi

Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em là nội dung của Dự án 7 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu của dự án nhằm cải thiện sức khỏe của người dân vùng này về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ…, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.

Hội LHPN tỉnh cùng các đơn vị tài trợ tặng quà các em có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Ảnh: THÁI HÀ

Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi còn cao

Theo thống kê năm 2022 từ Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng (SDD), có nguy cơ tổn thương não và thể chất lâu dài. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so với trẻ em từ các hộ gia đình khá giả.

Tại Phú Yên, Viện Dinh dưỡng thông báo tỉ lệ SDD thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi cuối năm 2023 là 22%. Như vậy, cứ 10 trẻ là có hơn 2 trẻ bị SDD ở thể thấp còi. Ở vùng núi, nơi cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỉ lệ này cao hơn ở thành thị và nông thôn.

Xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) có 4 thôn, buôn, với 583 hộ, 2.698 khẩu; gần 100% là người đồng bào DTTS. Đời sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Những năm gần đây, kinh tế đã cải thiện nhiều, dù vậy, không phải nhà nào cũng có điều kiện chăm chút bữa ăn cho gia đình, đặc biệt là cho các cháu nhỏ.

“Ở những gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ vài tuổi đã biết ăn cơm với muối, với canh lá sắn thường xuyên. Nhiều cặp vợ chồng trẻ, sau khi sinh con được vài năm đã gửi lại ông bà chăm sóc để đi làm ăn xa. Những đứa trẻ này rất đáng thương vì ông bà đã già, tuy thương cháu nhưng việc chăm sóc không thể nào chu tất”, chị Ksor Hờ Rinh, cán bộ Đài Truyền thanh - Dân số - Gia đình và Trẻ em xã Ea Bar cho biết.

Ẵm trên tay đứa bé 3 tuổi đi nhận quà dành cho các hộ nghèo, cận nghèo, chị Ksor Hờ Chúc (thôn Ea Ngao, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) cho biết gia đình có 4 đứa con; đây là đứa con thứ ba, còn đứa út mới 1 tuổi, đứa lớn nhất được 8 tuổi.

“Hai vợ chồng làm nông, chỉ vừa đủ ăn nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Dù vẫn nắm được kiến thức về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ nhưng chúng tôi không có điều kiện cho con ăn uống đầy đủ”, chị Hờ Chúc nói.

Theo ông Sô Y Danh, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng trên địa bàn xã thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ.

“Cuộc sống của người dân đỡ vất vả hơn. Dù vậy, kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn, việc ăn uống đơn sơ nên điều kiện chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ chưa đảm bảo. Địa phương cần sự chung tay của ngành Y tế, Giáo dục để triển khai các hoạt động thiết thực phòng, chống SDD cho trẻ”, ông Sô Y Danh cho hay.

Kỳ vọng vào dự án phòng chống suy dinh dưỡng

Những năm qua, công tác phòng chống SDD trẻ em được chú trọng. Tuy nhiên, vấn đề SDD các thể vẫn còn tồn tại dai dẳng, đặc biệt là ở những vùng khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống, bao gồm thiếu dinh dưỡng, thiếu các vi chất dinh dưỡng như sắt, kẽm, vitamin A, i ốt. Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống SDD trẻ em” (gọi tắt là Dự án 7) được triển khai từ năm 2022.

Bà Lê Thị Thúy Kiều, cán bộ phụ trách Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng - An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh) cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế địa phương đã củng cố, kiện toàn mạng lưới chuyên trách; đào tạo kỹ năng tư vấn, thực hành cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống SDD cho trẻ. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, truyền thông thực hành dinh dưỡng, trang bị kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ; hướng dẫn cách chăm sóc nuôi dưỡng và nhận biết các dấu hiệu SDD ở trẻ…

Dù chính quyền địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng tỉ lệ trẻ SDD vẫn ở mức cao bởi đời sống còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn hạn chế. Mặt khác, phong tục, quán của đồng bào từ xa xưa thiếu khoa học như cho trẻ ăn dặm sớm, ăn không đúng cách… cũng làm tăng tỉ lệ SDD ở trẻ em.

Năm 2022, Dự án 7 được triển khai nhưng do chậm kinh phí nên đến năm 2024, Phú Yên mới bắt đầu có những hoạt động đầu tiên thuộc khuôn khổ dự án này. Ông Ngô Đức Thịnh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên) cho biết: “Năm 2024, khi có kinh phí, chúng tôi triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như: tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế, người cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em; tuyên truyền vận động, truyền thông thay đổi hành vi về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em; triển khai mô hình “Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời”; củng cố và hoàn thiện mạng lưới chuyên trách và cộng tác viên dinh dưỡng ở thôn, buôn vùng miền núi, đồng bào DTTS… Chúng tôi tin rằng công tác phòng chống SDD trẻ em ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, qua thực hiện Dự án 7, sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực”.

Để công tác phòng, chống SDD cho trẻ vùng đồng bào DTTS và miền núi bền vững, ngoài sự quan tâm của trung ương, tỉnh thì các địa phương và cộng đồng cũng cần đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động phòng, chống SDD. Các hộ gia đình cần tăng gia sản xuất nuôi trồng để tạo nguồn thực phẩm lành mạnh phục vụ bữa ăn tại gia đình; tăng cường hơn nữa các giải pháp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế…

BS Ngô Đức Thịnh, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh không lây nhiễm - Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Phú Yên)

THÁI HÀ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/315069/phong-chong-suy-dinh-duong-thap-coi-o-tre-em-mien-nui.html