Phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi và béo phì cho trẻ

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng và nâng cao sức khỏe người dân. Trong đó, công tác phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em tại Quảng Ninh đã đạt được kết quả tích cực. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng giảm dần, còn 12,2% (năm 2019).

Các cán bộ y tế xã Việt Dân (Đông Triều) hướng dẫn trực tiếp các bà mẹ nấu một bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm.

Các cán bộ y tế xã Việt Dân (Đông Triều) hướng dẫn trực tiếp các bà mẹ nấu một bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Việt Dân, TX Đông Triều, cho biết: Hằng tháng, Trạm y tế xã đã bám sát các gia đình có trẻ nhỏ để theo dõi tình hình phát triển thể chất, nhất là gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc nguy cơ rơi vào suy dinh dưỡng. Phổ biến thường xuyên, rộng rãi, liên tục các kiến thức về dinh dưỡng cho các bà mẹ, như: Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ ăn dặm đúng cách, đầy đủ chất dinh dưỡng với thịt, cá, tôm, cua, rau v.v.. Đồng thời, cán bộ y tế xã tổ chức hướng dẫn trực tiếp các bà mẹ nấu một bữa ăn cho trẻ với đầy đủ 4 nhóm chất thực phẩm nhằm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ trong độ tuổi ăn dặm. Đến nay, 100% bà mẹ mang thai đều được theo dõi sự phát triển của trẻ ngay trong bụng mẹ; khám thai định kỳ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Nhờ đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giới dưới 5 tuổi ở xã Việt Dân chỉ còn 5,5%.

Không chỉ ở trạm y tế xã Việt Dân mà đây là một trong những hoạt động thường xuyên của các Trạm y tế tuyến xã trong toàn tỉnh, nhằm cung cấp kiến thức cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, cải thiện bền vững tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, góp phần làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Chăm sóc trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, các cơ sở khám chữa bệnh trong tỉnh cũng thành lập các khoa, tổ dinh dưỡng để thực hiện nhiệm vụ khám và tư vấn dinh dưỡng cho trẻ.

Là bệnh viện chuyên khoa về sản - phụ khoa và nhi khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh luôn quan tâm đến hoạt động khám, tư vấn dinh dưỡng cho trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Đơn nguyên Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho biết: Qua khám và điều trị dinh dưỡng tại phòng khám cho thấy, điều đáng mừng là kiến thức, thực hành về dinh dưỡng của phụ huynh cho trẻ gần đây đã được cải thiện. Các gia đình ngày càng quan tâm đến vấn đề dinh dưỡng đối với sức khỏe, phòng bệnh và điều trị bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp trẻ biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân; ngoài ra còn có các nguyên nhân khác do bệnh lý, di truyền, hoặc chế độ ăn không đảm bảo nhu cầu protein và năng lượng... Suy dinh dưỡng không chỉ làm giảm sức khỏe mà còn là nguyên nhân dẫn đến tử vong cao ở trẻ. Khi trẻ bị suy dinh dưỡng, khả năng chống đỡ với bệnh nhiễm trùng giảm, trẻ dễ bị mắc một số bệnh như: Viêm phổi, tiêu chảy... Mức độ nặng của các bệnh nhiễm trùng sẽ tạo nên sự kéo dài thời gian bị suy dinh dưỡng...

Với trẻ suy dinh dưỡng, sau khi thăm khám các bác sĩ đều xây dựng, thiết kế khẩu phần ăn phù hợp để gia đình bé vận dụng, thực hiện. Trong đó chú trọng bữa ăn nên có đủ 4 món cân đối: Cơm (cung cấp năng lượng), rau quả (cung cấp vitamin, chất khoáng và chất xơ), đậu phụ, vừng lạc, cá, thịt, trứng (cung cấp chất đạm, béo), canh cung cấp nước và các chất dinh dưỡng bổ sung giúp ăn ngon miệng.

Bác sĩ Nguyễn Thị Trang, Đơn nguyên Dinh dưỡng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang khám dinh dưỡng cho trẻ.

Cùng với đó, tỷ lệ thừa cân, béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, nhất là ở khu vực đô thị. Theo bác sĩ Trang, để dự phòng thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi cần có dinh dưỡng hợp lý như, cho trẻ ăn bổ sung đúng cách, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ngủ đủ giấc, theo dõi cân nặng của trẻ bằng biểu đồ tăng trưởng, phát hiện sớm và và điều chỉnh cân nặng kịp thời.

Đối với trẻ trên 6 tuổi nên bổ sung sữa không đường vào bữa ăn học đường giúp cải thiện dinh dưỡng và chiều cao, thức ăn cho trẻ cần đa dạng có từ 5 trong 8 nhóm gồm (lương thực, các loại hạt, sữa, thịt các loại, cá và hải sản, trứng, rau củ quả có màu, dầu mỡ), đảm bảo cung cấp đủ protein động vật và thực vật, sử dụng muối i-ốt đảm bảo dưới 4g/ngày, thực phẩm sử dụng đảm bảo sạch, an toàn. Ngoài ra, trẻ cần được ngủ trung bình 8-10 giờ/ngày...

Tuần lễ “Dinh dưỡng và Phát triển”, từ ngày 16 đến 23/10/2020 với chủ đề là “Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững”.

Theo đó, Bộ Y tế đưa ra khuyến cáo:

- Phát triển VAC để tạo nguồn thực phẩm tại chỗ, sạch, an toàn cho bữa ăn gia đình;

- Sử dụng đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm, ăn đủ nhu cầu theo từng lứa tuổi; tăng cường ăn rau, củ, trái cây và các loại thực phẩm có bổ sung vi chất dinh dưỡng;

- Thực hiện nuôi dưỡng trẻ hợp lý trong 1.000 ngày đầu đời để giúp trẻ phát triển tối ưu cả về thể chất, tầm vóc và trí tuệ khi trưởng thành;

- Thực hiện dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động thể lực để phòng chống thừa cân béo phì và các bệnh mạn tính không lây.

Toàn dân thực hiện dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng, góp phần phòng chống dịch bệnh.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/doi-song/202010/huong-ung-tuan-le-dinh-duong-va-phat-trien-tu-ngay-16-den-2310-phong-chong-suy-dinh-duong-thap-coi-va-beo-phi-cho-tre-2505959/