Phòng, chống tác hại của thuốc lá: Kết quả đạt được nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao trên thế giới. Sử dụng thuốc lá đã và đang gây ra những tổn thất lớn về sức khỏe, kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) hiện còn nhiều thách thức.

Kết quả tích cực bước đầu

WHO cho biết, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. Nếu không thực hiện ngay các biện pháp PCTHTL, con số này sẽ tăng lên 70.000 ca vào năm 2030. Ước tính chi phí y tế và các thiệt hại do mất năng suất lao động vì ốm đau và tử vong sớm với 5 loại bệnh liên quan tới thuốc lá lên tới hơn 24.000 tỷ đồng/năm. Đây cũng là nguyên nhân gia tăng đói nghèo ở cả cấp độ quốc gia và hộ gia đình.

Trước những hệ lụy do thuốc lá gây ra, Việt Nam đã và đang thực thi một khuôn khổ chính sách toàn diện và bao quát về kiểm soát cũng như giảm tiêu thụ thuốc lá. Việt Nam đã gia nhập Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của WHO từ năm 2003 và thông qua Luật PCTHTL năm 2012. Luật quy định toàn diện về quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác PCTHTL, các hành vi bị nghiêm cấm, các biện pháp giảm cung và cầu thuốc lá, các điều kiện bảo đảm để PCTHTL. Các chính sách kiểm soát thuốc lá được quy định cơ bản phù hợp với khuyến cáo của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, bao gồm quy định cấm hoàn toàn quảng cáo và tiếp thị thuốc lá, in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, cấm hút thuốc nơi làm việc và những nơi công cộng. Việc ban hành Luật PCTHTL đã khẳng định quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong ngăn chặn tác hại của thuốc lá ở Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất tạo điều kiện thuận lợi cho công tác PCTHTL. Đặc biệt, Quỹ PCTHTL ra đời từ năm 2013 đã tạo nguồn lực quan trọng và bền vững để duy trì các hoạt động trong lĩnh vực PCTHTL. Chính vì vậy, công tác PCTHTL ở nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Việc sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 so với năm 2010 có tín hiệu khả quan: Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá giảm 2,1% (từ 47,4% xuống 45,3%), tỷ lệ nữ giới hút thuốc giảm 0,3% (từ 1,4% xuống 1,1%). Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc chung ở khu vực thành thị giảm 2,7% (từ 23,3% xuống 20,6%). Quan trọng hơn, hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về PCTHTL được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Hơn 90% số người ở lứa tuổi trưởng thành đã nhận biết được tác hại của việc hút thuốc lá và hút thuốc thụ động đối với sức khỏe của mỗi người và cộng đồng.

Vẫn còn nhiều thách thức

Theo quy định của pháp luật, hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá bị cấm hoàn toàn, nhưng thời gian qua các sai phạm vẫn xảy ra và tiềm ẩn nguy cơ khó kiểm soát. Nguyên nhân do nhận thức của người kinh doanh thuốc lá chưa tốt, tính tuân thủ quy định pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại và trưng bày thuốc lá chưa cao. Trong luật quy định rõ việc in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh được thực hiện từ tháng 5-2013 và nội dung cảnh báo được yêu cầu thay đổi định kỳ 2 năm/lần nhằm hạn chế tình trạng hình ảnh cảnh báo bị nhàm chán. Thế nhưng, sau 6 năm thực hiện, nhiều mẫu cảnh báo chưa được thay đổi theo quy định của Luật PCTHTL. Hơn nữa, thuế và giá thuốc lá ở nước ta vẫn ở mức rất thấp so với trung bình thế giới, điều này khiến sức mua thuốc lá của người dân không giảm.

Thời gian tới, các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường chỉ đạo, thực thi trách nhiệm được giao theo quy định của Luật PCTHTL, trong đó phải xử phạt nghiêm hành vi vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá và trưng bày, khuyến mại thuốc lá. Mặt khác, cần nâng cao nhận thức cho chủ cơ sở kinh doanh thuốc lá và đẩy mạnh sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong công tác kiểm tra, giám sát.

Chiến lược quốc gia về PCTHTL đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống mức 39% vào năm 2020. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã đưa ra mục tiêu cải cách tổng quát cho từng sắc thuế, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt: “...xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu… để điều tiết tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế”. Để phát huy được vai trò của chính sách thuế và giá trong giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá thì việc cải cách chính sách thuế đánh vào mặt hàng thuốc lá càng triển khai sớm càng tốt, mức thuế đưa ra phải đạt được mục tiêu làm giảm sức mua của người dân và đạt tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của WHO.

Ths. LÊ THỊ THU (Chuyên gia Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-ket-qua-dat-duoc-nhieu-nhung-thach-thuc-cung-khong-nho-576943