Phòng chống tai biến mạch máu não trong mùa hè

Trong tháng 5/2023, Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh đã tiếp nhận và điều trị 35 bệnh nhân bị tai biến mạch máu não. Trong khi số bệnh nhận bị tai biến mạch máu não nhập viện điều trị tại đây từ đầu năm đến hết ngày 30/4 là 60 người. Thống kê trên cho thấy tỷ lệ đột quỵ trong những ngày nắng nóng đang tăng lên. Vì vậy việc người dân chủ động đề phòng, nhận biết và xử lý kịp thời các dấu hiệu của tai biến mạch máu não là rất quan trọng.

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Bác sĩ Khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân bị tai biến mạch máu não.

Hơn 1 tháng nay, bệnh nhân Trần Hữu Quyết, sinh năm 1963, tại phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) được người nhà đưa vào Bệnh viện Y học cổ truyền để điều trị tai biến mạch máu não. Theo ông Quyết chia sẻ, do bản thân có tiền sử cao huyết áp, tiểu đường cùng với thời tiết thất thường trong thời gian chuyển mùa khiến cơ thể ông thường xuyên mệt mỏi, khó chịu. Ngày bị tai biến mạch máu não, ông bị choáng, mất cảm giác và ngất đi. Mặc dù được cấp cứu kịp thời song tai biến mạch máu não đã để lại di chứng nặng nề, khiến ông bị liệt vận động tay chân.

Bệnh nhân Lường Thị Thơm, sinh năm 1980, tại xã Xa Dung (huyện Điện Biên Đông) cũng nhập viện điều trị di chứng tai biến mạch máu não từ đầu tháng 4. Theo người nhà, bệnh nhân Thơm bị tai biến sau khi làm ruộng liên tục dưới thời tiết nắng nóng. Mặc dù được người nhà kịp thời đưa cấp cứu nhưng chị Thơm có di chứng liệt nửa người.

Thống kê từ Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh cho thấy, tai biến mạch máu não sẽ tăng mạnh nhất là trong những đợt nắng nóng đỉnh điểm. Đối tượng dễ bị đột quỵ trong những ngày nắng nóng như: Người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người có tiền sử mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao, tiểu đường; người lao động nông nghiệp làm việc ngoài đồng ruộng; công nhân làm việc trong công trường… Bệnh thường xảy ra đột ngột, với rất ít những triệu chứng báo trước. Những dấu hiệu cảnh báo thường xuất hiện như: Đau đầu dữ dội, choáng váng, kèm theo cứng cổ, nôn; gặp khó khăn trong nói hoặc hiểu người khác nói gì, yếu đột ngột ở một phần cơ thể; mắt mờ hoặc mù một bên hoặc nhìn thấy hình đôi; tiểu tiện không tự chủ hoặc bí tiểu; mất ý thức hoặc hôn mê đột ngột.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai biến mạch máu não trong mùa hè nhưng thường gặp là do thời tiết mùa hè thay đổi thất thường, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm cao; trong những ngày nắng nóng, độ ẩm không khí cao và cơ thể mất nước qua hơi thở, mồ hôi cũng có thể gây rối loạn về đông cầm máu và gây đột quỵ. Cùng với đó, việc sử dụng

điều hòa ở nhiệt độ thấp, khi ra khỏi môi trường điều hòa chênh lệch nhiệt độ dễ dẫn đến sốc nhiệt và biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim; hoạt động nhiều thời gian ngoài trời nắng nóng dẫn đến trạng thái mất muối, nước nhiều, khiến tình trạng máu cô lại làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân lớn tuổi có kèm theo theo bệnh nền tim mạch, khi thay đổi của cơ thể phản ứng với nắng nóng có thể làm tim đập nhanh lên, bệnh nhân càng cảm thấy khó chịu; hoặc đau ngực, hoặc ảnh hưởng huyết áp khi mất nước nhiều làm tụt huyết áp… Nếu không được bù đủ nước, bệnh nhân có thể bị suy tim cấp trên nền bệnh tim mạch có sẵn hoặc có thể nhồi máu cơ tim.

Để phòng ngừa tai biến mạch máu não vào mùa hè, bác sĩ Lường Văn Tiến, Phó Trưởng khoa Phục hồi chức năng (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) nhấn mạnh: Việc phòng ngừa từ sớm giúp giảm 80% nguy cơ tai biến mạch máu não. Do đó, cần lưu ý những biện pháp bảo vệ cơ thể trước mối nguy tai biến mạch máu não, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng phức tạp như hiện nay. Người dân cần chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, thừa cân, béo phì…) bằng cách kiểm tra sức khỏe định kỳ và cải thiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Chủ động thay đổi lối sống theo hướng tích cực, có kế hoạch làm việc hợp lý, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, giảm ăn chất béo có nguồn gốc động vật, ăn nhiều rau và trái cây, hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá. Người dân cần tránh hoạt động quá nhiều ngoài trời nắng, nhất là sau 10 giờ sáng, nếu ra ngoài cần có đồ bảo vệ, như mũ, nón, ô, áo chống nắng; sử dụng điều hòa nên ở nhiệt độ khoảng 26 - 28o và uống nước thường xuyên để tránh mất nước. Tăng cường hoạt động thể lực như tập thể dục đều đặn, đi bộ, chơi một môn thể thao thích hợp để rèn luyện sức khỏe.

Bài, ảnh: Minh Thảo

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/206183/phong-chong-tai-bien-mach-mau-nao-trong-mua-he