Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết: Cần quyết liệt hơn

Theo báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn 2011-2015, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh không có hôn nhân cận huyết nhưng có 84 trường hợp tảo hôn. Năm 2016, phát sinh thêm 22 cặp tảo hôn... Tuy nhiên, theo Ban Dân tộc tỉnh, số liệu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Theo báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2011-2015, vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh không có hôn nhân cận huyết nhưng có 84 trường hợp tảo hôn. Năm 2016 có 22 cặp tảo hôn... Tuy nhiên, theo Ban Dân tộc tỉnh, số liệu trên vẫn chưa phản ánh đúng thực trạng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết trên địa bàn...

Cán bộ thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, tuyên truyền phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho người dân.

Mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đã kiểm tra thực tế tại 3 địa phương: Ba Chẽ, Tiên Yên và Hoành Bồ. Tại huyện Ba Chẽ, nếu như trong báo cáo, địa phương khẳng định hầu như không có trường hợp nào, nhưng khi kiểm tra đột xuất tại xã Đồn Đạc, đoàn kiểm tra đã phát hiện 5 cặp tảo hôn; trong đó, 3 cặp phát sinh trong năm 2017-2018; còn 2 cặp ở giai đoạn trước. Tại Tiên Yên cũng tương tự. Ngoại trừ xã Điền Xá báo cáo có 4 trường hợp thì các địa phương như: Hà Lâu, Đại Dực, Đại Thành đều báo cáo không có trường hợp nào nhưng khi kiểm tra thực tế, ở Đại Dực có 10 cặp tảo hôn; Đại Thành có 4 cặp tảo hôn; Hà Lâu có 2 cặp trong diện nghi ngờ là hôn nhân cận huyết...

Trao đổi với chúng tôi, bà Ân Thị Thìn, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh nhận định, không chỉ quan liêu, báo cáo thiếu trung thực, mà nhận thức của lãnh đạo một số địa phương về hôn nhân cận huyết còn chưa đúng, đủ, dẫn đến hạn chế trong công tác này. Bà Thìn dẫn chứng: "Khi được hỏi, có lãnh đạo địa phương nói cùng một họ thì không được lấy nhau, do vậy trên địa bàn không có tình trạng hôn nhân cận huyết. Nhưng tôi cho rằng đây là nhận định hết sức phiến diện. Khi tôi đưa ra ví dụ có thể xảy ra hai người tuy khác họ nhưng vẫn trong phạm vi 3 đời có thể gặp, lấy nhau nếu không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc thì ngay lập tức vị này đã xác nhận lại, trên địa bàn có mấy trường hợp tương tự”.

"Tảo hôn, hôn nhân cận huyết sẽ làm suy giảm sức khỏe và chất lượng giống nòi. Trong đó, mang thai và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ trẻ, có thể dẫn tới tử vong mẹ và thai. Đứa trẻ do trẻ vị thành niên sinh ra thường nhẹ cân, sinh non và chăm sóc kém.
Hôn nhân cận huyết làm tăng xác xuất tổ hợp gen bệnh thể hiện ra kiểu hình (mắc bệnh). Điển hình là bệnh thiếu máu huyết tán Thalassemia (bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh). Đứa trẻ mắc bệnh này sẽ bị thiếu máu do tan máu và biến chứng của thừa sắt gây ra trên tất cả các cơ quan làm thay đổi diện mạo người bệnh như thể trạng thấp bé, trán dô, mũi tẹt, hàm răng hô, suy tim, suy gan, suy nội tiết...". (Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, giảng viên Trường Cao đẳng y tế Quảng Ninh)

Có thể thấy, trong những năm qua, công tác tuyên truyền, tư vấn pháp luật về hôn nhân, gia đình, phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết đã rất được chú trọng. Báo cáo của các đơn vị cho thấy, hơn 500 hội nghị tuyên truyền, lớp tập huấn đã được mở; trên 300 tin, bài viết có nội dung liên quan được đăng tải; cấp phát gần 100.000 tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Tuy nhiên, trên thực tiễn, tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi vẫn tồn tại tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Ông Bàn Sinh Nguyên, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, huyện Hoành Bồ, chia sẻ: “Chỉ tuyên truyền thôi chưa đủ. Nếu không có chế tài răn đe, ráo riết xử lý vi phạm để làm gương, hiệu quả đạt được sẽ không cao. Thôn tôi có một trường hợp tảo hôn trong năm nay, còn một trường hợp cũng đang rơi vào nguy cơ. Trẻ vị thành niên bây giờ yêu đương sớm, lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm, nên dễ có thai, phải cưới. Nhiều khi tảo hôn đã không còn là vấn đề hủ tục nữa mà là sự bồng bột, thiếu hiểu biết của bọn trẻ”.

Đoàn kiểm tra Ban Dân tộc tỉnh trao đổi, nắm tình hình tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ. Ảnh do Ban Dân tộc tỉnh cung cấp.

Còn theo bà Ân Thị Thìn, xã hội hiện đại, phát triển, giới trẻ được tiếp xúc với môi trường mạng, nhiều thông tin cám dỗ nhưng không được định hướng đúng, rất dễ sa ngã. Việc giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên là việc làm cần thiết. Nhiều người còn quan niệm làm như vậy là “vẽ đường cho hươu chạy”, nhưng tôi cho rằng thà “vẽ đường cho hươu chạy đúng hướng”, bảo vệ được bản thân các em còn hơn là né tranh, không làm gì để cho “hươu chạy quàng bụi rậm”. Khi hậu quả đã rồi thì việc xử lý mới khó.

Từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tổ chức một số buổi tọa đàm, diễn đàn cho thanh thiếu niên của trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn, với sự tham gia của chuyên gia tâm lý, bác sĩ sản khoa để phân tích, giải thích cho các em tác hại của việc tảo hôn; hôn nhân cận huyết; về các biện pháp tránh thai an toàn khi quan hệ tình dục... “Điều chúng tôi ngạc nhiên là các em tích cực bày tỏ, nêu ý kiến, câu hỏi. Điều này khẳng định các em có tò mò về vấn đề trên nhưng đã biết đúng, đủ chưa thì chúng ta phải giúp các em định hướng đúng” - bà Thìn chia sẻ.

Diễn đàn phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết cho học sinh Trường PTDT nội trú huyện Hoành Bồ do Ban Dân tộc tỉnh tổ chức ngày 8/11/2018. Ảnh: Ban Dân tộc tỉnh cung cấp.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, so với một số tỉnh miền núi khác, Quảng Ninh không phải là “điểm nóng” về tảo hôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn tiềm ẩn nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Do vậy, để thực hiện mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, ngăn ngừa hôn nhân cận huyết trên địa bàn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa từ các ban, ngành chức năng và chính sự thay đổi trong nếp nghĩ của mỗi người dân.

Thanh Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201811/phong-chong-tao-hon-hon-nhan-can-huyet-can-quyet-liet-hon-2409865/