Phòng, chống tệ nạn ma túy dựa vào sức mạnh của cộng đồng

Những năm qua, tệ nạn ma túy ở Việt Nam không ngừng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Tính đến hết năm 2017, cả nước có 222.852 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 14.000 người so với năm 2016, trong đó, số người phát hiện mới chủ yếu sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần. Để giải quyết vấn đề này, Đảng, Nhà nước ta đã luôn quan tâm chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống ma túy (PCMT), trong đó, công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Các lực lượng chức năng tham gia phá nhổ cây thuốc phiện trồng trái phép tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: CTV

Các lực lượng chức năng tham gia phá nhổ cây thuốc phiện trồng trái phép tại xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu. Ảnh: CTV

Nhiều bất cập

Theo tổng hợp gần đây của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), số người nghiện ma túy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm 20% tổng số người nghiện trong toàn quốc. Trong đó, hơn 70% người nghiện ma túy dưới 35 tuổi. Vùng đồng bào DTTS các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa... là những địa bàn có số người nghiện tăng khá cao trong thời gian qua.

Trong hơn 10.000 người nghiện ma túy tại Điện Biên, đồng bào DTTS chiếm tới 84,4%. Đa số người nghiện tập trung ở khu vực vùng cao, vùng xa nơi có đông đồng bào nghèo, dân trí thấp. Số người nghiện tập trung ở nhóm độ tuổi lao động nên tình trạng nghèo đói, thất học càng thêm trầm trọng. Tuy nhiên, công tác cai nghiện tại cộng đồng đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu kinh phí. Điều trị thay thế nghiện bằng thuốc Methadone không đạt mục tiêu đề ra.

Tại Nghệ An, theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh có trên 7.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, nhưng chỉ có 4.824 người tham gia các hình thức cai nghiện. Đặc biệt, số người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS ở các huyện vùng cao như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu... chiếm tỉ lệ lớn trong 8.000 người nhiễm bệnh trong toàn tỉnh. Công tác quản lý người nghiện, tổ chức cai nghiện đối với đồng bào DTTS rất hạn chế do đồng bào sống rải rác ở các vùng sâu, vùng xa khó tiếp tận với các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy.

Lý giải về nguyên nhân tệ nạn ma túy bùng phát trong vùng DTTS&MN, ông Nông Quốc Tuấn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Đồng thời, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phòng, chống tệ nạn ma túy chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Việc tổ chức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện, tại cộng đồng và gia đình chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Điều trị cho người nghiện uống Methadone thay thế cho chất gây nghiện có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ uống thuốc không kịp thời nên còn nhiều người khó tiếp cận với dịch vụ này. Cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động bài trừ tệ nạn xã hội còn chưa đến được những nơi hẻo lánh, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Theo Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn, phòng, chống tệ nạn ma túy sẽ không thể thành công nếu thiếu đi sự tham gia của các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân. Thực tế, nhiều mô hình phòng, chống tệ nạn ma túy hiệu quả nhờ dựa vào sức mạnh của cộng đồng, nhất là vai trò người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Ngoài các chính sách chung của Nhà nước, các địa phương nên có những dự án đặc thù xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội để hỗ trợ, vực dậy các địa bàn bị ma túy tàn phá, kết hợp với công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người nghiện, giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Điện Biên đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động bà con phòng, chống tệ nạn ma túy. Ảnh: CTV

Tháo “nút thắt” trong công tác cai nghiện

Những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, “cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện”, đến nay, tổng số người đang được điều trị cai nghiện tại các cơ sở là 34.620 người. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng số người được tiếp nhận, tư vấn, điều trị, cai nghiện tại các cơ sở là 6.438 người, trong đó, cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án là 3.230 người.

Tuy nhiên, người nghiện ma túy của Việt Nam chưa có xu hướng giảm, mà tiếp tục gia tăng (trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm tăng từ 5 - 10%). Công tác cai nghiện chưa có hiệu quả do nhiều nguyên nhân, như chưa đủ các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng và điều trị cai nghiện ma túy bằng Methadone; số người sử dụng ma túy tổng hợp gia tăng đột biến, hiện chưa có phác đồ điều trị cai nghiện...

Để tháo gỡ những “nút thắt” trên, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Hà cho biết, Bộ sẽ đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình các cơ sở điều trị người nghiện ma túy từ bắt buộc sang tự nguyện, đa chức năng; bổ sung chế độ chính sách đối với người cai nghiện ma túy tự nguyện; đơn giản hóa thủ tục điều trị thay thế bằng Methadone với những người nghiện tự nguyện. Ngoài ra, Bộ LĐ,TB&XH đang triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, xã hội theo mô hình “tiền xét xử”; thí điểm cai nghiện ma túy tự nguyện không thu phí lần đầu và Chương trình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy, nhằm hướng tới cung cấp các dịch vụ thuận lợi nhất, tốt nhất cho những người không may nghiện ma túy được tư vấn, điều trị, cai nghiện, bảo đảm quyền công dân, quyền con người.

“Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa lại một số điều Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 211/2013/NĐ-CP về hồ sơ thủ tục đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc. Nên bỏ điều kiện: Đưa người nghiện vào trung tâm cai nghiện bắt buộc phải là người nghiện đã qua cai nghiện tại cộng đồng. Đồng thời quy định việc thẩm định hồ sơ chỉ cần qua Phòng LĐ,TB&XH, hoặc Phòng Tư pháp” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị.

Thanh Thảo - Dạ Ngân

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phong-chong-te-nan-ma-tuy-dua-vao-suc-manh-cua-cong-dong/