Phòng chống tham nhũng trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng, tổ chức xã hội

Theo Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) của Ủy ban Tư pháp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước.

Vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác PCTN khu vực Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong khi chúng ta còn chưa làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước thì trước mắt chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, mà tập trung nguồn lực làm tốt công tác PCTN trong khu vực Nhà nước. Đối với các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ ở khu vực ngoài Nhà nước nếu đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với việc chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi áp dụng đối với Cty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư).

Khi thảo luận tại nghị trường về Dự án luật này, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) đồng tình với việc mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc mở rộng đến đâu thì cần phải cân nhắc, thận trọng để đảm bảo tính khả thi.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) nhất trí việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật đối với khu vực ngoài Nhà nước, trước mắt lựa chọn mở rộng đối tượng là phạm vi áp dụng đối với Cty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đồng tình mở rộng PCTN sang khu vực ngoài nhà nước. Ảnh: QH

Vì hoạt động của các DN, tổ chức này có ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cũng là chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động đóng góp của nhân dân, các thành viên và hội viên. Nhưng trong thực tế, còn thiếu những biện pháp cần thiết như minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành, việc xử lý vi phạm để kiểm soát chặt chẽ, tránh lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham nhũng và góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cho rằng, việc từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài Nhà nước là cần thiết và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời đảm bảo với các quy định về hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ được quy định tại Điều 353, 354, 364, 365 của Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, các đối tượng chịu sự tác động từ việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật như Cty đại chúng, các tổ chức tín dụng ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội là nhóm chủ thể có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì thế, ông Phương cho rằng, cần đánh giá toàn diện và rà soát kĩ lưỡng để quy định chặt chẽ điều kiện thanh tra, kiểm tra của các cơ quan Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng đối vối các nhóm chủ thể trên. Từ đó, vừa đáp ứng được mục tiêu phòng, chống tham nhũng, vừa không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các nhóm chủ thể này, phù hợp với chính sách, chủ trương khuyến khích khởi nghiệp của Chính phủ đối với các DN.

Tuy nhiên, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) lại đề nghị bỏ quy định về phòng, chống tham nhũng thuộc khu vực ngoài Nhà nước với lý do cần tập trung hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng đối với khu vực công hơn là mở rộng phạm vi điều chỉnh, trong khi các quy định hiện hành vẫn chưa được tổ chức thực hiện một cách có hiệu quả trong thời gian vừa qua.

Vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng luật PCTN sang khu vực ngoài Nhà nước và mở rộng đến đâu hiện là một trong các nhóm vấn đề tiếp tục được thảo luận, lấy ý kiến để hoàn thiện Dự luật.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phong-chong-tham-nhung-trong-cong-ty-dai-chung-to-chuc-tin-dung-to-chuc-xa-hoi-117426.html