Phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng ngày càng phát triển với quy mô hoạt động và tầm ảnh hưởng lớn. Nhiều doanh nghiệp (DN) có tính đại chúng cao, hoạt động trong những ngành nghề, lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán, tài chính… cho nên các hành vi vi phạm pháp luật, tội phạm trong khu vực ngoài Nhà nước đang có những diễn biến phức tạp.

Nhà nước - Pháp luật

Tình trạng đưa, nhận hối lộ, móc nối giữa tư nhân với cán bộ, công chức để giành lợi thế trong sản xuất, kinh doanh hoặc chiếm đoạt tài sản của Nhà nước, DN "sân sau" được sự nâng đỡ của những người có chức vụ, quyền hạn đang là những vấn đề nóng, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển lành mạnh của môi trường đầu tư, kinh doanh, gây bức xúc dư luận xã hội.

Trong hoạt động của những DN tư nhân quy mô lớn, công ty đại chúng, ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư (có sự tách biệt rõ đội ngũ quản lý và chủ DN) luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các hành vi sai phạm, tham nhũng của những người có thẩm quyền quản lý, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của các cá nhân, tổ chức, cũng như ảnh hưởng lớn đến sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Các vụ án vừa được đưa ra xét xử mới đây với các bị cáo như Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, là những thí dụ điển hình. Ðặt vấn đề về việc mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng (PCTN) sang khu vực ngoài Nhà nước là hoàn toàn phù hợp yêu cầu của thực tiễn và xu hướng chung của thế giới.

Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), tiếp tục được cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV, có một chương mới (Chương VIII) quy định về phòng ngừa tham nhũng trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, với các quy định khuyến khích xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và chỉ áp dụng luật này đối với một số DN, tổ chức xã hội khu vực ngoài Nhà nước (công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và trong tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ có huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện).

Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước là vấn đề mới, vì có sự đan xen, đôi khi khó phân định giữa lợi ích, tài sản chung của DN và lợi ích, tài sản riêng của chính các chủ sở hữu và quản lý DN, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa; giữa các sai phạm và cách thức, thủ thuật trong kinh doanh. Nếu không có các quy định hợp lý, sẽ dễ dẫn đến việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN, thậm chí là hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh doanh - thương mại, khiến tâm lý nhà đầu tư, doanh nhân bất an, ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư, kinh doanh. Cho nên việc mở rộng là cần thiết, nhưng không vì thế nóng vội, "đốt cháy giai đoạn", mà cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường nâng cao nhận thức và hiểu biết cho DN, tổ chức tư nhân và toàn xã hội về ý nghĩa của công tác này.

Hiện nay, các quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước vẫn còn nằm rời rạc ở nhiều văn bản pháp quy khác nhau, với một số nội dung chưa đầy đủ, như: Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2018); Luật PCTN, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán… Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) quy định về PCTN trong DN, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước, nhưng các quy định chỉ mang tính nguyên tắc, định tính chung chung, nội hàm các quy định còn khá nghèo nàn, khó đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cho nên cần nghiên cứu xây dựng để bảo đảm tính chi tiết, cụ thể, rõ ràng và đầy đủ, cũng như bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ khi xây dựng và hoàn thiện các quy định khác có liên quan. Thí dụ, Ðiều 86 đặt vấn đề về tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và tổ chức xã hội là chưa phù hợp khả năng và địa vị pháp lý của các chủ thể, mà cần quy định nghĩa vụ thực hiện pháp luật đối với họ sẽ phù hợp hơn. Mặt khác, đã là nghĩa vụ liên quan quyền con người, quyền công dân, hạn chế quyền con người, quyền công dân thì theo quy định tại Ðiều 14 của Hiến pháp năm 2013, phải được quy định cụ thể ngay trong luật chứ không được giao Chính phủ quy định…

Bên cạnh đó, các quy định về khuyến khích xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, không tham nhũng và việc tham gia của DN, tổ chức xã hội mới chủ yếu ghi nhận các quan điểm của Ðảng và Nhà nước về PCTN, còn thiếu tính quy phạm, chưa tạo ra các quy tắc xử sự chung và cũng chưa có chế tài bảo đảm việc thực thi. Cần quy định cụ thể những hành vi tham nhũng đặc trưng của khu vực ngoài Nhà nước, từ đó có thể đề ra được các biện pháp phòng ngừa tương xứng, phù hợp. Cũng cần quy định rõ nội dung nào các tổ chức, DN ngoài Nhà nước bắt buộc phải công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động, bởi các vụ việc xảy ra thời gian qua cho thấy sự thiếu minh bạch, công khai hoạt động của các DN, ngân hàng, tổ chức tín dụng, các loại quỹ chính là mảnh đất béo bở cho tham nhũng phát sinh…

PCTN là công việc rất khó khăn, phức tạp và phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì. Nếu chỉ có nhà nước, cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức làm thì không xuể, hiệu quả không cao. Trong khi đó, nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở các nguyên tắc định tính như: tăng cường, đẩy mạnh, củng cố, kiện toàn, khuyến khích… mà thiếu thiết chế cốt lõi là kiểm soát quyền lực, tài sản, thu nhập trên tất cả các phương diện. Do vậy, giải pháp rất quan trọng lúc này là huy động toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội, người dân, các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc, tùy thuộc vào vị trí, địa vị pháp lý của từng chủ thể để phát huy vai trò, trách nhiệm. Có như vậy, không những nâng cao hiệu quả công tác PCTN, mà còn phục vụ tích cực cho công tác quản lý nhà nước trên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

VĨNH KHANG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/38329902-phong-chong-tham-nhung-trong-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc.html