Phòng dịch bệnh: Địa phương gặp khó khăn trong quản lý đối tượng vãng lai, khu nhà trọ

Đó là một trong những nội dung mà TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM nói về các chương trình phòng dịch tay chân miệng và sởi tại các tỉnh thành phía Nam.

Đến thời điểm này, cả nước đã có hơn 53.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 63 tỉnh, thành; trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh thành ở khu vực phía Nam.

Riêng TP HCM đến thời điểm này đã có gần 3.600 ca nhập viện vì căn bệnh truyền nhiễm này. Vì vậy, các bệnh viện nhi tại TP HCM đang quá tải; có bệnh viện phải trưng dụng cả căn-tin làm nơi nằm điều trị cho trẻ nhiễm bệnh.

Rửa tay là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh tay chân miệng

Rửa tay là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh tay chân miệng

Báo Người Lao Động có cuộc trao đổi với TS-BS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, về những giải pháp phòng chống dịch TCM cho cộng đồng trước sự bùng phát của dịch bệnh này.

- Khu vực phía Nam đang đối diện nhiều loại dịch bệnh tấn công, Viện Pasteur đã tiếp tục triển khai biện pháp phòng chống gì ngoài những biện pháp vừa qua? Cụ thể ra sao, thưa ông?

- TS-BS Nguyễn Vũ Thượng: Trước tình hình nguy cơ cùng xuất hiện các dịch bệnh sởi, TCM, sốt xuất huyết, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các giải pháp chống dịch, trong đó nhấn mạnh các hoạt động cụ thể mà các địa phương cần triển khai bao gồm:

Một là, tăng miễn dịch cộng đồng bằng cách tăng cường tiêm chủng thường xuyên, tổ chức rà soát, thống kê đối tượng tiêm vét, tiêm bổ sung cho những đối tượng nguy cơ cao, không để sót đối tượng chưa được tiêm chủng trước đó, nhất là các địa phương có di biến động dân cư, tiêm phòng cho nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị.

Hai là, giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ba là, thực hiện nghiêm công tác phòng, chống lây nhiễm trong các cơ sở điều trị.

Bốn là, tổ chức triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh phòng bệnh bằng nhiều biện pháp, qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức; phối hợp với chính quyền địa phương, tiếp cận với các điểm nguy cơ như khu nhà trọ, khu công nghiệp để thông tin đến được cộng đồng.

Năm là, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư hóa chất để sẵn sàng đáp ứng.

Sáu là, tổ chức các đoàn đánh giá công tác chuẩn bị cũng như đáp ứng dịch, tình hình tiêm chủng để có sự hỗ trợ, điều chỉnh kịp thời.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh người dân thực hành vệ sinh cá nhân (thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, lau sạch các dụng cụ tiếp xúc), vệ sinh môi trường sống (dành 10 phút/tuần để kiểm tra và dẹp sạch lăng quăng ở trong và ngoài nhà, thông thoáng nơi ở/làm việc), vệ sinh an toàn thực phẩm (ăn chín, uống chín) và tự bảo vệ mình để không bị muỗi chích.

Đặc biệt, với bệnh đã có vắc-xin, người dân cần chủ động tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng, cũng như tiêm ngừa định kỳ các vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, ho gà…cho trẻ và người lớn. Khi có các biểu hiện bệnh (sốt, nổi ban, ho, sổ mũi, đỏ mắt,…), cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn, xử lý kịp thời. Như vậy cả cộng đồng chung tay cùng với ngành y tế, chính quyền, ban ngành đoàn thể trong hoạt động phòng, chống, kiểm soát các bệnh truyền nhiễm.

- Ông cho biết vắc-xin phòng bệnh liên quan hiện có đáp ứng đủ không?

- Sởi là bệnh lây lan rất nhanh qua đường hô hấp. Khi nền miễn dịch cộng đồng chưa cao (bao gồm nhóm đối tượng trẻ nhập cư khó quản lý, sống tập trung trong các khu nhà trọ và nhóm đối tượng là người lớn có miễn dịch nền từ tiêm chủng vắc-xin đã giảm theo thời gian) khiến mầm bệnh xâm nhập từ các khu vực khác trên thế giới và lây lan cho những vùng miễn dịch cộng đồng.

Các bệnh viện nhi đang quá tải trẻ nằm điều trị bệnh tay chân miệng

Số ca sởi ghi nhận ngày càng cao ở người lớn, chiếm đến 70% số trường hợp mắc tại Mông Cổ năm 2015 và Ý năm 2017. Tại khu vực phía Nam nước ta, từ tháng 8 năm nay bệnh sởi tăng lên, chủ yếu vùng Đông Nam, phần lớn ở trẻ từ 1 tuổi - dưới 5 tuổi chưa tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều cùng trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng (<9 tháng) do kháng thể nền của mẹ thấp không đủ bảo vệ trẻ. Người lớn nhiễm sởi (nhất là ở dạng cận lâm sàng hoặc bệnh nhẹ) nếu không biết hay không cách ly tốt có thể làm lây sởi cho trẻ và người xung quanh.

Những cơ sở y tế tham gia tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh sởi cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng lây lan trong cơ sở y tế, có kế hoạch và tổ chức tiêm phòng cho các nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây lan cho những bệnh nhi khác. Những nơi biến động dân cư nhiều, khó tiếp cận thì cần có biện pháp quản lý trẻ một cách hiệu quả. UBND các tỉnh thành cần chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể phối hợp và triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, vận động và tiêm chủng cho người dân.

Để ngăn chặn dịch bệnh sởi một cách bền vững, cần phải tăng cường nền miễn dịch cộng đồng bằng các hoạt động tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Vắc xin sởi tiêm cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn cung ứng đủ số lượng và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng cho tất cả các trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng tại các tỉnh thành tại khu vực phía Nam theo quy định. Vì vậy, người dân cần chủ động đưa con em mình đến các trạm y tế và cơ sở y tế để tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

- Viện có gặp khó khăn trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh?

- Để phòng chống dịch kịp thời và hiệu quả, chúng tôi cần có sự chung tay góp sức của các cấp chính quyền, các ban ngành đoàn thể, trong đó y tế đóng vai trò tham mưu, tư vấn kỹ thuật:

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp có phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên; kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch bao gồm cả công tác tiêm chủng (quản lý, truyền thông, vận động đối tượng tiêm chủng) tại các địa bàn được phân công.

Cần có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị trang thiết bị, vật tư hóa chất và các nguồn lực khác để sẵn sàng đáp ứng. Cần giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh; tiến hành điều tra, bao vây xử lý ổ dịch kịp thời, không để lan rộng; triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch, phối hợp chặt chẽ giữa dự phòng, điều trị cùng các ban ngành đoàn thể;

Với các bệnh có vắc-xin dự phòng, đặc biệt trong tiêm chủng mở rộng, cần rà soát đối tượng tiêm chủng cũng như lập kế hoạch tiêm bổ sung, đặc biệt lưu ý: địa phương gặp khó khăn trong quản lý các đối tượng vãng lai hay di biến động. Các khu nhà trọ (gần các khu công nghiệp) hay khu vực có phụ huynh hay người trong nhà đi làm cả ngày từ sáng đến tối khuya. Đảm bảo điều kiện môi trường sống, đảm bảo vệ sinh, ánh sáng, loại bỏ các vật dụng, phế thải, các vật chứa (làm phát sinh lăng quăng, muỗi)… tránh lây lan mầm bệnh. Cần truyền thông rộng rãi, giúp cộng đồng có ý thức chủ động hơn trong việc đảm bảo vệ sinh cá nhân, nhà cửa, môi trường xung quanh, chủ động tiêm chủng phòng bệnh ở nhóm trẻ em và cả người lớn.

NGUYỄN THẠNH thực hiện

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/suc-khoe/phong-dich-benh-dia-phuong-gap-kho-khan-trong-quan-ly-doi-tuong-vang-lai-khu-nha-tro-20181003085642507.htm