Phòng dịch Covid-19: Học sinh có thể nghỉ xuân thay hè?

63/63 tỉnh, thành phố trên cả nước đã quyết định tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ của học sinh đến hết tháng 2 để phòng dịch Covid-19.

An toàn của học sinh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

An toàn của học sinh là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.

Kiến nghị chia thành nhiều kỳ nghỉ

Quyết định cho học sinh được tiếp tục nghỉ học được đưa ra dựa theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) gửi tới Chủ tịch UBND các tỉnh, thành trên cả nước đề nghị cân nhắc việc cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2/2020 trước những diễn biến phức tạp của bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra.

Căn cứ vào tình hình thực tế nghỉ học, Bộ GD-ĐT quyết định sẽ điều chỉnh lùi thời điểm kết thúc năm học 2019 - 2020 và các mốc thời gian kế hoạch năm học chung của ngành; đồng thời có hướng dẫn chi tiết đến các địa phương nhằm xây dựng phương án điều chỉnh hoạt động dạy học để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện chương trình giáo dục đào tạo đã đề ra.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định sẽ lùi thời gian kết thúc năm học 2019-2020, Bộ GD-ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để địa phương, cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch năm học, bố trí việc dạy học bù cho học sinh trước khi học sinh đi học trở lại, bảo đảm yêu cầu khả thi, thực hiện chất lượng, hiệu quả.

“Việc lùi thời điểm kết thúc năm học sẽ gây một số khó khăn cho ngành và các địa phương tuy nhiên qua phân tích vẫn có thể khắc phục được bằng các giải pháp quản lý phù hợp của từng nhà trường, tại từng địa phương.

Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn, an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định.

Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT cũng có công văn đề nghị Giám đốc đại học, học viện; Hiệu trưởng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm xem xét quyết định việc cho học sinh, sinh viên, học viên tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 2/2020.

Các trường đại học, cao đẳng trên cả nước cũng đã quyết định kéo dài thời gian nghỉ của sinh viên (đa số là đến hết tháng 2) để đảm bảo an toàn, đồng thời có kế hoạch chi tiết, cụ thể nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Lãnh đạo TP.HCM cũng cho biết, sẽ kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học hết tháng 3, đồng thời điều chỉnh kế hoạch năm học 2019-2020. Học kỳ II bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 7, để nghỉ hè vào tháng 8.

Và mới đây, tại cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh và công tác chủ động phòng chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Bộ GD-ĐT xem xét, phân kỳ lại thành 4 kỳ học thay vì 2 kỳ như hiện nay, rút ngắn ngày nhưng chia thành nhiều kỳ nghỉ. Nếu được, có thể áp dụng ngay từ năm học tới. Cả thế giới cũng sắp xếp năm học như thế.

Qua nghiên cứu phân kỳ cho học sinh các nước cho thấy, hè nghỉ 35 ngày; nghỉ tết khoảng 1 tháng; còn 2 kỳ kia mỗi kỳ nghỉ 2 tuần. Theo Chủ tịch Hà Nội, việc làm này sẽ kích thích tiêu dùng tốt hơn, giúp phân luồng, phân bố giao thông tốt hơn; đồng thời giúp kích cầu tiêu dùng. Các gia đình đi du lịch nghỉ mát trong các kỳ nghỉ này mà không cần tập trung vào một mùa hè.

Bên cạnh đó, với đề xuất của Sở GD-ĐT, ông Chung quyết định tiếp tục cho học sinh, sinh viên Hà Nội nghỉ học thêm 1 tuần để phòng dịch, đồng thời nhấn mạnh thành phố kiên trì mục tiêu lấy phòng là chính, phấn đấu không để lây lan Covid-19 tại Hà Nội.

Trước đó, phần đa ý kiến phụ huynh đều cho rằng, nếu Sở không cho nghỉ học, họ vẫn xin phép cho con em họ ở nhà. Theo họ, trường học là môi trường dễ lây bệnh nhất, bởi ở đó tập trung đông người, luôn có sự giao tiếp 2 chiều trong cự li gần. Học sinh các trường đan xen ở nhiều khu vực khác nhau. Thậm chí như ở Hà Nội hay TP HCM thì đan xen giữa nhiều quận nên nếu không may có 1 ca nhiễm bệnh sẽ rất khó cách ly, kiểm soát kịp thời.

Việc cho học sinh nghỉ học sẽ gây xáo trộn đáng kể. Nhiều cơ sở kinh doanh giáo dục tư thục bị ảnh hưởng. Nhiều gia đình bị xáo trộn do không có người trông con... Tuy nhiên, nếu học sinh nghỉ học sẽ giúp ngăn chặn được nguy cơ hiện hữu: lây nhiễm chéo. Do đó, trước thông tin nghỉ học tới hết tháng 2, phụ huynh đều đồng tình.

Sẽ học bù vào thứ Bảy, Chủ nhật

Liên quan đến ý kiến Bộ GD-ĐT nên cho học sinh nghỉ luôn 3 tháng mùa xuân, đi học vào 3 tháng mùa hè, ông Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho rằng không thể thực hiện như thế.

Bởi học sinh bậc phổ thông từ lớp 1 đến 12, không phải tất cả đều có lịch giống nhau. Học sinh cuối cấp buộc phải có kỳ thi chuyển cấp, thi THPT quốc gia, không thể lùi đến sang năm được. Vì vậy phải tính đến các mốc thời gian này, cần tính toán lùi hơn năm học trước nhưng không ảnh hưởng lớn các năm tiếp theo.

“Căn cứ tình hình thực tiễn, các địa phương quyết định cho học sinh đi học trở lại theo lứa tuổi và địa bàn. Ví dụ, học sinh lớp 12 có kỹ năng tự bảo vệ mình và thể lực tốt, có thể tính toán, cân nhắc cho đến trường trở lại. Nếu tất cả học sinh đều nghỉ 3 tháng, sẽ ảnh hưởng năm học tiếp theo”, ông Thành chia sẻ.

Trước băn khoăn về việc dịch bệnh diễn biến phức tạp, vì sao Bộ GD-ĐT không quyết định thời điểm cho học sinh nghỉ trên toàn quốc, ông Thành lý giải, Nghị định 127 đã quy định rõ UBND thành phố trực thuộc trung ương sẽ quản lý và có trách nhiệm giải trình các tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn.

Khử khuẩn, vệ sinh toàn diện cơ sở vật chất tại một trường học ở Hà Nội.

Nghị định 69 quy định về chức năng, quyền hạn của Bộ GD-ĐT cũng ghi rõ điều này. Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 2071 về khung kế hoạch thời gian năm học, quy định rõ UBND cấp tỉnh, trung ương sẽ xây dựng kế hoạch học tập, học bù.

Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định kế hoạch thời gian năm học với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp thực tiễn của địa phương trong trường hợp kéo dài năm học, trường hợp đặc biệt do UBND cấp tỉnh quy định.

Về việc học bù của các địa phương sau khi học sinh đi học trở lại, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức chương trình học bù, có thể tổ chức vào thứ Bảy, Chủ nhật nhưng phải đảm bảo thời gian cho các em nghỉ ngơi.

Thời gian năm học hiện nay là 35 tuần, được thiết kế một buổi học mỗi ngày. Nhiều trường chưa có điều kiện để học cả ngày. Trước tình hình dịch bệnh, địa phương có thể tận dụng thời gian và lớp học trống, phòng đa năng, phòng chức năng để học bù.

Với địa phương dịch bệnh có thể kéo dài như Vĩnh Phúc, quan điểm của Bộ GD-ĐT là sức khỏe của học sinh, giáo viên đặt lên hàng đầu. Học sinh cần cách ly theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và Bộ Y tế. Trong thời gian các em ở nhà, nhà trường nên cố gắng sử dụng các phương tiện thông tin, email, điện thoại, học trực tuyến để kết nối thầy và trò. Học sinh phải ôn tập khi nghỉ để lúc đến trường vẫn đảm bảo chương trình.

Khi lùi thời điểm kết thúc năm học, điều đông đảo phụ huynh, học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 9, học sinh lớp 12 quan tâm, lo lắng là thời điểm các kỳ thi sẽ thay đổi ra sao. Theo ông Thành, công tác chuẩn bị cho các kỳ thi của cơ quan quản lý có thể phải rút ngắn hơn bình thường để dành thì giờ ôn tập cho học sinh. Cái khó phải thuộc về cơ quan quản lý để bảo đảm ưu tiên về thời gian cho học sinh, để các em có kiến thức vững chắc trước kỳ thi.

Theo ông Thành, Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn, trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, cố gắng dùng tối đa các phương tiện để kết nối, tự ôn tập, tự học. Sau này đến trường, vẫn phải ôn tập lại nhưng có thể thời gian ôn tập sẽ ngắn hơn, thì vẫn có thể bảo đảm được yêu cầu về kiến thức cho học sinh.

Đồng thời, các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình và sự liên lạc giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch Covid-19.

Xác định thời điểm để tổ chức thi THPT Quốc gia

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có hướng dẫn về tổ chức thi THPT Quốc gia. Tùy tình hình diễn biến dịch bệnh và thời gian học sinh tạm nghỉ học tại các địa phương, Bộ sẽ xác định thời điểm tổ chức kỳ thi phù hợp với thời điểm kết thúc năm học 2019-2020. Lý giải về điều này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ sẽ cân nhắc trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhưng khả năng lớn là không cần thiết phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Hiện tại, chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc là nơi công bố dịch phải xem xét việc học sinh nghỉ thêm. Học sinh ở Vĩnh Phúc nếu nghỉ quá lâu sẽ là trường hợp đặc thù. Khi đó, với kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ có phương án riêng cho địa phương. Nếu đủ thẩm quyền, Bộ GD-ĐT sẽ có những quyết định. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ GD-ĐT xin ý kiến Chính phủ, Quốc hội về việc này.

Uyên Na

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/phong-dich-covid19-hoc-sinh-co-the-nghi-xuan-thay-he-494352.html