Phòng dịch khi giải cứu nông sản

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, tất cả nông sản của tỉnh đều được thu hoạch, đóng gói, đảm bảo các yếu tố an toàn phòng chống dịch bệnh như phun khử khuẩn, người thu hoạch đeo khẩu trang, sát khuẩn, quá trình vận chuyển tuân thủ nghiêm các quy định…

Người dân Hà Nội giải cứu nông sản Hải DươngẢnh: Duy Phạm

Người dân Hà Nội giải cứu nông sản Hải DươngẢnh: Duy Phạm

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Dương, đến nay, lượng nông sản trong tỉnh cần tiêu thụ ngay còn nhiều. Hải Dương còn gần 1.500 ha cây vụ đông đến kỳ thu hoạch, chiếm hơn 5% diện tích gieo trồng. Trong đó, còn 544 ha cà rốt tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Nam Sách và thành phố Chí Linh với sản lượng 30.000 tấn; 632 ha hành, tỏi ở thị xã Kinh Môn, sản lượng khoảng 20.000 tấn nhưng 80% người dân để khô và sấy; rau các loại còn 250 ha, sản lượng 15.000 tấn ở các huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ, Thanh Miện, Kim Thành.

Trong chăn nuôi, lượng lợn thịt đến kỳ xuất bán là 45.000 con, sản lượng khoảng 4.520 tấn; tổng gia cầm xuất chuồng hơn 950.000 con, đạt 2.250 tấn; trứng gia cầm thương phẩm còn 3 triệu quả; số lượng gia cầm con cần xuất bán từ 120.000-135.000 con/ngày. Diện tích ao nuôi đến kỳ thu hoạch khoảng 3.320 ha, sản lượng được xuất bán khoảng 14.900 tấn. Số lượng cá lồng đến kỳ xuất bán khoảng 2.000 lồng, sản lượng 5.000 tấn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, Sở đã kết nối 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất, thu mua của Hải Dương; phối hợp Sở GTVT, Công an thành phố Hà Nội tạo điều kiện để phương tiện chở nông sản vào Thủ đô. Mấy ngày qua, các đơn vị đã thu mua, tiêu thụ gần 400 tấn nông sản.

Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa có văn bản đề nghị các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia cầm thành phố chủ động kết nối với các đầu mối thu gom, trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh để khai thác, vận chuyển về Hà Nội tổ chức giết mổ, đóng gói bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định; hỗ trợ tối đa các hoạt động, chi phí tổ chức các khâu xét nghiệm gà lông, giết mổ, làm mát, đóng gói, tem nhãn, vận chuyển từ trang trại về nhà máy và từ nhà máy đến nơi tiêu thụ, bảo quản sản phẩm trong kho lạnh; chủ động phối hợp ngành chức năng kết nối, đưa thành phẩm tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, tổ chức đoàn thể chính trị ở Hà Nội.

Đảm bảo an toàn

Để thuận tiện trong tiêu thụ và phòng chống dịch, thành phố Chí Linh đưa sản phẩm gà đồi Chí Linh vào cơ sở giết mổ của tỉnh để đưa gà thành phẩm về tiêu thụ tại Hà Nội; lập danh sách các xe chở hàng hóa từ Chí Linh về Hà Nội gửi Sở GTVT, Công an thành phố Hà Nội để được hỗ trợ khi tham gia giao thông... Với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp bà con Hải Dương, Sở Công Thương đã đề nghị các quận, huyện đề nghị rà soát, bố trí cho người dân các vị trí bán nông sản làm sao đảm bảo giao thông, đặc biệt là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch và phải truy xuất được nguồn gốc, tránh việc đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi. “Về cơ bản, nông sản đều đảm bảo an toàn”, đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương nói với phóng viên Tiền Phong.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho rằng, người dân Hà Nội không nên băn khoăn về nguy cơ dịch bệnh từ nông sản ở Hải Dương. “Các hàng hóa, xe chở hàng hóa từ Hải Dương đi qua các chốt kiểm dịch đều được phun khử khuẩn để đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh”, ông nói.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/phong-dich-khi-giai-cuu-nong-san-1797346.tpo