Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Ky trước nguy cơ ngừng hoạt động

Phòng khám đa khoa khu vực (PKĐKKV) Đồng Ky chịu trách nhiệm khám, chữa bệnh tuyến đầu cho người dân năm xã, một thị trấn của huyện biên giới An Phú (An Giang). Thế nhưng, gần một năm nay, tất cả bác sĩ, nhân viên y tế ở đây rất lo lắng trước nguy cơ phòng khám ngừng hoạt động, các trang thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng phải 'đắp chiếu' do Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam có quy định các PKĐKKV không được thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) đối với người bệnh điều trị nội trú.

Hệ lụy từ một công văn

Từ khi đi vào hoạt động năm 1987, PKĐKKV Đồng Ky, huyện An Phú, tỉnh An Giang với quy mô 30 giường bệnh đã phát huy tốt vai trò cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân vùng biên giới nơi đây. Bác sĩ Nguyễn Văn Phước, Trưởng PKĐKKV Đồng Ky đưa chúng tôi xem bảng thống kê số lượt người bệnh điều trị từ năm 2012 đến năm 2016. Thống kê cho thấy, bình quân hằng năm có từ 3.600 đến hơn 4.200 lượt người bệnh điều trị nội trú, công suất sử dụng giường bệnh từ 180% đến hơn 220% và hàng chục nghìn lượt người bệnh được điều trị ngoại trú. Bác sĩ Phước khẳng định, số lượng người bệnh đông là do đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao và điều kiện chăm sóc của phòng khám tương đương bệnh viện tuyến huyện.

Thế nhưng, từ đầu năm 2017, số lượng người bệnh điều trị nội trú giảm nghiêm trọng, mà nguyên nhân bắt nguồn từ một công văn của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Theo Công văn số 76/BHXH-CSYT ngày 9-1-2017 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thanh toán tiền giường bệnh điều trị nội trú tại PKĐKKV gửi Sở Y tế Quảng Trị và áp dụng cho cả nước thì PKĐKKV không được quy định chức năng điều trị nội trú. Vì vậy, cơ quan BHXH không có cơ sở thanh toán chi phí tiền giường điều trị nội trú tại PKĐKKV. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Phước bức xúc: "Chúng tôi không hiểu, nếu áp dụng theo công văn trên thì tại sao từ khi thành lập đến năm 2016, những người bệnh điều trị nội trú vẫn được BHYT thanh toán chi phí tiền giường. Rõ ràng, đây là một nghịch lý".

38 nhân viên y tế của PKĐKKV Đồng Ky, trong đó nhiều người có kinh nghiệm và tay nghề cao, công tác hàng chục năm, đang rơi vào tình trạng thiếu việc làm, tâm lý hoang mang, không biết phòng khám có còn tiếp tục hoạt động, khi mọi hoạt động khám chữa bệnh đã gần như “tê liệt”.

Hôm chúng tôi ghé phòng khám, vẫn trong giờ hành chính, nhưng khu vực khám bệnh gần như vắng tanh, các nhân viên y tế tụ nhóm ba, nhóm bảy ngồi tán chuyện vì không có người bệnh. Một bác sĩ tâm sự: "Đau xót lắm anh ạ. Hàng chục nghìn người của năm xã, một thị trấn tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia từ hàng chục năm qua đều chọn phòng khám là điểm đến điều trị đầu tiên khi bị đau, ốm. Phần lớn người dân nơi đây thuộc diện nghèo, cho nên chỉ đến phòng khám này điều trị để được BHYT thanh toán chi phí. Việc chấm dứt thanh toán BHYT cũng chính là “giấy báo tử” cho phòng khám này".

Những trang thiết bị trị giá nhiều tỷ đồng gần như không được sử dụng trong nhiều tháng qua. Các máy siêu âm màu, chụp X-quang, điện tim, xét nghiệm huyết học, sinh hóa, nước tiểu, hút đờm, bơm tiêm tự động... hằng ngày chỉ khởi động vài giờ rồi... tắt để bảo đảm có vận hành. Trong 38 cán bộ, y, bác sĩ đã có bảy người xin về Bệnh viện huyện An Phú, số còn lại thấp thỏm, lo âu.

Kiến nghị nhiều cấp, nhưng chưa được giải quyết

Trước những bất cập nêu trên, PKĐKKV Đồng Ky, người dân trên địa bàn và chính quyền địa phương đã hàng chục lần phản ánh đến các cơ quan chức năng. Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc thị trấn Long Bình (huyện An Phú, An Giang) Trần Thanh Tùng cho biết: "Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND ba cấp, đại biểu Quốc hội, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cho PKĐKKV Đồng Ky được BHYT thanh toán chi phí điều trị nội trú của người bệnh, vì thực tế nhu cầu của người dân là rất lớn. Mặt khác, bà con đều nghèo, từng đồng tiết kiệm từ thanh toán BHYT là khoản tiền không nhỏ". Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Đoàn Bình Lâm cũng cho rằng: "Năm xã, một thị trấn mà PKĐKKV Đồng Ky phụ trách phần lớn là khó khăn, đặc biệt khó khăn. Nếu phải thực hiện theo công văn của BHXH Việt Nam thì gây ra nhiều khó khăn trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tuyến biên giới. Chúng tôi cũng đã có văn bản kiến nghị nhưng chưa có hướng giải quyết".

Trao đổi với Phó Giám đốc BHXH tỉnh An Giang Diệp Thành Bu, chúng tôi còn được biết, không riêng PKĐKKV Đồng Ky, mà nhiều PKĐKKV khác của tỉnh An Giang cũng cùng chung số phận. Phó Giám đốc Diệp Thành Bu cho rằng, nếu coi PKĐKKV chỉ hoạt động như một trạm y tế tuyến xã là bất hợp lý, khi đây chính là cánh tay nối dài điều trị tuyến đầu rất hiệu quả cho hệ thống bệnh viện tuyến huyện. BHXH An Giang và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh đã phản ánh với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam để tháo gỡ theo hướng chấp nhận cho thanh toán nội trú đối với phòng khám khu vực. Tuy nhiên, đến nay tỉnh vẫn đang phải chờ.

Nguy cơ phải chấm dứt hoạt động khám, chữa bệnh hay trang thiết bị y tế hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng bị bỏ không, gây lãng phí cùng với hàng chục y, bác sĩ không có việc làm đang dần trở thành hiện thực không chỉ với PKĐKKV Đồng Ky, mà còn đối với nhiều PKĐKKV khác trên cả nước. Thiết nghĩ, việc BHXH chấp nhận thanh toán điều trị nội trú cho các PKĐKKV là cấp thiết, để giúp người dân nghèo vùng sâu, vùng xa, biên giới được tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất.

Trả lời về vấn đề này, Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Lê Văn Phúc cho biết: Hiện nay, trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và các Nghị định của Chính phủ, thông tư hướng dẫn đều không quy định việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú cho các phòng khám đa khoa, thậm chí trong các văn bản này còn chưa đưa ra khái niệm “phòng khám đa khoa khu vực”. Tuy nhiên, trong Quyết định số 1327/2002/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc ban hành tiêu chuẩn thiết kế phòng khám đa khoa khu vực tiêu chuẩn ngành cũng đã đưa ra “tiêu chuẩn thiết kế phòng khám đa khoa khu vực” có quy định rõ: Phòng khám đa khoa khu vực là nơi thực hiện các hoạt động chăm sóc bảo vệ sức khỏe ban đầu, cung cấp các dịch vụ; phòng bệnh, khám chữa bệnh, điều trị ngoại trú, điều trị các bệnh viện thông thường và một số chuyên khoa. PKĐKKV chỉ thực hiện sơ cứu, cấp cứu thông thường và hỗ trợ chuyển thương lên tuyến trên; tạm lưu bệnh nhân cần phải theo dõi, các bệnh nhân nặng cần chờ chuyển lên tuyến trên… Vì vậy, PKĐKKV không được quy định chức năng điều trị nội trú, đây cũng là các cơ sở để BHXH Việt Nam từ chối việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại các PKĐKKV theo quy định.

Tại hội nghị liên ngành bàn các giải pháp thực hiện việc tạm ứng, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam (tháng 6-2017), để giải quyết những vướng mắc đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú tại PKĐKKV, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam thống nhất sẽ rà soát tiêu chí đối với các phòng khám được điều trị nội trú theo hướng chỉ thực hiện đối với các PKĐKKV thuộc các vùng khó khăn theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các PKĐKKV thuộc các khu vực khác thì chỉ kê giường lưu như đối với trạm y tế xã. Thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ thống nhất để hướng dẫn chi tiết nội dung này.

Bài, ảnh: BẢO TRỊ và VŨ LAN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/34890902-phong-kham-da-khoa-khu-vuc-dong-ky-truoc-nguy-co-ngung-hoat-dong.html