Phòng ngừa cháy, nổ để sản xuất an toàn

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cháy, nổ luôn là mối nguy hiểm thường trực bởi khi xảy ra thiệt hại là vô cùng lớn. Vì vậy, để bảo đảm sản xuất an toàn, việc phòng, chống cháy nổ luôn được đặt lên hàng đầu, không thể lơ là, chủ quan.

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phúc Minh Huy ở thôn An Long, xã Yên Mỹ (Lạng Giang) chuyên lắp ráp linh kiện điện tử với gần 170 công nhân. Khu vực sản xuất của doanh nghiệp rộng khoảng 3.200 m2. Ngoài ra còn có khu vực văn phòng, bếp ăn, nhà để xe… Đây đều là những nơi có thể xảy ra cháy. Do vậy ngay từ khi xây dựng nhà xưởng, Công ty đã thực hiện đầy đủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), đầu tư lắp đặt hệ thống báo cháy tự động, trang bị dụng cụ, thiết bị PCCC. Lực lượng PCCC tại chỗ có 30 người ở nhiều bộ phận, thường xuyên được huấn luyện, xử lý các tình huống cháy, nổ ngay khi phát hiện.

Cán bộ Công an huyện Lạng Giang hướng dẫn Đội PCCC Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phúc Minh Huy sử dụng bình chữa cháy.

Anh Nguyễn Văn Toan là công nhân kỹ thuật, Đội trưởng Đội PCCC Công ty cho biết: “Đội được trang bị quần áo, găng tay, mũ chuyên dụng, bình chữa cháy… Định kỳ, lực lượng cảnh sát PCCC Công an huyện kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp tổ chức tuyên truyền. Công ty xây dựng các phương án xử lý tình huống cháy, nổ; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, sẵn sàng ứng phó nếu có cháy”.

Theo phân cấp, Công an huyện Lạng Giang quản lý về PCCC gần 150 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Một số đơn vị có nguy cơ cháy, nổ cao như sản xuất, gia công may mặc, linh kiện điện tử, sơ chế gỗ… Ngoài ra trên địa bàn còn có các trung tâm thương mại, siêu thị.

Trung tá Tô Đức Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, Công an huyện trao đổi, những năm gần đây, do đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về PCCC nên các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và công nhân, người lao động đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 36 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Các doanh nghiệp phối hợp cùng lực lượng công an thành lập và duy trì hoạt động gần 3,8 nghìn đội PCCC với hơn 64,6 nghìn thành viên.

Các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua là sự cảnh báo trực tiếp, bài học kinh nghiệm đắt giá đối với các doanh nghiệp, từ đó các cơ sở chấp hành tốt hơn, ưu tiên nguồn lực đầu tư trang thiết bị PCCC. Tuy vậy, qua kiểm tra vẫn có tình trạng một số cơ sở chủ quan cho rằng cháy, nổ khó có thể xảy ra nên hạn chế mua sắm bình chữa cháy. Trong năm 2023, Công an huyện xử lý 12 trường hợp và hai tháng đầu năm 2024 xử phạt 4 trường hợp, chủ yếu vi phạm lỗi không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC.

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 36 nghìn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó lĩnh vực công nghiệp có gần 1,6 nghìn cơ sở; thương mại, dịch vụ hơn 1,7 nghìn; xăng dầu, dầu khí gần 1 nghìn… Thời gian qua, lực lượng cảnh sát PCCC đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra đối với những cơ sở này; đồng thời thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu hàng trăm công trình.

Các doanh nghiệp phối hợp cùng lực lượng công an thành lập và duy trì hoạt động gần 3,8 nghìn đội PCCC với hơn 64,6 nghìn thành viên. Công an tỉnh và các địa phương tổ chức đối thoại tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong PCCC, cứu nạn, cứu hộ cho các doanh nghiệp; tổ chức đường dây nóng để tiếp nhận và giải quyết những vấn đề được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phản ánh. Năm 2023, có 16 cơ sở gặp khó khăn trong thẩm duyệt PCCC, 5 cơ sở gặp vướng mắc trong nghiệm thu về PCCC đã được tháo gỡ, giải quyết, khắc phục xong.

Thực hành chữa cháy tại chợ Vôi (Lạng Giang).

Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ, hiện nay đã niêm yết công khai, đầy đủ quy trình, nội dung giải quyết đối với 26 thủ tục hành chính lĩnh vực PCCC trên trang thông tin điện tử Công an tỉnh. Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết, Đội trưởng Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết, qua thực tế kiểm tra cho thấy, một số doanh nghiệp vẫn có vi phạm với các lỗi như: Làm mất, hỏng hoặc làm mất tác dụng phương tiện PCCC; thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản.

Ở nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, việc bố trí sắp xếp vật tư, hàng hóa cản trở lối thoát nạn; không kiểm tra hệ thống, phương tiện định kỳ; để nội quy, tiêu lệnh, biển báo, biển cấm cũ mờ, không nhìn rõ chữ… ảnh hưởng đến việc PCCC nếu có tình huống cháy, nổ xảy ra. Trước thực trạng này, Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh hướng dẫn, kiểm tra tập trung ở các doanh nghiệp, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, lực lượng công an đã kiểm tra PCCC đối với gần 31 nghìn hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đạt 100%. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra được tiến hành đối với các chuyên ngành và chuyên đề như sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở kinh doanh, tồn chứa xốp; xăng dầu… Qua kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 39 trường hợp, xử phạt hành chính hơn 270 trường hợp, thu nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng.

Để khắc phục, thời gian tới, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ tiếp tục tham mưu Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các doanh nghiệp theo nguyên tắc “Mọi hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ trước hết phải được thực hiện và giải quyết bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ”.

Gắn tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các cơ sở, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp với kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm, ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng phức tạp về cháy, nổ trên địa bàn toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quốc Phương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/420325/phong-ngua-chay-no-de-san-xuat-an-toan.html