Phòng ngừa tai nạn điện mùa mưa

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa thì chuyện tai nạn do điện gây ra là mối lo canh cánh của nhiều người. Việc hạ ngầm lưới điện trên nhiều tuyến đường ở TPHCM đã kéo giảm các tai nạn điện 'từ trên trời rơi xuống', song vẫn còn nhiều nguy cơ khác do người dân chủ quan.

Hạ ngầm lưới điện và đấu nối điện vào nhà dân trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) để hạn chế tai nạn điện

Tai nạn điện trong nhà

Cách nay vài ngày, cư dân hẻm 29 đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh) đã đau buồn tiễn đưa một người hàng xóm xấu số qua đời do tai nạn điện. Sau khi xác minh sự việc, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Gia Định, cho biết: “Theo thông tin từ phường, nạn nhân làm bảo vệ tại một quán cà phê tại quận 3. Vốn tính cần mẫn, thấy điện trong quán trục trặc, nghĩ đơn giản nên ông tự sửa, không ngờ tai nạn xảy ra”.

Anh Nguyễn Văn Út, kỹ sư an toàn điện tại Công ty Điện lực Duyên Hải, chia sẻ: “Qua nhiều chuyến đi khảo sát về an toàn điện trong dân, tôi thấy lo lắm! Dù ngành điện đã tuyên truyền, nhắc nhở, khuyến cáo, nhưng nhiều nơi bà con vẫn rất chủ quan, xem thường tai nạn điện.

Tại các xã Bình Khánh, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) hay Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), có nhiều hộ thuê ruộng nuôi tôm, kéo dây điện giữa các vuông tôm rất cẩu thả, máng dây điện trên các thanh cây cũ, dây điện không đạt chuẩn, bị bong tróc do phơi ngoài trời… nên rất dễ dẫn đến tai nạn. Năm 2017 có 2 người đã bị tai nạn điện suýt mất mạng cũng do kéo dây điện không an toàn như vậy. Chúng tôi đi khảo sát, phát tờ rơi tuyên truyền an toàn điện, nhưng nhiều hộ dân vẫn không quan tâm, nên ngành điện lực đã ký hợp đồng với các xã về tuyên truyền phòng tránh tai nạn điện, phát thanh trên loa của xã 3 lần/tuần, đồng thời lập danh sách các hộ có nguy cơ tai nạn điện, gửi thông báo đến xã, đề nghị nhắc nhở, khuyến cáo”.

Anh Nguyễn Ngọc Trâm, kỹ sư an toàn điện của Công ty Điện lực Gia Định, cho hay: “Tại khu vực nội thành, mối lo tai nạn điện trong dân là các dây dẫn, mối nối điện ở nhiều hộ không đúng quy cách kỹ thuật. Năm 2017, công ty đã kiểm tra an toàn điện tại 1.200 hộ dân và hiện nay tiếp tục kiểm tra, sẽ kết thúc vào cuối tháng 6-2018. Hộ nào có nhiều nguy cơ tai nạn điện do câu móc, mối nối không an toàn sẽ được nhắc nhở. Nhiều hộ đã khắc phục ngay sau khi được nhắc nhở”.

Chực chờ tai nạn ngoài ngõ

Mới tuần trước, chỉ một cơn mưa nhỏ kèm theo gió giật đã quật đổ một cây xanh trên đường Lý Tế Xuyên (quận Thủ Đức) ngã đè lên dây điện, khiến một trụ điện bị gãy. Trước đó, hồi giữa tháng 4, một trụ điện gãy đã đè lên nhà dân trên đường Đình Phong Phú (quận 9), may không gây tai nạn cho ai. Trên địa bàn TPHCM đang vào giai đoạn chuyển tiếp giữa mùa nắng và mùa mưa nên diễn biến thời tiết có nhiều bất thường, kèm dông lốc và gió giật mạnh. Vì vậy, không thể xem thường nguy cơ tai nạn điện. Ông Nguyễn Thanh Phong thông tin: “Công ty đã kiểm tra 12.000 trụ điện trên địa bàn quận Bình Thạnh và Phú Nhuận, trụ nào có dấu hiệu không an toàn đều được thay mới, gia cố. Ngay tại khu vực Bình Quới - Thanh Đa, do địa hình gần sông, nhiều ruộng, nhiều trụ điện có nguy cơ gãy đổ do sạt lở đã được thay mới hoặc gia cố chân trụ. Nếu có mưa lớn, công ty sẽ tăng ca trực vận hành để đảm bảo ứng trực xử lý sự cố. Thậm chí nếu xảy ra nhiều sự cố, lãnh đạo phải vào trực cùng đội vận hành để điều hành lưới, đảm bảo an toàn điện cho người dân”.

Tại địa bàn huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ, ngành điện và chính quyền địa phương cũng quan tâm các khu vực có nguy cơ gãy đổ trụ và lưới điện. Hai điểm sạt lở nặng tại huyện Nhà Bè là cầu Rạch Tôm (xã Nhơn Đức) và ấp 3 (xã Hiệp Phước) đã được xử lý xong, các trụ điện được di dời sâu vào bên trong, gia cố móng an toàn. Hiện nay còn khu vực cầu Kênh Lộ (xã Hiệp Phước) có nguy cơ sạt lở, nên ngành điện đang lập phương án di dời các trụ điện tại đây. Công ty Điện lực Duyên Hải cho biết, từ tháng 4 đến nay, khi trời mưa thường có dông lốc, sét xảy ra tại địa bàn 2 huyện này. Vì vậy, công ty đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị, Công ty Dịch vụ công ích 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ và Khu 4 Quản lý đường bộ tiến hành phát quang cây xanh, đồng thời triển khai diễn tập phòng chống lụt bão, cứu hộ cứu nạn.

THƯ LÊ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phong-ngua-tai-nan-dien-mua-mua-520996.html