Phòng, Sở Giáo dục giới thiệu 'áo lót': Có trong sáng không?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, đơn vị quản lý giáo dục hãy làm tốt việc nâng cao chất lượng giáo dục, đừng làm những chuyện mất thì giờ.

Liên quan đến sự việc, công văn tiếp thị áo lót nữ sinh tại huyện Cần Đước, chiều 23/7, trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Cần Đước tỉnh Long An) cho biết, bà đang làm báo cáo sự việc gửi UBND huyện.

Trước đó, bà Xuân xác nhận, Phòng GD&ĐT đã ra Văn bản mang số 1026/PGDĐT ngày 18/7/2019 nhằm giới thiệu “áo lá kháng khuẩn” đến các trường THCS do ông Đặng Minh Tấn, Phó Trưởng phòng ký.

Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân cho rằng: “Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Cần Đước ký văn bản này dựa trên sự giới thiệu của sở GD&ĐT tỉnh Long An".

Theo bà Xuân, nội dung công văn chỉ là thông tin về sản phẩm chứ không bắt buộc các học sinh mua.

“Tôi cũng thừa nhận, việc giới thiệu sản phẩm này (áo lót cho nữ sinh – PV) là hơi nhạy cảm. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cần Đước nói.

Còn ông Phạm Văn Thở, Chánh văn phòng sở GD&ĐT tỉnh Long An thừa nhận, đơn vị này đã ra văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về việc phối hợp, hỗ trợ công ty dệt may Nguyên Dung để giới thiệu dòng sản phẩm “áo lá kháng khuẩn”. Việc thực hiện hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, học sinh.

“Nhưng trước phản ứng của dư luận, Sở nhận thấy việc ban hành văn bản này là còn khiếm khuyết.

Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm trong việc ban hành các văn bản về sau. Đồng thời thông báo việc ngừng hỗ trợ doanh nghiệp bán sản phẩm đến các đơn vị trực thuộc”, ông Phạm Văn Thở nói.

Văn bản 'tiếp thị' áo lót của Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước. Ảnh: NĐT

Văn bản 'tiếp thị' áo lót của Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước. Ảnh: NĐT

Đây không phải lần đầu các cơ quan, đơn vị quản lý, giảng dạy được cho rằng tiếp thị hộ doanh nghiệp hoặc gợi ý các sản phẩm liên quan tới học sinh. Đã từng có lời giới thiệu từ các đơn vị quản lý giáo dục địa phương về việc mua sữa, bút bi...

Bình luận về thực trạng này, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Phòng, Sở GD có nhiều việc để làm chứ không cần thiết phải đi giới thiệu một sản phẩm cho doanh nghiệp không liên quan đến việc giáo dục.

"Tôi nghĩ rằng các đơn vị quản lý giáo dục không nên mất thì giờ vào những chuyện đó, không nên làm như vậy.

Trong khi đó, còn bao nhiêu vấn đề về giáo dục, cần phải rèn luyện cho thầy cô kỹ năng giảng dạy cho học sinh thật tốt, học tiếng Anh cho tốt, áp dụng công nghệ 4.0 vào giáo dục như thế nào?

Chúng ta cần phải tập trung vào các hoạt động thiên về việc nâng cao chất lượng giáo dục nhiều hơn. Những chuyện nhỏ nhỏ như vậy, các đơn vị nên bỏ qua", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Sau việc tiếp thị, giới thiệu các sản phẩm tới phụ huynh, học sinh, vị PGS.TS thẳng thắn nhận xét rằng: "Tôi chỉ sợ đằng sau việc này có một vấn đề gì đó.

Cứ nói tôi không có ý gì nhưng thực ra nhiều khi đằng sau lại là chuyện mờ ám. Vì thế, trong ngành giáo dục đừng làm những gì khiến người ta liên tưởng đến việc khác. Kể cả khi mình không có tư lợi gì nhưng để người ta nghĩ như vậy cũng không hay.

Như vậy, cái gì liên quan đến chất lượng, giáo dục của mình thì mình hãy làm tốt hơn. Còn những chuyện kia thì hãy để xã hội làm. Ngành giáo dục tham gia dễ gây phản cảm và dễ khiến người khác liên tưởng đến một động cơ không được trong sáng".

Theo vị chuyên gia, từ những chuyện nhỏ nhưng nếu không được ngăn cản kịp thời thì sẽ dẫn đến những chuyện khác lớn hơn. Từ đó, có thể sẽ gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành giáo dục nói chung.

Về việc Phòng GD&ĐT huyện Cần Đước, Sở GD&ĐT Long An thừa nhận nhạy cảm, "còn khiếm khuyết", xin rút kinh nghiệm, vị chuyên gia đánh giá: "Có thể ít ra người ta cũng đã nhận thấy vấn đề để rút kinh nghiệm, chúng ta cũng nên hoan nghênh. Đó cũng là bài học, từ nay về sau đừng làm những chuyện mất thì giờ như vậy".

Hoàng Trang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/phong-so-giao-duc-gioi-thieu-ao-lot-co-trong-sang-khong-3384333/