Phòng thủ Mỹ 'đi vắng' khi bị Iran tấn công

Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) vừa tuyên bố họ thực hiện vụ tấn công vào căn cứ Al Asad của Mỹ tại Iraq bằng tên lửa.

Vũ khí cực mạnh

Kênh truyền hình Press TV dẫn tuyên bố của IRGC cho biết: "Lực lượng tên lửa của chúng tôi đã bắn hàng chục quả tên lửa vào căn cứ không quân Al Asad của Mỹ ở Iraq".

Ngay trước đó, hãng tin Fars News của Iran hôm nay công bố trên mạng xã hội Twitter video cuộc tấn công do Tehran thực hiện kèm dòng trạng thái "Chiến dịch báo thù đã bắt đầu. Các tên lửa hạng nặng đang tấn công căn cứ Mỹ tại Ain al-Asad".

Iran phóng tên lửa tấn công căn cứ Mỹ.

Iran phóng tên lửa tấn công căn cứ Mỹ.

Hình ảnh được công bố cho thấy hàng loạt đốm sáng đang lao lên trời kèm theo những tiếng động lớn từ động cơ tên lửa. Truyền thông Iran cũng công bố hình ảnh một tên lửa rời bệ phóng và không khó để nhận ra đây chính là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Fateh-110.

Đòn tấn công căn cứ Ain al-Asad diễn ra vào lúc 1h20 ngày 8/1/2020 (5h20 giờ Hà Nội), trùng với khoảng thời gian đoàn xe của thiếu tướng Soleimani bị trúng tên lửa bên ngoài sân bay Baghdad ở Iraq hôm 3/1. Đến 3h30, đợt tấn công thứ hai diễn ra, nhắm vào căn cứ Irbil có lính Mỹ đồn trú ở miền bắc Iraq.

Ngay sau đó, Lầu Năm Góc cũng đã xác nhận thông tin về vụ tấn công, nói thêm rằng họ đang đánh giá thiệt hại ban đầu và sẽ thực hiện "các biện pháp cần thiết" để bảo vệ quân đội Mỹ, cũng như đồng minh trong khu vực.

"Những tên lửa này rõ ràng phóng từ Iran và nhắm vào ít nhất hai căn cứ quân sự tại Iraq là al-Asad và Irbil", Lầu Năm Góc cho biết trong một thông cáo.

Fateh-110 được Iran sử dụng tấn công vào 2 căn cứ al-Asad và Irbil là tên lửa đạn đạo tầm ngắn sử dụng nhiên liệu rắn, biến thể đầu tiên được biên chế từ năm 2002 và liên tục nâng cấp cho đến nay.

Tên lửa Fateh-110 thế hệ 4 có tầm bắn khoảng 300 km và tốc độ 3.700 km/h. Mỗi quả đạn được trang bị hệ thống dẫn đường quán tính, định vị vệ tinh và đầu dò quang - điện tử, cho phép đánh trúng mục tiêu trong vòng tròn bán kính 3 m.

Đạn tên lửa Fateh-110 sử dụng ba loại xe chở đạn kiêm bệ phóng (TEL) khác nhau, trong đó biến thể mới nhất có thể chở hai quả đạn trên một xe. Tên lửa dài 9 m, đường kính 0,6 m và nặng 3,5 tấn.

Hồi năm 2016, Iran ra mắt biến thể mới nhất của dòng Fateh mang tên Zolfaghar. Tên lửa có tầm bắn 700 km, hình dáng và kích cỡ giống Fateh-110 nhưng có hệ thống dẫn đường hoàn toàn mới, sử dụng đầu đạn nổ mạnh hoặc đạn chùm với khối lượng tối đa 450 kg.

Loại tên lửa này từng được Iran dùng để tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria ít nhất hai lần vào năm 2017 và 2018. Tehran hồi tháng 8/2019 cũng thử nghiệm biến thể diệt hạm mang tên Fateh-110 Mod 3.

Quả đạn có hệ thống dẫn đường quán tính và đầu dò quang điện tử để bám bắt tàu chiến khi lao xuống. Quân đội Iran từng hai lần thử thành công loại vũ khí này, đánh trúng mục tiêu mô phỏng tàu chiến đối phương ở khoảng cách 250 km.

Ngoài Fateh-110, một loại tên lửa thứ 2 cũng được cho là đã được Iran dùng để tấn công vào căn cứ Mỹ là Qiam-1. Tuy nhiên thông tin này chưa được xác nhận.

Phòng thủ Mỹ "đi vắng"

Dù thừa nhận căn cứ tại Iraq bị tên lửa Iran tấn công nhưng Lầu Năm Góc đã gây khó hiểu khi không hề nhắc đến việc hệ thống phòng thủ nước này phóng đạn đánh chặn tên lửa đạn đạo của Tehran.

Theo thông tin từ tạp chí Air Recognition và Defence News, hiện lực lượng phòng thủ Mỹ tại Iraq đang được trang bị những khẩu đội tên lửa đánh chặn Patriot. Những vũ khí này được Lầu Năm Góc triển khai từ năm 2003.

Tại thời điểm đó, đã có tổng cộng 62 tổ hợp phòng không Patriot PAC-3 đến quốc gia Trung Đông này để bảo vệ lực lượng mặt đất tham gia chiến dịch quân sự tại Iraq của Mỹ. Đến nay, số hệ thống này đã giảm đi đáng kể khi Mỹ chuyển về nước hoặc đến một số căn cứ ở nước ngoài khác.

Về lý thuyết, với số lượng Patriot vẫn còn hiện diện ở Iraq cũng quá đủ để bảo vệ 2 căn cứ al-Asad và Irbil cùng với số binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại quốc gia này. Nhưng trong cuộc tấn công do Iran phát động rạng sáng 8/1, đã không hề có quả đạn đánh chặn nào của Patriot được phóng đi.

Sự im lặng khó hiểu của Patriot khiến người ta nhớ lại những trận đánh tệ hại của vũ khí này tại Iraq trước đó. Ngày 23/3/2003, một máy bay Tornado GR4 của Anh bị tên lửa Patriot Mỹ bắn hạ gần biên giới Iraq - Kuwait khi đang trở về căn cứ, khiến cả hai phi công thiệt mạng.

Điều tra sau đó kết luận thiết bị IFF trên chiếc Tornado không hoạt động, khiến tổ hợp Patriot nhận diện nó là máy bay của Không quân Iraq. Ngoài ra, trong một tình huống khác, phi công Mỹ đã buộc phải tiêu diệt chính Patriot của mình khi bị những khẩu đội này ngắm bắn.

Chỉ một ngày sau vụ bắn rơi chiếc Tornado GR4, một hệ thống Patriot đã khóa mục tiêu vào tiêm kích F-16 Mỹ. Được hệ thống cảnh báo trên tiêm kích thông báo đang bị khóa mục tiêu, phi công F-16 khai hỏa tên lửa chống radar AGM-88 HARM đáp trả.

Quả đạn HARM lao tới nguồn tín hiệu, phá hủy đài radar Patriot nhưng không gây ra thương vong cho kíp vận hành. Không quân Mỹ khẳng định đây chỉ là một vụ tai nạn. Sau sự cố, vẫn còn nhiều hệ thống Patriot tiếp tục vận hành, trở thành nỗi ám ảnh với Không quân Mỹ và liên quân.

Clip Iran phóng tên lửa tấn công căn cứ Mỹ

Hòa Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/phong-thu-my-di-vang-khi-bi-iran-tan-cong-3394797/