Phòng tránh bạo lực học đường: Cần chế tài nghiêm khắc

Không phải là hiện tượng mới, tuy nhiên những vụ việc bạo lực học đường gần đây liên tiếp xảy ra ở nhiều cấp học, nhiều địa phương đã bộc lộ tính chất nguy hiểm, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn nhức nhối này.

Ảnh minh họa.

Trong khi thông tin em N.T.Y.N. (lớp 10A15, Trường THPT chuyên Đại học Vinh, Nghệ An) tự tử nghi bị bạo lực học đường chưa kịp lắng xuống, thì mới đây lại xảy ra trường hợp nữ sinh lớp 8 Trường THCS Xuân Nộn, huyện Đông Anh, TP Hà Nội bị một nhóm học sinh khác đánh hội đồng phải nhập viện.

Theo đó, ngày 2/4, nữ sinh G.T.C. (14 tuổi, lớp 8) đang ở nhà thì nhóm học sinh Trường Cao đẳng Việt Hàn, THCS Xuân Nộn gọi ra ngoài để nói chuyện. Sau đó, C. bị đánh hội đồng và toàn bộ vụ việc được camera an ninh ghi lại. Vụ việc khiến em C. bị chấn thương, phù nề vùng mặt, sang chấn tâm lý... phải nhập viện điều trị. Hiện công an đang điều tra làm rõ vụ việc.

Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ bạo lực học đường ở mức đáng báo động. Theo số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT, trung bình trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học.

Một nghiên cứu trên 1.040 học sinh tại 4 trường THCS và THPT tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, trong năm học này, có 75,7% học sinh tham gia vào bắt nạt truyền thống, 32,5% học sinh tham gia vào bắt nạt trực tuyến ở các mức độ khác nhau. Đáng lưu ý, bạo lực không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Các chuyên gia giáo dục cho rằng, công tác phòng, chống bạo lực học đường đã trở thành nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Đinh Đức Duy (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, theo Nghị định 80/2017/NĐ-CP, bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ lứa tuổi của các em chưa biết cách kiểm soát cảm xúc, thậm chí muốn chứng tỏ mình, chỉ cần các tác động xấu từ bên ngoài sẽ dẫn đến nhận thức và hành động sai. Ngoài ra còn có rất nhiều nguyên nhân khác đến từ gia đình, nhà trường và xã hội, rất nhiều gia đình dạy con bằng cách la mắng, đánh đập, các văn hóa phẩm như phim ảnh, sách báo, game, đồ chơi (kiếm, súng) mang tính bạo lực... cũng là nguyên nhân của tình trạng này. Các trường học còn nặng về việc truyền đạt kiến thức cho học sinh, đôi khi quên nhiệm vụ giáo dục con người.

Theo luật sư Đinh Đức Duy, quy định tại Bộ luật Hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, ở độ tuổi của các học sinh, nếu có hành vi bạo lực học đường vẫn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với hành vi bạo lực học đường có thể cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự) hoặc tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự). Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11 - 30% hoặc dưới 11% (như dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên, dùng axít sunfuric hoặc hóa chất nguy hiểm khác…), thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 134 Bộ luật Hình sự).

Hiện nay, Nghị định 80/2017/NĐ-CP, Thông tư 38/2019/TT-BLĐTBXH và rất nhiều văn bản khác cũng đã quy định rất rõ những biện pháp phòng ngừa bạo lực học đường, xử lý khi xảy ra bạo lực học đường; tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều năm, thậm chí có dấu hiệu ngày càng nghiêm trọng.

“Vì vậy, để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của học sinh, ngoài việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, tăng cường kỷ luật thì vấn đề giải quyết khủng hoảng truyền thông, xử lý các tình huống có vấn đề, các sự cố xảy ra cũng rất quan trọng, các cơ sở giáo dục không thể xem nhẹ. Quan trọng nhất, cha mẹ luôn phải quan tâm, lắng nghe và dạy con cách đối phó khi có nguy cơ bị bạo lực học đường” - luật sư nêu quan điểm.

Thái San

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phong-tranh-bao-luc-hoc-duong-can-che-tai-nghiem-khac.html